Rộng tới 4.200km2, tảng băng trôi lớn nhất thế giới này sắp gây ra sự kiện "đại thảm họa"

  •   2,65
  • 4.426

Các nhà khoa học đang chuẩn bị cho một sứ mệnh khẩn cấp khi tảng băng trôi lớn nhất thế giới chuẩn bị va chạm trực tiếp với đảo Nam Georgia ở Nam Đại Tây Dương trong vài ngày tới.

Với diện tích bề mặt lên đến 4.200km2, lớn hơn cả công quốc Luxembourg, tảng băng trôi A-68A đã vỡ ra khỏi thềm băng Larsen C ở Nam Cực vào năm 2017 và trôi dạt về phía hòn đảo kể từ đó đến nay.

Theo các nhà nghiên cứu, A-68A tiềm ẩn nguy cơ phá hủy hệ sinh thái phong phú xung quanh Nam Georgia bằng cách xé nát đáy biển, nơi sinh sống của động vật thân mềm, động vật giáp xác, bọt biển và các sinh vật khác.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) sẽ bay đến quần đảo Falklands vào ngày 11 tháng 1. Họ sẽ tự cách ly để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19, trước khi bắt đầu hành trình ba ngày tới tảng băng trôi trên tàu nghiên cứu RRS James Cook.

Quang cảnh tảng băng trôi A-68A nhìn từ một máy bay trinh sát
Quang cảnh tảng băng trôi A-68A nhìn từ một máy bay trinh sát của Không quan hoàng gia Anh vào tháng trước. (Ảnh: MoD / Reuters).

"Chúng tôi chưa bao giờ thấy tảng băng trôi nào có kích thước lớn như vậy trước đây. Nó sẽ gây ra ảnh hưởng đáng kể cho môi trường", Giáo sư Geraint Tarling, một nhà hải dương học tại BAS, cho biết.

Theo The Guardian, dòng hải lưu mạnh mẽ của Đại Tây Dương hiện đang đẩy tảng băng trôi A-68A từ vùng biển sâu về phía vùng biển nông của thềm lục địa bao quanh Nam Georgia.

Khu vực rìa của thềm lục địa có nhiều thực vật phù du, nhuyễn thể và các loài khác thấp trong chuỗi thức ăn, khiến nó trở thành nơi kiếm ăn quan trọng cho chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi.

"Nếu tảng băng lao vào đất liền, chúng ta có thể chứng kiến sự tồn tại của nó trong tối đa 10 năm vì nó quá lớn. Đó sẽ là một vấn đề lớn", Giáo sư Geraint Tarling cho biết.

Vùng biển xung quanh Nam Georgia có nhiệt độ khoảng 4 độ C, nhưng ở vùng nước xung quanh tảng băng, nhiệt độ có thể giảm vài độ. Nhiệt độ lạnh hơn và việc thải ra hàng tỷ tấn nước ngọt vào khu vực xung quanh có thể tàn phá nguồn thức ăn.

Ngoài việc phá vỡ hệ sinh thái, nếu tảng băng trôi mắc kẹt trên thềm lục địa, nó sẽ chặn một vùng kiếm ăn rộng lớn - nơi có nhiều loài nhuyễn thể nhất. Nếu cá voi có thể tìm thấy các bãi kiếm ăn khác, những đàn chim cánh cụt và hải cẩu lớn lại không thể rời hòn đảo để kiếm ăn ở xa. Điều này có thể dẫn tới thảm họa chết đói hàng loạt của nhiều loài động vật trên đảo Nam Georgia.

Đảo Nam Georgia là nơi trú ngụ của hàng triệu con chim cánh cụt.
Đảo Nam Georgia là nơi trú ngụ của hàng triệu con chim cánh cụt.

Khi tàu nghiên cứu RRS James Cook đến tảng băng trôi, các nhà khoa học sẽ dùng lưới và chai để thu thập và nghiên cứu các loài động vật dưới nước. Trong khi đó, hai tàu ngầm không người lái sẽ được sử dụng để đo nhiệt độ, độ mặn và mức độ của thực vật phù du trong vùng nước xung quanh tảng băng trôi. Các tàu ngầm này sẽ khảo sát khu vực trong 4 tháng và truyền dữ liệu về tàu.

Bằng cách kết hợp dữ liệu này với thông tin từ các nghiên cứu thực hiện trên tàu, các nhà khoa học sẽ xây dựng bức tranh về tác động của tảng băng trôi đối với môi trường.

Povl Abrahamsen, trưởng nhóm nghiên cứu trên sứ mệnh tại BAS, cho biết những hình ảnh mới nhất cho thấy tảng băng trôi đang nằm ở vị trí 60 dặm ngoài khơi bờ biển Nam Georgia.

"Nó có thể va đập dọc theo rìa của thềm lục địa hoặc lao thẳng vào hòn đảo. Nhưng nó cũng có thể mắc cạn và tồn tại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Ở giai đoạn này, rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", ông nói.

Cập nhật: 18/12/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 2,65
  • 4.426