Robot Trung Quốc lập kỷ lục ở 1.000 ngày trên Mặt trăng

  •  
  • 256

Trạm đổ bộ và robot tự hành của nhiệm vụ Hằng Nga 4 vẫn hoạt động tốt bất chấp điều kiện khắc nghiệt ở vùng tối của Mặt trăng.

Trạm đổ bộ Hằng Nga 4 mang theo robot Thỏ Ngọc 2 đáp xuống miệng hố Von Kármán hôm 2/1/2019. Bộ đôi đã tự động khám phá vùng tối của Mặt trăng từ sau đó. Cả hai cỗ máy đều trải qua 1.000 ngày trên Mặt trăng hôm 28/9. Robot Thỏ Ngọc 2 đã di chuyển tổng cộng 839,37m và thu thập 3.632,01 gigabyte dữ liệu.

Robot Thỏ Ngọc 2 trong ảnh chụp từ trạm Hằng Nga 4.
Robot Thỏ Ngọc 2 trong ảnh chụp từ trạm Hằng Nga 4. (Ảnh: CNSA).

Kết hợp với nhau, trạm Hằng Nga 4 và robot Thỏ Ngọc 2 gửi về nhiều ảnh chụp và ảnh toàn cảnh vùng tối Mặt trăng, hé lộ bí mật bên dưới mặt đất, đo mức độ bức xạ phi hành gia sẽ phải đối mặt và xuất hiện trong tầm quan sát của tàu bay quanh quỹ đạo Lunar Reconnaissance Orbiter của NASA.

Thỏ Ngọc 2 lập kỷ lục về thời gian hoạt động trên bề mặt Mặt trăng đối với robot tự hành, phá vỡ kỷ lục 321 ngày do robot Lunokhod 1 của Liên bang Xô Viết thiết lập trước đó. Hiện nay, Thỏ Ngọc 2 đang tiến về một khu vực đá bazan xa xôi nhưng cỗ máy có thể mất nhiều năm để tới địa điểm mới.

Dù phải liên tục đương đầu với nhiệt độ lạnh cứng và hơi nóng thiêu đốt giữa ngày và đêm ở Mặt trăng, bức xạ mặt trời và sự mài mòn của lớp đất mặt, trạm Hằng Nga 4 và robot Thỏ Ngọc 2 vẫn hoạt động tốt, theo Chương trình khám phá Mặt trăng Trung Quốc. Trạm đổ bộ vận hành nhờ năng lượng mặt trời thường xuyên ngừng hoạt động vào ban đêm trên Mặt trăng, mỗi lần kéo dài bằng khoảng 14,5 ngày Trái đất.

Vệ tinh Cầu Ô Thước giúp Hằng Nga 4 liên lạc với Trái đất cũng ở trong tình trạng tốt. Vệ tinh chuyển tiếp dữ liệu này phóng năm 2018 lên quỹ đạo, nơi nó có thể quan sát cả vùng tối Mặt trăng và Trái đất mọi lúc. Cầu Ô Thước phụ trách truyền dữ liệu và lệnh điều khiển giữa trạm đổ bộ và trung tâm điều khiển nhiệm vụ bởi vùng tối Mặt trăng không bao giờ quay về phía Trái đất.

Ban đầu, trạm Hằng Nga 4 được chế tạo như phương án dự phòng cho trạm Hằng Nga 3. Hằng Nga 4 chuyển sang nhiệm vụ phức tạp hơn sau khi trạm Hằng Nga 3 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng năm 2013. Robot Thỏ Ngọc đầu tiên không thể chạy tiếp sau hai ngày trên Mặt trăng do sự cố đoản mạch. Robot Thỏ Ngọc 2 được thiết kế lại để ngăn đất đá phá hủy hệ thống mạch điện và tăng cường độ bền.

Trung Quốc phóng nhiệm vụ thu thập mẫu vật Mặt trăng đầu tiên cuối năm 2020. Tàu Hằng Nga 5 đã đưa thành công 1.731 kg mẫu vật về Trái đất hồi tháng 12 năm ngoái. Tàu Hằng Nga 6 sẽ được nước này phóng tiếp để lấy mẫu vật từ vùng tối Mặt trăng năm 2024.

Cập nhật: 09/10/2021 Theo VnExpress
  • 256