Khoa học gần đây đã xác nhận: Chu kỳ kinh nguyệt của chị em dài bằng với chu kỳ mặt trăng

  •  
  • 1.294

Trong lịch sử, cuộc sống hàng ngày của nhân loại có liên quan tới những thay đổi trên bầu trời, ví dụ như các "khuôn mặt" sáng tối khác nhau của mặt trăng. Một trong số nhiều truyền thuyết xoay quanh mặt trăng cho rằng, các pha mặt trăng ảnh hưởng đến tâm trạng hàng ngày và cảm giác của chúng ta. Đặc biệt, chu kỳ kinh nguyệt của nữ thường từ 28-35 ngày, khá gần với một chu kỳ mặt trăng hay một tháng âm lịch dài khoảng 29,5 ngày. Điều này là ngẫu nhiên hay là một hiện tượng có tính quy luật?

Theo nhà văn khoa học Luis Villazon - chuyên gia trả lời mục hỏi đáp trên BBC Science Focus, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ chỉ dài bằng chu kỳ mặt trăng chứ không trùng với một pha mặt trăng cụ thể nào.

Ông dẫn lại lời nhà sinh học lừng danh Charles Darwin cho rằng, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 ngày của con người là bằng chứng cho thấy tổ tiên của chúng ta sống ở ven biển và cần nhịp bước cùng lúc với thủy triều. Chắc chắn là các pha của Mặt trăng có ảnh hưởng đến hành vi của nhiều loài động vật. 

Con còng kéo đàn (fiddler crab, một loại cua sống ở các vùng đầm lầy, rừng ngập mặn) hoạt động tích cực hơn vào lúc trăng tròn và trăng mới vì khi đó thủy triều cao hơn, dẫn tới hang của chúng dễ bị phát hiện nhiều hơn. Chim nhộng tránh kiếm ăn vào ban đêm khi trăng tròn vì ánh sáng quá nhiều khiến chúng dễ bị cú ăn hơn. Nhưng, chu kỳ kinh nguyệt của con người chỉ có độ dài bằng với tháng âm lịch chứ chu kỳ này không trùng khớp với một giai đoạn cụ thể nào của mặt trăng.

Theo một nghiên cứu được trích dẫn thường xuyên đã công bố trên American Journal Of Obstetrics And Gynecology (Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ) vào năm 1980, có một số bằng chứng về sự trùng hợp này nhưng tác động rất yếu. Trong một mẫu gồm 312 phụ nữ, 244 người có chu kỳ dài hơn 29 ngày hoặc ngắn hơn 27 ngày, và chỉ 70% trong số chị em còn lại thật sự bắt đầu có kinh trong vòng hai tuần lễ trăng tròn.

Các pha của Mặt trăng
(Ảnh: vatlythienvan.com)

Nếu việc gắn chu kỳ sinh sản của chúng ta vào tháng âm lịch là thuận lợi, bạn có thể mong đợi các loài động vật khác cũng làm như vậy. Đười ươi và thú có túi có chu kỳ 28 ngày, nhưng họ hàng gần nhất của chúng ta-tinh tinh-có chu kỳ 35 ngày. Các loài động vật có vú không phải linh trưởng có chu kỳ động dục vận hành khác với chu kỳ kinh nguyệt, nhưng không có loài nào trong số đó có quá trình sinh sản trùng với các pha của Mặt trăng.

Tuy vậy, những huyền thoại xưa cũ giờ đây đã bắt đầu được khoa học chứng minh là đúng.

Theo Space, một nghiên cứu mới xuất bản trên tập san khoa học Science Advances (Những tiến bộ khoa học) cuối tháng 1 năm nay cho thấy những câu chuyện cổ tích về mặt trăng đã có một phần trở thành sự thật. Các nhà nghiên cứu cho rằng, dù tất cả những thần thoại xoay quanh mối liên hệ giữa chu kỳ mặt trăng và kinh nguyệt không hẳn là sự thật nhưng giữa chu kỳ mặt trăng và chu kỳ kinh nguyệt vẫn có thể có một sự liên kết nào đó.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học khảo sát dữ liệu dài hạn về ngày bắt đầu kỳ kinh trong thời gian trung bình là 15 năm từ hồ sơ của 22 phụ nữ dưới và trên tuổi 35. So sánh dữ liệu này với dao động của chu kỳ mặt trăng, các nhà khoa học thấy rằng, ở những phụ nữ mà chu kỳ kinh dài hơn 27 ngày có "sự trùng khớp gián đoạn với các chu kỳ ảnh hưởng tới độ sáng của mặt trăng". Sự trùng khớp này từ từ biến mất theo thời gian khi các phụ nữ tham gia già đi, và sự liên quan giảm dần theo sự gia tăng tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo.

Kinh nguyệt cũng bị tác động bởi sự thay đổi trong lực trọng trường của mặt trăng.
Kinh nguyệt cũng bị tác động bởi sự thay đổi trong lực trọng trường của mặt trăng. (Ảnh: Health Journal)

"Chu kỳ kinh nguyệt cũng tương ứng với tháng chí tuyến trong 13,1% thời gian ở phụ nữ 35 tuổi và trẻ hơn, và 17,7% thời gian ở phụ nữ trên 35, cho thấy kinh nguyệt cũng bị tác động bởi sự thay đổi trong lực trọng trường của mặt trăng", nghiên cứu kết luận.

Một tháng chí tuyến (tropical month) là 27,321 ngày, tức 27 ngày 7 giờ 43 phút 4,7 giây. Tháng chí tuyến dựa trên điểm xuân phân là thời gian của một vòng quay mặt trăng trở về kinh độ 0.

Một tháng âm lịch hay tháng giao hội (lunar month, synodic month) trung bình dài 29,5 ngày là thời gian giữa hai lần trăng tròn hoặc hai lần trăng mới, quãng thời gian cho một vòng quay mặt trăng trở về vị trí cũ trên bầu trời so với mặt trời. Tháng âm lịch dài hơn tháng chí tuyến vì khi mặt trăng quay quanh Trái đất thì Trái đất cũng quay quanh mặt trời nên mặt trăng cần thêm vài ngày nữa để trở lại vị trí cũ trên bầu trời so với mặt trời (khi nhìn từ Trái đất).

Mặt trăng không chỉ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt mà còn tác động đến giấc ngủ của chúng ta.

Một nghiên cứu khác cũng được công bố trên Science Advances tháng 1 cho thấy có sự tương ứng giữa chu kỳ ngủ và chu kỳ của nàng nguyệt. Nghiên cứu này (độc lập với nghiên cứu trên) là của đội ngũ khoa học gia ba trường đại học Washington, Yale (Mỹ) và đại học quốc gia Quilmes (Argentina).

Theo đó, trong những ngày trăng sắp tròn, chúng ta có xu hướng đi ngủ muộn hơn và ngủ ít hơn vài tiếng.

Trong công trình này, đối tượng tham gia nghiên cứu là các sinh viên đại học thành phố Seattle, Washington và những người sống trong các cộng đồng bản địa ở miền Bắc Argentina, hai môi trường khác nhau có sự đa dạng trong việc tiếp cận điện vì ánh sáng nhân tạo có thể ảnh hưởng đến người tham gia. 98 người sống trong 3 cộng đồng bản địa Toba-Qom ở Formosa, Argentina và 464 sinh viên đại học ở khu Seattle được đeo đồng hồ đeo tay theo dõi giấc ngủ.

Kết quả là, mối liên hệ giữa chu kỳ ngủ và chu kỳ mặt trăng có mặt ở những người sống trong các cộng đồng không có điện ở Argentina lẫn các khu vực có điện ở Mỹ, và mối liên hệ này rõ ràng hơn ở nơi không có điện. Những đêm trước ngày trăng tròn là khi mọi người ngủ ít nhất và đi ngủ trễ nhất, đây cũng là những đêm mà bầu trời sáng hơn vì trăng lưỡi liềm ngày càng sáng hơn.

"Chúng tôi thấy một sự điều chỉnh giấc ngủ theo mặt trăng rõ ràng, số giờ ngủ giảm và giờ bắt đầu ngủ trễ hơn trong những ngày trước trăng tròn". "Mặc dù ảnh hưởng này mạnh hơn trong những cộng đồng không có điện, ảnh hưởng này cũng xuất hiện ở những cộng đồng có điện, trong đó có các sinh viên đại học Washington", Space dẫn lời nhà nghiên cứu chính Horacio de la Iglesia, giáo sư sinh học đại học Washington.

"Chúng tôi đặt giả thuyết, các mô hình được quan sát là sự thích nghi bẩm sinh cho phép tổ tiên chúng ta tận dụng nguồn ánh sáng đêm tự nhiên ở một thời điểm cụ thể trong chu kỳ mặt trăng", một tác giả của nghiên cứu - Leandro Casiraghi, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ khoa sinh học đại học Washington, cho biết.

Cập nhật: 17/05/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 1.294