Riềng còn gọi là cao lương khương, tiểu lương khương, phong khương. Cây riềng mọc hoang và được trồng để làm gia vị và làm thuốc, thu hoạch quanh năm nhưng tối nhất là vào mùa thu, mùa đông, đầu mùa xuân trước khi có mưa phùn để dễ phơi, sấy khô.
Củ riềng (Ảnh: foodsubs) |
Riềng có tác dụng: ôn trung, tán hàn, hết đau, tiêu thực. Riềng được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền để làm thuốc kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, chữa đầy hơi, các chứng đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy. Riềng có tác dụng chữa khi bị sốt rét do hàn hoặc sốt rét, sốt nóng, đau răng và các chứng trúng gió, làm ấm tỳ vị và đi lỵ lâu ngày, thổ tả, chuột rút.
Các đơn thuốc có riềng:
- Chữa đau dạ dày do hư hàn: Đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm. Dùng tâm hợp thang gồm: Cao lương khương, hương phụ mỗi vị 6-10g; bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g; ô dược 9-12g; đinh hương 6-9g; sa nhân 3-6g. Sắc uống.
- Chữa đau dạ dày cấp: Đau đớn khó chịu, nôn oẹ, ăn uống kém. Dùng các vị sau: cao lương khương (chế với đại hoàng), thanh bì, trần bì, mộc hương, thạch xương bồ mỗi vị 6g; đinh hương 4g; sơn tra 15g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa đau dạ dày: Đau dữ dội, trằn trọc không yên, chân tay lạnh, môi tái, bụng trướng. Dùng thang gia vị thược dược cam thảo: Bạch thược sao 30g, cam thảo chích 10g, cao lương khương 10g, tô mộc 10g, bạch chỉ 15g. Tán bột, uống với nước lã đun sôi, hoặc sắc uống ngày một thang.
- Chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa: Cao lương khương 8g, đại táo 5g. Sắc với 300ml còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
- Chữa sốt rét kém ăn: Cao lương khương tẩm dầu vừng sao 40g, can khương nướng 40g, hai vị tán nhỏ dùng trư đảm hòa vào rồi viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 15-20 viên.
- Chữa đau bụng, đau hai bên sườn, sôi bụng, tiết tả: Cao lương khương 12g, hương phụ 12g. Tán bột, viên hoặc sắc uống sẽ hành khí giảm đau.