Phát hiện thiên hà “Green Pea”

  •  
  • 1.611

Một nhóm các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một cụm thiên hà rất hiếm gọi là “Green Peas” với sự trợ giúp của các nhà khoa học khác qua một dự án trực tuyến Galaxy Zoo. Phát hiện này đưa ra những hiểu biết mới về việc làm thế nào các thiên hà hình thành sao trong thời kỳ đầu của vũ trụ.

Những người sử dụng Galaxy Zoo, các tình nguyện viên sử dụng thời gian rỗi để giúp phân loại các thiên hà trong một ngân hàng hình ảnh trực tuyến, bắt gắp những vật thể nổi bật lên vì kích thước nhỏ và màu xanh sáng. Họ gọi những vật thể đó là Green Peas.

Với sự trợ giúp của các tình nguyện viên để phân tích thêm về những vật thể kỳ lạ này, các nhà thiên văn học đã phát hiện rằng Green Peas là những thiên hà nhỏ, đặc và có tỷ lệ hình thành sao cực kỳ nhanh.

“Đây là những thiên hà hình thành sao nhanh nhất mà chúng tôi từng phát hiện”, Carolin Cardamone, nghiên cứu sinh thiên văn học tại Yale và là tác giả chính của bài báo sẽ được công bố trong số tới của tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, cho biết.

Trong số 1 triệu những thiên hà trong ngân hàng ảnh của Galaxy Zoo, nhóm nghiên cứu chỉ phát hiện được 250 Green Peas. Cardamone cho biết: “Một người không thể làm hết tất cả những công việc này. Kể cả nếu chúng ta có thể xem 10.000 bức ảnh, thì chỉ có một vài Green Peas xuất hiện và có thể chúng ta đã không nhận biết chúng là một dạng thiên hà đặc biệt”.

Những thiên hà này, cách chúng ta 1,5 đến 5 tỷ năm ánh sáng, nhỏ gấp 10 lần và có trọng lượng nhỏ hơn 100 lần so với thiên hà Milky Way. Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp kích thước nhỏ của mình, những thiên hà này hình thành sao nhanh gấp 10 lần Milky Way.

Kevin Schawinski, nhà nghiên cứu bậc sau tiến sĩ tại Yale đồng thời là một trong những người sáng lập Galaxy Zoo, cho biết: “Chúng phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Những thiên hà như thế này có thể rất bình thường trong thời kỳ đầu của vũ trụ, nhưng chúng ta không thấy chúng ngày nay. Tìm hiểu Green Peas có thể cho chúng ta biết điều gì đó về việc làm thế nào các ngôi sao được hình thành trong thời kỳ đầu của vũ trụ, cũng như sự tiến hóa của các thiên hà”.

Green Peas nổi bật với kích thước nhỏ và màu xanh so với những thiên hà thông thường – ví dụ như thiên hà nằm phía dưới cùng bên phải – mà những người sử dụng Galaxy Zoo thường thấy. (Ảnh: Carolin Cardamone)

Các tình nguyện viên của Galaxy Zoo phát hiện ra Green Peas – họ tự gọi bản thân là “Peas Corps” “Peas Brigade” – bắt đầu bàn luận về những vật thể kỳ lạ này trên diễn đàn trực tuyến.

Cardamone đã yêu cầu các tình nguyện viên – rất nhiều trong số họ không có kinh nghiệm gì về thiên văn học – lọc các mẫu vật thể họ tìm thấy để xác định vật thể nào thực sự là Gree Peas và vật thể nào không phải, dựa trên màu sắc của chúng. Bằng cách phân tích ánh sáng của những vật thể này, Cardamone đã xác định sự hình thành sao bên trong các thiên hà.

Schawinski cho biết 10 tình nguyện viên của Galaxy Zoo đã được công nhận trong bài báo vì có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu. Ông nói: “Đây là một dự án khoa học tuyệt vời với sự đóng góp trực tiếp của những người dân bình thường. Nghiên cứu này là một ví dụ điển hình về một phương pháp làm khoa học mới đưa ra kết quả có thể đã không đạt được nếu thiếu sự đóng góp của cả cộng đồng”.

Dự án Galaxy Zoo được tiến hành vào năm 2007 bởi một nhóm các nhà thiên văn học tại Anh Quốc và Hoa Kỳ, bao gồm Schawinski. Cho đến nay, 230.000 tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới đã giúp phân loại một triệu bức ảnh thiên hà do Chương trình khảo sát bầu trời số Sloan. Galaxy Zoo 2, bắt đầu từ tháng 2 năm 2009, cho phép người sử dụng phân tích một cách đầy đủ hơn 250.000 thiên hà sáng nhất.

Các tác giả khác của bài báo bao gồm Marc Sarzi (Đại học Hertfordshire); Steven Bamford (Đại học Nottingham); Nicola Bennert (Đại học California, Santa Barbara); C. M. Urry (Đại học Yale); Chris Lintott (Đại học Oxford); William Keel (Đại học Alabama); John Parejko (Đại học Drexel); Robert Nichol và Daniel Thomas (Đại học Portsmouth); Dan Andreescu (LinkLab); M. Jordan Raddick, Alex Szalay và Jan VandenBerg (Đại học Johns Hopkins); Anze Slosar (Phóng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley).

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.611