Phương pháp mới giúp người tiểu đường tránh bị đoạn chi!

  •  
  • 475

Người bệnh tiểu đường thường bị cắt bỏ chi do hoại tử nếu chẳng may họ gặp phải vết xước nhỏ. Nay, đã có phương pháp điều trị mới tránh cho họ bi kịch này: Bơm máu với áp suất cao vào chi bị thương tổn.

Bơm máu với áp suất cao vào chi bị thương tổn bởi bệnh mạch máu ngoại vi là phương pháp mới của các chuyên gia Úc nhằm tăng cường đưa máu đến chi, kích thích mạch máu mới phát triển, tránh tình trạng hoại tử dẫn đến việc phải cắt bỏ chi.

Phương thức điều trị mới có thể giúp hàng trăm ngàn bệnh nhân tiểu đường tránh nguy cơ phẫu thuật đoạn chi. (Ảnh: Patient.co.uk)

Người xây dựng kỹ thuật y học mới này là tiến sĩ Rodney Lane, chuyên gia phẫu thuật mạch máu của bệnh viện Royal North Shore ở Sydney. Kỹ thuật mới này được chính thức công bố ngày 8/8/2007, đã giúp một bệnh nhân đầu tiên tránh được việc cắt bỏ một phần chân. Đó là ông Malcolm Brown, 52 tuổi, ở Newcastle, Úc.

Theo tiến sĩ Lane, thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện thành công ở chân ông Brown cách đây 1 năm. Trước đó, ông Brown được 3 bác sĩ thông báo là ông cần được phẫu thuật để cắt bỏ một chân bị hoại tử.

Người đàn ông có 2 con này bị bệnh mạch máu ngoại vi, dẫn dến sự hình thành một huyết khối (clot) trong động mạch gần đầu gối, gây nghẽn nghiêm trọng nguồn cung cấp máu cho phần chân từ đầu gối trở xuống. Tiến sĩ Lane nói: “Khi đó, bàn chân của ông Brown đã mất cảm giác và trở nên lạnh và trắng bệch vì thiếu máu. Những vết loét hoại tử đã hình thành trên bàn chân và các ngón”.

Với niềm hy vọng không bị cắt bỏ chân, ông Brown đã đồng ý tham gia vào cuộc thử nghiệm kỹ thuật mới.

Các bác sĩ đã cấy vào động mạch ở đùi bệnh nhân một thiết bị nhỏ bằng cây bút bi, có tên là Peripheral Access Device (PAD), tức “thiết bị tiếp cận ngoại vi”. Thiết bị này được nối với một máy bơm máu đặt bên ngoài cơ thể. Sau đó, máu của chính bệnh nhân được bơm qua chân với áp suất cao, giúp cho lượng máu đến chân tăng 2,5 lần so với lượng máu bơm từ tim, từ đó kích thích những mạch máu mới phát triển.

Trong một báo cáo, tiến sĩ Lane cho biết: “Sau 50 giờ bơm máu được thực hiện trong 5 ngày, chân của bệnh nhân đã trở nên ấm dần và hồng hào trở lại. Cảm giác ở chân cũng hồi phục đáng kể và các vết loét trên bàn chân và các ngón bắt đầu lành nhanh”.

Ông nói: “Chân của bệnh nhân đã được cứu sống bởi sự phát triển của mạch máu của chính bệnh nhân, nhờ đó khôi phục nguồn cung cấp máu cho chân. Một năm sau, chân của ông Brown vẫn còn nguyên vẹn và ông có thể đi bộ được”.

Hiện nay, ông Brown đang khuyến khích những bệnh nhân có nguy cơ bị đoạn chi tình nguyện tham gia vào các cuộc thử nghiệm hiện vẫn đang được tiếp tục tại bệnh viện Royal North Shore.

Bệnh tiểu đường và hút thuốc lá là 2 nguyên nhân phổ biến của bệnh mạch máu ngoại vi – căn bệnh dẫn đến khoảng 340.000 ca đoạn chi ở các nước phương Tây mỗi năm. (Ảnh: img.timeinc.net)

Tiến sĩ Lane phát biểu: “Thành công này mở ra niềm hy vọng to lớn cho khoảng 340.000 bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật đoạn chi hàng năm ở các nước phương Tây do bệnh về mạch máu ngoại vi”.

Theo các chuyên gia y học, bệnh tiểu đường và hút thuốc lá là 2 nguyên nhân phổ biến của bệnh mạch máu ngoại vi – căn bệnh dẫn đến khoảng 340.000 ca đoạn chi ở các nước phương Tây mỗi năm.

Phát biểu với hãng tin AFP, ông Greg Roger, phó giáo sư kỹ thuật sinh học của Trường Đại học Sydney, Tổng giám đốc công ty chế tạo thiết bị PAD, cho biết ông hy vọng có thêm nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng từ nay đến cuối năm, để phương pháp này có thể được chính thức áp dụng cho các bệnh nhân có nguy cơ bị đoạn chi.

Quang Thịnh

Theo AFP, ABC, The Age, VietNamNet
  • 475