Phát hiện thú vị về loài rắn biển

  •   3,86
  • 7.189

Tuy sống trong các đại dương, song rắn biển không uống nước mặn ngay cả khi chúng rất khát. 

Rắn biển. Ảnh: divegallery


Từ trước tới nay nhiều nhà khoa học cho rằng tổ tiên của rắn biển từng sống trên đất liền trước khi chinh phục đại dương. Để thích nghi với môi trường mới, cơ thể chúng tạo ra một cơ chế thủy hợp đặc biệt, theo đó tuyến muối bên trong cơ thể rắn biển lọc và loại bỏ muối trong nước biển.

Nhưng một số nhà khoa học của Đại học Florida (Mỹ) phát hiện ra rằng 3 loài rắn biển gần đảo Đài Loan chỉ uống nước ngọt hoặc nước muối loãng (với 10-20% muối). Trong các cuộc thử nghiệm, những con rắn biển từ chối uống nước biển tự nhiên dù rất khát.

Rắn biển là thành viên của họ rắn độc Elapidae bao gồm hổ mang, mamba và rắn san hô (có ba màu đỏ, vàng, đen xen kẽ nhau dọc theo cơ thể). Mặc dù phần lớn họ Elapidae sống trong môi trường nước mặn, chúng lại xuất hiện tập trung ở các khu vực có lượng mưa lớn. Điều này khiến các nhà khoa học thuộc Đại học Florida đặt ra giả thuyết về việc rắn biển cần nước ngọt.

Để kiểm chứng giả thuyết, nhóm nghiên cứu theo dõi vài loài rắn biển trong phòng thí nghiệm. Họ không cho chúng tiếp xúc với nước biển trong hai tuần. Trong thời gian đó khối lượng cơ thể chúng giảm đáng kể. Sau khi cân rắn, các chuyên gia thả chúng vào bể nước mặn trong 20 giờ. Họ lại vớt chúng ra và đặt lên cân. Kết quả cho thấy khối lượng cơ thể của rắn không tăng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng không chịu uống nước mặn mặc dù rất khát.

Khi thử nghiệm được lặp lại với nước ngọt, phần lớn lũ rắn uống nước ngay lập tức. Các thử nghiệm tiếp theo cho thấy rắn biển cũng có thể sống được trong môi trường nước muối loãng.

Một số loài rắn biển phân bố ở những vùng nước kín (bị bao quanh bởi các đảo hoặc chướng ngại vật tự nhiên khác) dù ở đó không có nguồn cung cấp nước ngọt. Theo Harvey Lillywhite, trưởng nhóm nghiên cứu, rất có thể chúng sống nhờ nước mưa. Mặt nước yên tĩnh vùng nước kín (như vịnh, phá) giúp nước ngọt nổi lên phía trên nước mặn trước khi chúng hòa lẫn vào nhau. Điều đó giải thích tại sao rắn biển thường xuất hiện ở các phá với mật độ dày đặc hơn so với các vùng nước mở trên đại dương.

Giới khoa học từng giả định rằng các tuyến muối của rắn biển giúp chúng lọc muối ra khỏi nước, nhưng Harvey cho rằng tuyến muối giúp rắn biển cân bằng ion bằng cách loại bỏ muối thừa ra khỏi máu.

Theo VnExpress (Livescience)
  • 3,86
  • 7.189