Phục hồi thành công áo giáp La Mã Lorica Squamata độc nhất vô nhị có niên đại 1.500 tuổi

  •  
  • 334

Các chuyên gia mất đến 3 năm mới có thể khôi phục hình dạng ban đầu của chiếc áo giáp này.

Một mẫu áo giáp Lorica Squamata của quân đoàn La Mã duy nhất được biết đến, có niên đại khoảng 1500 năm tuổi, đã được khôi phục một cách tỉ mỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dấu tích lịch sử quân sự đặc biệt này đã được khai quật ở Satala, nằm ở Gümüşhane vào năm 2020. Dự án trùng tu do Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì, cho thấy nỗ lực phi thường trong việc bảo tồn và tìm hiểu di sản quân sự La Mã.

Căn cứ Satala
Satala, căn cứ quân đoàn La Mã, được sử dụng bởi XVI Flavia Firma và XV Apollinaris, Cappadocia, là nơi khai quật áo giáp Lorica Squamata.

Sau khi được phát hiện, bộ giáp đã được khai thác vô cùng cẩn thận cùng sự hỗ trợ của Phòng thí nghiệm khu vực Ankara và được chuyển đến Phòng thí nghiệm bảo tồn và phục hồi khu vực Erzurum vào năm 2021.

Tại Đại học Atatürk ở Erzurum, bộ giáp đã trải qua các phân tích sâu rộng, bao gồm tia X và chụp cắt lớp, để ghi lại trạng thái ban đầu của nó khi vẫn còn nằm trong đất. Những nghiên cứu sơ bộ này rất quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phục hồi toàn diện.

Bộ Văn hóa và Du lịch đã tuyên bố rằng tác phẩm này thuộc thời kỳ La Mã muộn và là mẫu Lorica Squamata duy nhất được phát hiện. Loại áo giáp này, còn được gọi là "áo giáp vảy", chủ yếu được sử dụng bởi binh lính La Mã cấp cao như sĩ quan, nhạc sĩ, kỵ binh...

Cấu tạo đặc biệt của áo giáp Lorica Squamata.
Cấu tạo đặc biệt của áo giáp Lorica Squamata.

Lorica Squamata khác biệt đáng kể so với loại Lorica Segmentata nổi tiếng hơn. Trong khi Lorica Segmentata bao gồm các tấm lớn và cứng thì Lorica Squamata làm từ các vảy kim loại nhỏ chồng lên nhau được khâu vào vải hoặc da. Mỗi chiếc vảy, thường được chế tạo từ đồng hoặc sắt, có các lỗ nhỏ cho phép gắn bằng dây hoặc khâu thành các hàng chồng lên nhau. Thiết kế này tạo ra sự cân bằng giữa tính linh hoạt và khả năng bảo vệ, cho phép người mặc tự do di chuyển hơn. Tuy nhiên, nó cũng yêu cầu sự bảo trì tỉ mỉ để tránh rỉ sét, hư hỏng và tương đối nặng so với các loại áo giáp khác.

Mặt trước và mặt sau của bộ giáp Lorica Squamata sau khi quá trình phục hồi hoàn tất.
Mặt trước và mặt sau của bộ giáp Lorica Squamata sau khi quá trình phục hồi hoàn tất.

Mặc dù có trọng lượng nặng và yêu cầu bảo trì thường xuyên, thiết kế của bộ giáp có tính thực tế và tuổi thọ cao. Những chiếc vảy bị hư hỏng có thể được thay thế riêng lẻ mà không phải loại bỏ toàn bộ mảnh, khiến nó trở thành một lựa chọn bền vững cho binh lính La Mã .

Bộ giáp được phát hiện gần như nguyên vẹn qua kiểm tra bằng tia X. Quá trình phục hồi bao gồm chụp ảnh micro-CT của ba tấm cạnh để xác định kích cỡ chính xác và đặc tính của chất liệu. Mỗi tấm được phân loại cẩn thận, bảo quản và cuối cùng được khôi phục lại hình dạng ban đầu. Sau hơn ba năm làm việc không mệt mỏi tại Phòng thí nghiệm Phục hồi và Bảo tồn Erzurum, các chuyên gia đã lắp ráp lại được áo giáp trên một ma-nơ-canh, khôi phục gần như trọn vẹn hình dáng ban đầu của nó.

Thành tựu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn khảo cổ học và sự cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà bảo tồn trong việc giữ gìn di sản chung của nhân loại.

Cập nhật: 07/07/2024 SHTT&ST
  • 334