Công nghệ điện toán đang chuyển hướng từ máy tính để bàn và thiết bị điện tử nhỏ gọn sang mối liên kết gần gũi hơn với đời sống chúng ta, thông qua trang phục. Không chỉ đơn thuần là việc tích hợp máy hát Mp3 vào áo khoác. Các kỹ sư máy tính đang hướng tới mục tiêu chế tạo vải sợi thông minh có gắn chip máy tính và cảm biến giúp tăng cường khả năng phòng thân, thậm chí cứu sống người mặc.
“Thay vì chỉ lặng lẽ “yên vị” trên bàn làm việc hoặc trong túi áo, máy tính sẽ có khả năng quan sát những gì diễn ra xung quanh trong ngày, hiểu được những sự việc quan trọng đối với chúng ta, và khi cần có thể trở thành phụ tá đắc lực”, Thad Starner, Phó giáo sư Đại học Công nghệ Georgia (Mỹ) cho biết. Ông đi đầu trong việc phát triển hệ thống máy tính thông minh mặc được, có khả năng ghi nhận và hồi đáp thông tin.
Quần áo thông minh có nhiều công dụng từ ghi nhận cuộc sống hàng ngày đến theo dõi sức khỏe. (Ảnh: CNN) |
Tích hợp công nghệ vào vật dụng hàng ngày không phải chuyện mới. Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) tích hợp trên nhãn hàng đã được nhiều tập đoàn bán lẻ như Wal-Mart dùng để giám sát quá trình phân phối hàng và tăng cường bảo an kho hàng. Công nghệ tương tự cũng đang được sử dụng tại một số sân bay để tìm kiếm hành lý, thay cho nhãn mã vạch vốn có độ tin cậy thấp. Tuy nhiên, thế hệ kế tiếp của máy tính có thể thực hiện được nhiều tính năng hơn là chỉ “để mắt” tới vị trí vật dụng. Nhờ vào hệ thống cảm biến và vi mạch, túi xách hay quần áo trong tương lai sẽ nhắc nhở bạn mang theo dù nếu dự báo thời tiết chiều nay có mưa, hoặc nhớ mang theo chìa khóa khi sắp ra khỏi nhà.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang phát triển những miếng vải vi tính hóa có thể được đặt trong quần áo hoặc vật dụng hàng ngày. Mỗi miếng vải chứa một đơn vị của hệ thống gồm bộ vi xử lý và bộ nhớ kết hợp với bộ cảm biến hoặc thiết bị truyền sóng radio. Khi có thêm chip Bluetooth, mảnh vải sẽ có thêm tính năng thông báo cho người mặc thông tin dự báo thời tiết được tải xuống từ Internet. “Quần áo thông minh sẽ tiếp tục là trang phục chuyên dụng trong tương lai gần và nó còn có nhiều ứng dụng khác nữa như trò chơi, nhật ký và trợ giúp cá nhân”, giáo sư Cliff Randell ở Đại học Bristol (Anh) nói.
Loại vải sợi do hãng Jonathan Engel và Chang Liu sản xuất không chỉ có độ bền tương tự ni-lông mà còn dẫn điện. Nhà sản xuất hy vọng loại vải này có thể cảm nhận hoặc thích ứng với môi trường xung quanh người mặc, chẳng hạn sẽ sưởi ấm nếu ngoài trời giá lạnh.
Công nghệ chế tạo những dụng cụ vi tính có thể mang trên người cũng đạt nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y học. Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) phát minh ra hệ thống trợ giúp bệnh nhân tiểu đường (DIMA). Hệ thống có thể trang bị thiết bị truyền thông không dây gồm dụng cụ đo đường huyết, camera số và máy đo bước. Các nhà khoa học cho rằng dữ liệu do hệ thống lưu trữ có thể giúp bác sĩ nhận biết kịp thời những thay đổi về tình trạng sức khỏe của người bệnh.
THÁI AN