“Phiên dịch viên” cá heo

  •  
  • 1.872

Các nhà khoa học đang hy vọng, việc phát triển một loại ngôn ngữ chung với cá heo có thể giúp chúng ta nói chuyện với… người ngoài hành tinh.

>>> Cá heo trên sông Mê Kông sắp tuyệt chủng
>>> Giác quan thứ 6 của cá heo

Từ 27 năm nay, chuyên gia sinh học biển Denise Herzing và các cộng sự thường xuyên đến nơi sinh sống của 200 con cá heo đốm ở phía bắc quần đảo Bahama.

Hiểu về mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm cá heo nói trên là chìa khóa để làm sáng tỏ ý nghĩa của những tiếng huýt sáo, lách cách và các tín hiệu khác mà chúng phát ra. “Mục tiêu của dự án này là kể câu chuyện làm cá heo thì phải như thế nào”, bà Herzing nói với trang tin Discovery. Nhưng là một loài vật thông minh và hiếu kỳ, cá heo hẳn không bằng lòng với việc các nhà khoa học chỉ quay những bộ phim video dưới nước và thu các âm thanh do chúng phát ra.

“Phiên dịch viên” cá heo

Cá heo nổi tiếng có bộ não lớn và tinh vi. Chúng cũng có một cấu trúc xã hội phức tạp do thường lập liên minh và chia sẻ nhiệm vụ. Một khi được huấn luyện, chúng bộc lộ khả năng tiếp thu ngôn ngữ tuyệt vời. “Có những lúc chúng chơi trò chơi với chúng tôi dưới nước. Nhóm cá heo đặc biệt này dường như rất tò mò về chúng tôi”, bà Herzing nói. Chính điều này đã khiến Herzing nghĩ đến việc tạo ra một hệ thống giao tiếp sơ đẳng, chẳng hạn để cá heo có thể hỏi xin đồ chơi. Giao tiếp 2 chiều với cá heo đã được thử nghiệm không ít lần trong những năm qua, nhưng chưa bao giờ với một nhóm động vật sống trong môi trường hoang dã.

Các phương tiện tìm kiếm trí thông minh bên ngoài trái đất hiện sơ đẳng đến mức không thể phân biệt một tín hiệu của người ngoài hành tinh có ý nghĩa như thế nào. Do vậy, nghiên cứu của bà Herzing có thể đóng góp tích cực cho những nỗ lực này, trong đó cá heo có thể tham gia như một dạng truyền tín hiệu tương tự (analog). “Ý tưởng là làm thế nào bạn có thể nhận ra trí thông minh. Đó là lý do tại sao con người thử nghiệm các loài cá heo nhằm cố gắng đánh giá các kỹ năng nhận thức và cách chúng sử dụng trí não”, bà Herzing cho biết.

Hiện chuyên gia Herzing đang tiếp tục cải tiến hệ thống giao tiếp 2 chiều với cá heo. Hệ thống này sử dụng âm thanh, ký hiệu và những đồ dùng như bóng hoặc khăn choàng để tương tác với cá heo. Hỗ trợ cho hệ thống này là một thiết bị có tên gọi là CHAT (viết tắt của Cetacean hearing and telemetry, tạm dịch “Thiết bị nghe động vật biển và truyền tải dữ liệu từ xa”). Theo báo Space Daily, CHAT có kích cỡ bằng một chiếc điện thoại thông minh, có thể xác định tiếng huýt sáo của cá heo trong thời gian thực. Nó được đeo vào cổ thợ lặn và được kết nối với một cặp ống nghe dưới nước và một bàn phím sử dụng bằng một tay gọi là “twiddler”.

Theo Thanh Niên
  • 1.872