Phòng bệnh thủy đậu trước mùa dịch

  •  
  • 1.049

2 đến 4 ngày trước khi phát bóng nước, bệnh đã có khả năng lây nhiễm

"TP HCM bắt đầu xuất hiện các ca bệnh thủy đậu mặc dù tháng 3 mới là thời điểm bùng phát. Để hạn chế dịch bệnh xảy ra vào mùa cao điểm, những ai chưa bị thủy đậu nên tiêm ngừa ngay từ bây giờ", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng I, cho biết.

Cũng theo bác sĩ Khanh, đến nay, vấn đề tiêm phòng bệnh thủy đậu vẫn chưa được người dân quan tâm. Do đó hằng năm cứ đến thời điểm phát bệnh (từ tháng 2 đến tháng 6) là có hàng trăm ca phải nhập viện. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng I, liên tiếp hai năm vừa qua, chỉ riêng tháng 3 có đến 1.000 ca nhập viện. Còn những tháng khác trung bình có từ 80 đến 100 bệnh nhi thủy đậu.

Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Phần lớn bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi 5-11. Đặc trưng của bệnh này là ngứa, phát ban ngoài da, ban sẩn có mụn nước thường kèm theo sốt. Dấu hiệu ban đầu là sốt, mệt mỏi, biếng ăn, đau cơ. Sau đó các nốt xuất hiện ở da đầu, mặt lan xuống chân tay với số lượng lên đến cả nghìn nốt gây ngứa ngáy, đau nhức khó chịu. Bệnh thường diễn biến nhẹ, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gây ra biến chứng nguy hiểm từ bội nhiễm vi khuẩn đến viêm não.

Khi bệnh phát, nếu bị bội nhiễm có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của bệnh thủy đậu là Zona (còn gọi là bệnh giời leo). Bệnh này gây đau nhức hơn so với bệnh thủy đậu và kéo dài trong nhiều năm. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn gây tác hại đến hệ thần kinh trung ương, gây viêm phổi có thể dẫn đến tử vong.

Virus Varicella Zoster

Bệnh nguy hiểm ở chỗ khi nhiễm virus người mắc thường không có triệu chứng trong hai tuần đầu, nhưng 2 đến 4 ngày trước khi phát bóng nước, bệnh đã có khả năng lây nhiễm. Sau khi đã phát bóng nước được 6 ngày, siêu vi vẫn có thể lây lan cho người bệnh. Nghiên cứu cho thấy, 90% người chưa được chủng ngừa có khả năng mắc bệnh. Điều này có nghĩa là một người chưa được chủng ngừa thủy đậu nếu tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc một bệnh nhân chắc chắn sẽ bị lây bệnh. Mọi người rất dễ bị lây bệnh qua không khí, qua nước bọt khi bệnh nhân hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc với mụn nước của người bệnh. Và bệnh cũng lây truyền từ mẹ sang con.

Do đó bác sĩ Khanh khuyến cáo: "Để không mắc và lây lan bệnh cho người khác, mọi người nên chủng ngừa bệnh thủy đậu bằng văcxin. Việc tiêm ngừa không chỉ giúp bản thân tránh được bệnh mà còn làm giảm được sự bùng phát dịch xảy ra thường niên". Văcxin ngừa thủy đậu tạo được miễn nhiễm lâu dài (gần như suốt đời) cho người được tiêm. Trẻ từ 9 tháng đến 12 tuổi chỉ cần tiêm một liều dưới da. Trẻ trên 13 tuổi tiêm hai liều, mỗi liều cách nhau 4-8 tuần. Mọi người có thể đến các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện, các bệnh viện hoặc Viện Pasteur để được tiêm phòng.

Theo Vnexpress
  • 1.049