Một nhóm các nhà khoa học Đức vừa phát triển thành công phương pháp cảnh báo sóng thần nhanh và chính xác hơn bằng GPS, tờ Nature World News ngày 18/5 cho biết.
Một chiếc du thuyền lao lên nóc ngôi nhà sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 - (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu địa chất Đức)
Theo đó, phương pháp này sẽ cung cấp cảnh báo sớm các trận sóng thần dựa vào dữ liệu từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để đo độ biến dạng của mặt đất được gây ra từ các trận động đất. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả đối với những nước có mạng lưới vệ tinh lớn, và có thể giúp các nhà khoa học cung cấp một cảnh báo chính xác sóng thần chỉ ít phút sau khi xảy ra trận động đất, nhanh hơn nhiều so với phương pháp truyền thống.
Hiện nay, phương pháp cảnh báo sóng thần truyền thống có thể phải mất đến 10 phút để tính toán và chuyển dữ liệu thu thập được từ các máy ghi địa chấn.
Nghiên cứu thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011, các nhà khoa học cho biết nếu hệ thống GPS được sử dụng, thời gian để có được thông tin chính xác về độ cao và cường độ của sóng thần sẽ tiết kiệm được 3 phút.
Trong cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thô của Mạng quan sát Trái đất GPS của Nhật Bản (GEONET) một ngày trước khi xảy ra trận động đất. Để rút ngắn thời gian cần thiết cho cảnh báo sóng thần, các nhà khoa học chỉ sử dụng 50 trong tổng số 1.200 trạm GPS tại bờ biển phía đông của Nhật Bản.
Bằng cách sử dụng dữ liệu GPS, các nhà khoa học có thể sử dụng máy tính để mô phỏng cường độ trận động đất và tính toán chiều cao, cường độ sóng thần để đưa ra cảnh báo.