Phòng trị sốt xuất huyết bằng thuốc nam

  •  
  • 1.166

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) có thể xảy ra quanh năm và thường bùng phát mạnh, dễ lây lan thành dịch khi độ ẩm không khí tăng cao. Theo lý luận về vận khí của Đông y học, năm Bính Tuất (2006) có lượng mưa và độ ẩm không khí dự đoán sẽ cao hơn bình thường, vì vậy bệnh SXH dễ phát tán và lây lan thành dịch.

Cây nhọ nồi

Cây nhọ nồi (Ảnh: TTO)

Bệnh có tên là SXH vì có hai triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. SXH do virus Dengue gây nên, lây lan nhanh, dễ gây thành dịch - thông qua vật truyền là muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti - bụng, chân và cánh có khoang trắng, khoang đen).

Muỗi vằn đốt và hút máu người bệnh, rồi truyền sang người lành, tạo nên hiện tượng lây nhiễm có tính dây truyền (hiệu ứng domino). Một khi muỗi vằn đã bị nhiễm virus Dengue, nó sẽ mang virus trong suốt chu trình sống, do đó có thể truyền bệnh cho rất nhiều người.

Mọi người đều có thể bị SXH, nhưng trẻ em dưới 15 tuổi dễ bị mắc nhất. SXH thường bắt đầu với 3 đặc điểm: sốt đột ngột, sốt cao, sốt liên tục. Trong những ngày mưa, ẩm, nếu trẻ đang ăn, chơi bình thường, bỗng nhiên bị sốt cao 39-40oC, liên tục suốt ngày đêm, kèm theo những triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn mửa, cần cảnh giác nghĩ đến bệnh SXH.

Bệnh SXH thường được chia thành 4 cấp độ, tùy theo mức độ nặng nhẹ của triệu chứng lâm sàng. Người mắc bệnh sốt cao đột ngột, liên tục và kéo dài. Nếu không được chữa trị kịp thời, sau hai ngày đêm bệnh chuyển sang độ 2: Bắt đầu có hiện tượng xuất huyết. Biểu hiện xuất huyết thường thấy ở da là những chấm đỏ li ti, xuất hiện ở hai cẳng chân, cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn...

Còn xuất huyết niêm mạc có những biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiểu tiện ra máu... Trường hợp nặng, có thể xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, đại tiện ra máu...

Sang độ 3 (thường là từ ngày thứ tư), bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sốc (shock); suy tuần hoàn, mạch nhanh, huyết áp tụt, kèm theo triệu chứng da lạnh ẩm, người bồn chồn, vật vã hoặc li bì. Đến độ 4, rất dễ tử vong: bệnh nhân bị sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được và sau đó có thể tử vong.

Sốc - tín hiệu báo trước

Sốc là biến chứng nguy hiểm nhất trong SXH. Hội chứng sốc bao gồm 3 tình trạng suy giảm cơ thể: giảm tri giác, giảm nhiệt độ và giảm huyết áp. Giảm tri giác: không còn tỉnh táo và lanh lợi, trở nên lờ đờ hoặc mê sảng. Giảm nhiệt độ: nhiệt độ cơ thể, thấp hơn bình thường nhất là các đầu chi. Giảm huyết áp: áp lực máu trong động mạch hạ xuống thấp hơn bình thường.

Trường hợp không có huyết áp kế, cũng có thể sơ bộ nhận biết được bằng cách bắt mạch ở cổ tay bệnh nhân: nếu bị sốc sẽ thấy mạch đập rất yếu, nếu sốc nặng sẽ không còn thấy được mạch.

Điều cần đặc biệt cảnh giác là, nhiều bệnh nhân tuy không có triệu chứng xuất huyết, nhưng vẫn bị sốc - mà đó mới là biến chứng nguy kịch nhất. Vì vậy cần nắm vững những “tiền triệu” - triệu chứng báo trước, để tiên lượng xem sốc có xảy ra hay không. Các tiền triệu của sốc bao gồm:

1. Trẻ đang tỉnh táo, bỗng trở nên uể oải, lừ đừ hoặc vật vã.

2. Có những cơn đau bụng dữ dội mà trước đây không có hoặc chỉ có rất ít.

3. Tay, chân lạnh.

4. Da đổi màu, đang bình thường trở nên tím tái, môi xám lại.

5. Tiểu tiện ít hoặc hoàn toàn không tiểu tiện, nhưng rất khát.

Chữa trị bằng thuốc nam

Trong những đợt có dịch SXH, tỷ lệ bệnh nhân chữa trị tại nhà bao giờ cũng chiếm đa số (khoảng 70% trường hợp). Trường hợp bệnh mới phát, thuộc độ 1 và 2, chưa có biểu hiện sốc, có thể sử dụng những vị thuốc Nam sẵn có quanh nhà để chữa trị.

Giai đoạn khởi phát, sốt cao

Kinh nghiệm thực tế phòng trị bệnh SXH những năm qua cho thấy, khi phát hiện thấy bệnh nhân bị SXH, sử dụng ngay bài thuốc Nam cơ bản sau đây để chữa trị, thường đem lại kết quả rất tốt:

- Bài thuốc cơ bản: Cỏ nhọ nồi 30g, rau má (hoặc cỏ mần trầu) 30g, mã đề (lá và bông) 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, đổ ngập nước, sắc lấy nước uống hoặc đem các vị thuốc giã nát, chế nước sôi vào, vắt lấy nước uống trong ngày.

Gia giảm: Để nâng cao hiệu quả điều trị, cần tùy theo chứng trạng cụ thể, mà tiến hành gia giảm như sau:

- Nếu người bệnh thấy gai rét, không ra mồ hôi, sổ mũi, đau lưng, đau gáy: Dùng cây tía tô (lá và cành) 15-20g giã vắt lấy nước cốt hoặc sắc đặc cho uống nóng, hoặc ăn lá tía tô với cháo nóng cho ra mồ hôi. Sau cơn nóng sốt, uống tiếp bài thuốc cơ bản trên.

- Nếu người bệnh nôn mửa, tiêu chảy: Thêm hoắc hương 15g, gừng tươi 5g vào bài thuốc cơ bản cùng sắc uống.

- Nếu người bệnh nôn khan, nhức đầu nặng, khát nước: Thêm rễ cỏ tranh 20g hoặc củ sắn dây 20g (hoặc hòa bột sắn 10g vào nước thuốc) cùng sắc uống.

- Trường hợp bị táo bón: Thêm rau sam 20g hoặc lá mồng tơi 20g.

- Trường hợp có xuất huyết: Tăng lượng lá nhọ nồi lên 40-50g; hoặc thêm lá huyết dụ 20g hoặc lá trắc bách diệp (sao đen) 20g vào cùng sắc uống.

Giai đoạn hồi phục

Sau khi sử dụng bài thuốc cơ bản trên, nếu thấy sốt đã lui, các nốt ban xuất huyết đã lặn dần, nhưng cơ thể vẫn mệt mỏi, chán ăn, đầu choáng váng, mắt hoa, mình mẩy nhức mỏi, ngủ kém, đại tiện lỏng nát... tùy theo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng một trong số bài thuốc, hoặc món ăn như sau để giúp cho cơ thể mau chóng phục hồi:

Bài thuốc 1: Nam sâm 30g, sinh địa 20g, huyền sâm 15g, kim ngân 12g, cát căn 20g, đỗ đen sao 30g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang, liên tục 3-5 ngày.

Bài thuốc 2: Sinh địa 30g, gừng tươi 2-3 lát, gạo tẻ 50-60g. Sắc sinh địa và gừng lấy nước, bỏ bã, nấu với gạo thành cháo, thêm chút đường phèn cho đủ ngọt, chia thành vài lần ăn trong ngày, liên tục 3-5 ngày.

Bài thuốc 3: Xương dê 1kg, gạo tẻ 50-60g, hành tươi 2 củ, gừng tươi 3-5g, gia vị vừa đủ. Xương dê đập vụn, ninh lấy nước rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ra ăn trong ngày, liên tục 3-5 ngày.

Vấn đề ăn uống

Bệnh SXH thường làm cho máu bị đặc lại (cô đặc), khiến cho máu rất khó lưu thông. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến chứng sốc. Vì vậy, cần chú ý cho uống nhiều nước, để tránh cho máu khỏi bị cô đặc. Có thể cho uống nước đã đun sôi, nước cam, nước chanh, oresol... Nhưng phải uống từ từ, từng ít một, tránh uống quá nhanh, quá nhiều ngay một lúc, vì có thể gây nôn mửa, đầy bụng... Trong quá trình điều trị kiêng ăn các chất cay, nóng, khô cứng. Nên ăn thêm các thức mát như bột sắn dây, đậu đen, đậu xanh, giá đậu, rau tươi, trái cây...

Phòng bệnh: Ngoài việc diệt muỗi, nằm ngủ phải mắc màn để tránh muỗi đốt, cách ly người bệnh trong thời kỳ có dịch, có thể uống liên tục trong 3 ngày một trong hai loại trà thuốc sau:

Bài thuốc 1: Hạt muồng (sao cháy đen) 10g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày.

Bài thuốc 2: Hoa hòe (sao vàng, giã nát) 10g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 1.166