Loài thủy quái kỳ dị có thể là "ông tổ" của tất cả sinh vật trên hành tinh

  •  
  • 663

Sinh vật kỳ lạ ẩn sâu dưới các đại dương của Trái đất hơn nửa tỷ năm trước, dường như là "ông tổ" của tất cả các loài động vật có xương sống mà chúng ta bắt gặp thời nay.


Đồ họa tái tạo cấu trúc sinh học của loài yunnanozoan với những đặc điểm gắn liền với động vật có xương sống thời nay (Ảnh: Science).

Sinh vật này được gọi là yunnanozoan, sống ở kỷ Cambri, khoảng 518 triệu năm trước. Qua những nghiên cứu mới đây, các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra nhiều đặc điểm nằm ở lớp sụn của chúng gần như tương đồng với các loài động vật có xương sống hiện đại.

Điều này cho thấy rằng các loài động vật ngày nay có thể đã tồn tại mối quan hệ mật thiết trong cây phả hệ với nhóm sinh vật đã tuyệt chủng nêu trên.

"Hóa thạch của yunnanozoan có thể là bằng chứng lâu đời nhất đánh dấu sự tiến hóa ban đầu của các sinh vật trên Trái đất, khi chúng tồn tại những mối tương quan với động vật có xương sống ngày nay", nhà nghiên cứu Qingyi Tian, thuộc Đại học Nam Kinh và Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết.

"Bằng cách sử dụng các kỹ thuật chưa từng được giới thiệu trước đây trên mẫu vật, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy vòm não của loài yunnanozoan chứa các sụn tế bào với chất nền gồm nhiều sợi nhỏ - một đặc điểm mà cho đến nay được coi là đặc trưng của động vật có xương sống", Tian chia sẻ.

Được biết, việc theo dõi quá trình tiến hóa của động vật có xương sống thời kỳ đầu là một nhiệm vụ khó khăn đối với các nhà khoa học. Nguyên nhân là bởi sau khi trải qua hàng trăm triệu năm, dấu vết của sự sống đã bị bào mòn và xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến các hóa thạch bị lãng quên, hoặc không ở trong tình trạng đủ tốt để phân tích.


Một con yunnanozoan đã hóa thạch. (Ảnh: Science).

Một số trường hợp như với yunnanozoan, mặc dù có hóa thạch đủ tốt, nhưng trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà khoa học vẫn băn khoăn, trăn trở, vì không biết sinh vật này phù hợp với cây sự sống nào.

Với hy vọng làm sáng tỏ vấn đề, Tian và các đồng nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu tổng cộng 127 hóa thạch của yunnanozoan dựa trên những phương pháp mới từ đo tia X, kính hiển vi điện tử, và lập bản đồ nguyên tố phổ phân tán năng lượng.

Không nằm ngoài dự đoán, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những bí mật chưa từng được khám phá trước đây về việc giải phẫu loài sinh vật kỳ lạ này.

Nghiên cứu của nhóm đã được xuất bản trên tạp chí Science, và được kỳ vọng sẽ là bằng chứng thuyết phục, giúp làm sáng tỏ một số thông tin quan trọng trong quá trình tiến hóa của động vật có xương sống trên hành tinh của chúng ta.

Cập nhật: 08/07/2022 Dân Trí
  • 663