1- Thời niên thiếu.
Albert Einstein sinh ngày 14-3-1879 tại Ulm, miền Wurtemberg, nước Đức. Cái tỉnh nhỏ bé này không mang lại cho Albert một kỷ niệm nào cả vì năm sau, gia đình Einstein đã di chuyển tới Munich. Sống tại nơi đây được một năm, một người em gái của Einstein ra chào đời và từ đó không có thêm tiếng trẻ thơ nữa. Chủ gia đình, ông Hermann Einstein là người lạc quan, tính tình vui vẻ. Còn bà mẹ, bà Pauline Koch, đã tỏ ra có óc thẩm mỹ ngoài bản tính cần cù, tế nhị. Bà hay khôi hài và yêu thích âm nhạc.
Vốn dòng dõi Do Thái nhưng gia đình Einstein lại sinh sống như người Đức vì tổ tiên của họ đã sinh cơ lập nghiệp tại nước Đức lâu đời. Các phong tục Do Thái cũ đều còn lại rất ít, trong khi tôn giáo bao giờ cũng là thứ mà họ giữ gìn. Vào các ngày lễ riêng của đạo Do Thái, nhóm dân này thường cử hành các buổi lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngoài ra, cứ vào ngày thứ năm, gia đình Einstein thường mời một sinh viên Do Thái nghèo túng đến dùng cơm rồi cùng nhau nhắc nhở lại các điều răn trong Thánh Kinh.
Munich, thành phố mà Albert Einstein đã sống trong thời thơ ấu, là trung tâm chính trị và văn hóa của nước Đức tại miền nam. Ông Hermann đã mở tại thành phố này một cái xưởng nhỏ về điện cơ. Ông có một người em là kỹ sư điện nhiều kinh nghiệm, hai anh em cùng góp sức vào việc khai thác nguồn lợi: anh trông nom về mặt giao dịch buôn bán còn em cai quản phần kỹ thuật chuyên môn.
Từ ngày lọt lòng mẹ, cậu Albert chẳng có gì khác hơn những đứa trẻ thông thường. Cậu chậm biết nói đến nỗi lên 3 tuổi mà còn bập bẹ tiếng một khiến cho cha mẹ tưởng cậu bị câm. Hai ba năm sau, Albert vẫn còn là đứa trẻ ít nói, rút rát, thường lánh xa mọi đứa trẻ cùng phố. Cậu ít bạn và không ưa thích đồ chơi. Đoàn lính bằng chì của cha tặng cho cũng không làm cậu vui thích, điều này quả là khác thường bởi vì xứ sở này phải gọi là quê hương của những đoàn quân thiện chiến, của các tướng lãnh lừng danh như Bismarck, như Von Moltke. Cách giải trí mà cậu ưa thích là hát khe khẽ các bài thánh ca khi dạo mát một mình ngoài cánh đồng. Einstein đã sống trong tình thương của cha mẹ và bên cạnh người chú tài ba. Chính nhờ ông này mà Einstein có được các khái niệm đầu tiên về Toán Học.
Thời bấy giờ tại nước Đức, các trường tiểu học không phải do chính phủ mở ra mà được các giáo hội phụ trách. Tuy theo đạo Do Thái nhưng ông Hermann lại cho con theo học một trường tiểu học Thiên Chúa giáo, có lẽ ông muốn con mình về sau này sinh sống như một đứa trẻ Đức. Einstein đã theo dần các lớp tiểu học mà không hề cảm thấy mình là một đứa trẻ khác đạo. Tại trường học, Albert Einstein không tỏ ra xuất sắc. Bản tính rút rát và ưa tư lự của cậu khiến cho các bạn thường chế riễu cậu là người mơ mộng.
Năm lên 10 tuổi, Albert Einstein rời trường tiểu học vào Gymnasium tức là trường trung học Đức. Việc học của các thiếu niên Đức từ 10 tới 18 tuổi đều do Gymnasium quyết định và cho phép lên Đại Học hay bước sang các ngành kỹ thuật. Tại bậc trung học, học sinh phải học rất nhiều về tiếng La-Tinh và Hy Lạp. Kỷ luật nhà trường rất nghiêm khắc, các giáo sư thường độc đoán và xa cách học sinh. Sống tại một nơi có nhiều điều bó buộc như vậy, Albert Einstein cảm thấy khó chịu. Có lần cậu nói: “tại bậc tiểu học, các thầy giáo đối với tôi như các ông Thượng Sĩ, còn tại bậc trung học, giáo sư là các ông Thiếu Úy”. Sự so sánh này làm nhiều người liên tưởng tới đội quân của Vua Wilhelm II, với các ông Thượng Sĩ là những người thô tục và tàn bạo còn sĩ quan thường ưa thích uy quyền, lại tỏ ra bí mật và quan trọng.
Từ thuở nhỏ, Albert Einstein đã yêu thích học hỏi về Vật Lý. Cậu còn nhớ khi lên 5 tuổi, cha cậu cho cậu một chiếc địa bàn. Chiếc kim lúc nào cũng chỉ về một hướng làm cho cậu bé này thắc mắc, suy nghĩ. Lớn lên, Einstein ưa thích đọc các loại sách Khoa Học. Chàng sinh viên Do Thái tới ăn cơm vào ngày thứ năm đã khuyên Einstein đọc bộ sách “Khoa Học Phổ Thông” của Aaron Bernstein. Nhờ cuốn này mà Einstein hiểu biết thêm về Sinh Vật, Thực Vật, Vũ Trụ, Thời Tiết, Động Đất, Núi Lửa cùng nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.
Về Toán Học, không phải nhà trường cho cậu các khái niệm đầu tiên mà là gia đình và ông chú ruột đã chỉ dạy cho cậu rõ ràng hơn các giáo sư tại Gymnasium. Nhà trường đã dùng phương pháp cổ điển, cứng rắn và khó hiểu bao nhiêu thì tại nhà, chú của cậu lại làm cho cách giải các bài toán trở nên vui thích, dễ dàng, nhờ cách dùng các thí dụ đơn giản và các ý tưởng mới lạ.
Năm 12 tuổi, Albert Einstein được tặng một cuốn sách về Hình Học. Cậu nghiền ngẫm cuốn sách đó và lấy làm thích thú về sự rõ ràng cùng các thí dụ cụ thể trong sách. Nhờ cuốn này, cậu học được cách lý luận phân minh và cách trình bày thứ tự của một bài tính. Do đó, cậu hơn hẳn các bạn về môn Toán. Vì được cha mẹ cho học đàn vĩ cầm từ khi lên 6 tuổi nên càng về sau, Einstein càng yêu thích âm nhạc và cảm thông được vẻ trong sáng và bay bướm trong các nhạc phẩm của Mozart. Năm 14 tuổi, Albert Einstein đã được dự vào các buổi trình diễn âm nhạc và nhờ vậy, cậu thấy mình còn kém về kỹ thuật vĩ cầm.
Đời sống tại nước Đức càng ngày càng khó khăn. Vào năm 1894, ông Hermann đành phải bán cửa hàng của mình rồi sang Milan, nước Ý, mở một cơ xưởng tương tự. Ông để con trai ở lại nước Đức theo nốt bậc trung học, vì chính nơi đây sẽ cho phép con ông bước lên bậc Đại Học. Vốn bản tính ưa thích Tự Do, Albert Einstein cảm thấy ngạt thở khi phải sống tại Gymnasium. Rồi quang cảnh ngoài đường phố nữa: vào mỗi buổi chiều, khi đoàn lính đi qua, tiếng trống quân hành đã kéo theo hàng trăm đứa trẻ. Các bà mẹ Đức thường bế con đứng xem đoàn thanh niên trong bộ quân phục diễn qua, và ước mơ của các thiếu nhi Đức là một ngày kia, chúng sẽ được đi đứng hiên ngang như các bậc đàn anh của chúng. Trái với sở thích chung kể trên, Albert Einstein lại rất ghét Quân Đội, rất ghét Chiến Tranh. Về sau này, có lần Einstein đã nói: “Tôi hết sức kinh rẻ kẻ nào có thể vui sướng mà đi theo nhịp quân hành, nếu họ có một khối óc thì quả là nhầm lẫn rồi, một cái tủy xương sống là đủ cho họ”.
Nền kỹ nghệ phát triển rất nhanh tại nước Đức đã khiến cho con người hầu như quên lãng thiên nhiên. Trái lại tại nước Ý, cảnh thiên nhiên rực rỡ và bầu trời trong sáng của miền Địa Trung Hải đã khiến cho Einstein tin tưởng đó là thiên đường nơi hạ giới. Vì sống trong cảnh cô đơn quá đau khổ nên nhiều lần Albert Einstein đã định bỏ trường học mà sang nước Ý sống với cha mẹ. Cuối cùng cậu tìm đến một y sĩ và xin giấy chứng nhận mình bị suy yếu thần kinh, cần phải tĩnh dưỡng tại nước Ý trong 6 tháng. Ông Hermann rất bực mình khi biết con bỏ dở việc học mà theo sang Milan. Albert lại cho cha biết ý định từ bỏ quốc tịch Đức bởi vì cậu đã chán ghét sự bó buộc của xứ sở đó. Nhưng cuộc sống tại Milan không phải dễ dàng. Ông Hermann cũng không quyết định cư ngụ tại nơi đây và việc xin cho Albert nhập quốc tịch Ý chưa chắc đã thành công trong một thời gian ngắn, như vậy Albert sẽ là một người không có tổ quốc. Ông Hermann khuyên con trai nên chờ đợi.
Thời gian sống tại nước Ý đối với Einstein thật là sung sướng. Cậu lang thang khắp các đường phố, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát của người dân yêu thích âm nhạc. Cậu đi thăm rất nhiều viện bảo tàng, và các lâu đài tráng lệ với các tác phẩm nghệ thuật đã làm cho mọi người phải say sưa, lưu luyến. Phong cảnh của nước Ý thực là hữu tình nên đã khiến cho con người yêu mến thiên nhiên. Người dân tại nơi đây không làm việc như một cái máy, không sợ quyền hành, không bị ràng buộc vào các điều lệ nhân tạo gò bó mà trái lại, tất cả mọi người đều cởi mở, vui vẻ và hồn nhiên.
Tại Milan, nghề điện đã không giúp được cho gia đình Einstein sung túc. Ông Hermann phải bảo con trai đi kiếm một việc làm nuôi thân. Albert tính rằng để có thể tiếp tục sự học, điều hay nhất là cậu xin vào một trường nào cấp học bổng. Vì không tốt nghiệp từ Gymnasium, Albert không thể nào xin lên đại học được, vả lại cậu khá về toán học nên một trường kỹ thuật sẽ hợp với cậu hơn.
2- Lúc trưởng thành
Tại châu Âu vào thời kỳ đó, ngoài các trường kỹ thuật của nước Đức ra, trường Bách Khoa tại Zurich là nơi danh tiếng. Trường này thuộc Liên Bang Thụy Sĩ là một nước có nền chính trị trung lập ở châu Âu. Các sinh viên ngoại quốc nào không thể theo đuổi sự học tại nước mình vì lý do chính trị, có thể tiếp tục sự học tại nơi đây. Vì vậy trong trường Bách Khoa, số sinh viên nước ngoài cũng khá đông. Muốn vào trường, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển. Einstein cũng nộp đơn dự thi nhưng chàng bị rớt: chàng thiếu điểm về môn sinh ngữ và vạn vật, tuy rằng bài toán của chàng thừa điểm. Thực vậy, sự hiểu biết của Einstein về Toán đã vượt hơn các bạn.
Sau khi thi rớt, Einstein bắt đầu lo ngại. Cái viễn ảnh đen tối hiện lên trong trí óc chàng. Cuộc mưu sinh của cha chàng tại nước Ý cũng gặp nhiều trắc trở. Einstein tự trách đã nông nổi bỏ sang nước Ý và hối tiếc sự học tại Gymnasium khi trước, tuy bó buộc thực nhưng đủ bảo đảm cho tương lai. Nhưng may mắn cho Albert, bài làm xuất sắc về Toán của chàng đã khiến cho viên giám đốc trường Bách Khoa chú ý. Ông ta khuyên chàng nên theo học tại một trường khá nổi danh thuộc tỉnh Aarau. Einstein tự hỏi liệu nơi mình sẽ tới học có giống như các trường tại nước Đức không? Cái hình ảnh cũ của ký túc xá hồi còn nhỏ khiến cho chàng sợ hãi lối sống cũ và phân vân trước khi bước vào một nơi học mới. Bất đắc dĩ, Einstein đành phải nhận lời.
Khi tới Aarau, Einstein đã ngạc nhiên hết sức: tất cả các điều ước đoán của chàng khi trước đều sai hết. Nơi đây không có điều gì giống Gymnasium của nước Đức. Tinh thần của thầy trò nơi đây khác hẳn: kỷ luật sắt không có, giáo sư cố công hướng dẫn học sinh biết cách suy nghĩ và tự làm việc. Các bậc thầy đều là những người cởi mở, luôn luôn tiếp xúc với học sinh, bàn bạc cùng cho họ những lới khuyên bảo chân thành. Tinh thần học hành tại nơi đây đã theo đường lối dân chủ thì phương pháp học tập cũng được canh tân theo đà tiến bộ. Học sinh được làm lấy các thí nghiệm về Vật Lý và Hóa Học, được xem tận mắt các máy móc, các dụng cụ khoa học. Còn các môn học khác cũng được giảng dạy bằng cách căn cứ vào các dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.
Sau một năm theo học tại Aarau, Einstein tốt nghiệp trung học và được nhận vào trường Bách Khoa Zurich mà không phải qua một kỳ thi nào khác. Trường kỹ thuật này đã cho chàng các sự hiểu biết căn bản về Vật Lý và Toán Học. Ngoài ra, vào các thời giờ nhàn rỗi, Einstein thường nghiền ngẫm các tác phẩm khoa học của Helmholtz, Kirchhoff, Boltzmann, Maxwell và Hertz.
Càng chú tâm đọc sách Vật Lý , Einstein lại càng cảm thấy cần phải có trình độ hiểu biết rất cao về Toán Học. Tuy nhiên, vài giờ Toán tại trường đã không khiến cho chàng chú ý, phải chăng do giáo sư toán thiếu khoa sư phạm? Thực vậy, ông Hermann Minkowski, Giáo Sư Toán, đã không hấp dẫn được sinh viên vào các con số tuy rằng ông là một nhà toán học trẻ tuổi nhưng xuất sắc. Dù sao, những ý tưởng về các định luật Toán Học do ông Minskowski đề cập cũng đã thấm nhập ít nhiều vào trí óc của Einstein và giúp cho chàng phát triển về môn Vật Lý sau này.
Tại nước Ý, cơ xưởng của ông Hermann chỉ mang lại một nguồn lợi nhỏ nên Albert Einstein sống nhờ vào tiền trợ cấp của một người trong họ. Hàng tháng chàng nhận được 100 quan Thụy Sĩ. Tuy món tiền này quá nhỏ nhưng Einstein phải để dành 20 quan, hy vọng sau này sau khi tốt nghiệp, chàng có đủ tiền xin được quốc tịch Thụy Sĩ. Vì cách tiết kiệm này, chàng phải chịu cảnh thiếu thốn và không hề biết tới sự xa hoa.
Từ thuở nhỏ, Einstein đã ít chơi đùa cùng các đứa trẻ trong xóm thì ngày nay khi sống tại trường đại học, chàng cũng vẫn là một sinh viên dè dặt. Tuy vậy, không phải Einstein không có bạn thân. Chàng hay tiếp xúc với Friedrich Adler. Anh chàng này là người Áo, con một nhà lãnh tụ phe Dân Chủ Xã Hội thuộc thành phố Vienna và ông này không muốn con trai của mình dính dáng tới chính trị nên đã gửi Adler tới Zurich theo học. Einstein còn có một cô bạn gái rất thân: cô Mileva Maritsch, người Hung. Cô này thường trao đổi bài vở với Einstein.
Vào năm 1901, Albert Einstein tốt nghiệp trường Bách Khoa và cũng trở nên công dân Thụy Sĩ. Đối với những sinh viên mới ra trường và có năng khiếu về Khoa Học thì ước mơ của họ là làm thế nào có thể xin được một chân giúp việc cho một giáo sư đại học nhiều kinh nghiệm rồi nhờ vậy có thể học hỏi thêm những phương pháp khảo cứu khoa học của ông ta. Einstein cũng mong ước như thế nhưng các đơn xin đều bị khước từ. Không xin được việc tại trường đại học, Einstein quay sang việc nạp đơn vào một trường trung học, nhưng mặc dù có nhiều thư giới thiệu nồng nàn, mặc dù xuất thân từ trường Bách Khoa và có quốc tịch Thụy Sĩ, Einstein vẫn không xin được việc làm. Phải chăng người ta đã không coi chàng như một người dân chính gốc mà chỉ là một công dân trên giấy tờ?
Chờ mãi thì phải có việc: một người bạn của Einstein giới thiệu chàng với ông Haller, giám đốc Phòng Văn Bằng ở Berne. Văn Phòng này đang thiếu một người thạo về các phát minh khoa học trong khi Einstein lại chưa có một kinh nghiệm gì về kỹ thuật cả. Nhưng sau một thời gian thử việc, Einstein được chấp nhận. Bổn phận của chàng là phải xem xét các bằng sáng chế: công việc này không phải là dễ vì các nhà phát minh thường là các tài tử, không biết diễn tả những điều khám phá theo thứ tự, rõ ràng.
Nhờ làm việc tại Phòng Văn Bằng, Einstein được lãnh lương 3 ngàn quan. Cuộc sống tương đối dễ chịu khiến chàng nghĩ đến việc hôn nhân. Einstein cưới cô bạn gái cũ là Mileva Maritsch tuy nàng hơn chàng vài tuổi. Mileva là người có tư tưởng hơi tiến bộ lại không biết cách sống hòa mình với các người chung quanh, vì vậy gia đình Einstein không được hạnh phúc lắm. Ít lâu sau, hai người con trai ra đời, đứa con cả cũng mang tên Albert như cha. Einstein đã tìm được hạnh phúc bên hai đứa con kháu khỉnh.
3- Thời kỳ khảo cứu Khoa Học
Sau nhiều tháng sống tại Berne, Albert Einstein thấy rằng các công việc tại Phòng Văn Bằng càng ngày càng trở nên dễ dàng hơn, vì vậy ông có đủ thời giờ để tâm tới môn Vật Lý Toán Học.
Tuy Einstein ưa thích lối sống cô đơn nhưng không phải là ông không có cảm tình với các người chung quanh. Tư tưởng cởi mở của ông khiến cho ông có nhiều bạn. Sự vui đùa và cách châm biếm khiến ông luôn luôn vui nhộn và đầy nhựa sống. Nụ cười hiện ra trên môi làm cho mọi người phải chú ý đến ông. Người nào đã sống gần Einstein đều nhận thấy rằng sự cười đùa của ông là một nguồn vui, song đôi khi nó còn là sự chỉ trích. Hình như Einstein có cảm tình với bất cứ ai, nhưng ông lại không thích đi tới sự quá thân mật khiến cho ông thiếu tự do. Phải chăng sự ưa thích sống cô đơn để hy sinh hoàn toàn cho Khoa Học đã làm cho Einstein xa cách các bạn bè trong khi nội tâm của ông lại có tình cảm với tất cả mọi người. Mãi về sau, vào năm 1930, Einstein đã phân tích cái trạng thái tình cảm đó như sau: “vì tôi say mê sự công bằng và nhiệm vụ xã hội nên tôi đã phạm phải một điều tương phản kỳ lạ khá quan trọng là tôi thiếu sự hợp tác trực tiếp với mọi người. Tôi là một con ngựa tự thắng lấy yên cương".
Tại Berne, ngoài thời giờ khảo cứu về Toán và Vật Lý Học, Einstein còn để tâm đến Triết Học. Vài triết gia đã giúp ông học được các nguyên tắc đại cương của phương pháp luận lý. Chính phương pháp này cho phép các nhà bác học diễn tả những điều nhận xét trực tiếp thành các định luật rõ ràng. David Hume, Ernest Mach, Henri Poincaré và Emmanuel Kant thuộc vào hạng các triết gia kể trên. Còn Schopenhauer và Nietzsche khiến Einstein chú ý vì các vị này đã phát biểu các tư tưởng đôi khi không cần thiết, đôi khi tối nghĩa bằng các câu văn đẹp đẽ, gợi lên cho người đọc những cảm xúc, khiến cho người ta phải mơ màng, suy nghĩ, chẳng khác gì một người biết nhạc được thưởng thức vài khúc tiết tấu nhịp nhàng. Tuy nhiên, David Hume (1711-1776, người Anh) vẫn là người được Einstein ưa thích nhất. Nhiều người biết rằng triết gia gốc Anh này là người khởi xướng phương pháp luận lý thực nghiệm và cách trình bày suy luận của ông ta thực là sáng sủa, phân minh.
Suốt trong 5 năm trường, từ 1901 tới 1905, các cố gắng tư tưởng của Einstein đã mang lại kết quả: ông đã nghiên cứu và lập ra định luật liên kết thời gian và không gian. Vào một buổi sáng tháng 6 năm 1905, viên chủ nhiệm tạp chí Annalen der Physik tại Munich tiếp một thanh niên tóc đen không chải, quần áo cũ kỹ. Thanh niên đó đưa viên chủ nhiệm một cuộn giấy 30 trang và yêu cầu đăng trên tạp chí khoa học.
Albert Einstein đã trình bày “Thuyết Tương Đối” của mình trên tờ báo vật lý Annalen der Physik. Ông đã đề cập đến sự tương quan của năng lượng và khối lượng bằng một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học: E = MC2. Nói một cách đại cương, phương trình trên có nghĩa là năng lượng của vật chất thì bằng khối lượng nhân với bình phương tốc độ của ánh sáng. Theo lý thuyết này, nếu người ta biết một phương pháp kỹ thuật, thì với một cân than gỗ, hay một cân đá sỏi, hay một cân mỡ heo, người ta có thể rút ra một năng lượng tương đương với 25 triệu triệu (trillions) kilôwatt-giờ điện lực, nghĩa là số điện lực sản xuất thời bấy giờ của tất cả các nhà máy phát điện tại Hoa Kỳ chạy suốt trong một tháng mà không nghỉ.
Sau khi bài khảo cứu của Albert Einstein được phổ biến tại châu Âu, thì Henri Poincaré ở Pháp, Hendrik Lorentz ở Hòa Lan, Max Planck ở Đức, cùng tất cả các đầu óc khoa học vĩ đại thời bấy giờ đều sửng sốt và đã viết thư hỏi tòa báo : - “Ai đã viết bài báo đó ? Có phải là một giáo sư đại học không? ". Tòa báo đã trả lời : - “Một thanh niên Do Thái, quốc tịch Đức, 26 tuổi, giúp việc tại Phòng Văn Bằng tại Berne”.
Bài khảo cứu của Einstein đã làm cho nhiều người thắc mắc, nghi ngờ. Vào thời kỳ đó, ít người đo lường nổi sự quan trọng lớn lao của học thuyết Einstein nhưng dù sao, lý thuyết đó đã cách mạng hóa quan niệm của con người về Vũ Trụ. Henri Poincaré khi đó đã viết về Albert Einstein như sau: “Ông Einstein là một trong các đầu óc khoa học phi thường mà tôi chưa từng thấy. Đứng trước một bài tính vật lý, ông Einstein đã không bằng lòng với các nguyên tắc cổ điển sẵn có, mà còn nghiên cứu tất cả các trường hợp có thể nhận được”.
Thật là kỳ lạ khi công trình khảo cứu có giá trị lớn lao đó lại do một nhân viên xoàng của Phòng Văn Bằng phổ biến. Người ta vội mời ông giảng dạy tại trường Đại Học Zurich. Mọi người đều biết rằng tại các trường Đại Học, trước khi trở thành một giáo sư thực thụ, ai cũng phải trải qua thời kỳ của một giảng sư. Einstein nhận giữ chân này theo lời khuyên của Giáo Sư Kleiner.
Chân Giáo Sư môn Vật Lý Lý Thuyết tại trường Đại Học Zurich bị trống. Vì vấn đề chính trị, hội đồng quản trị đại học mời Friedrich Adler, giảng sư, lên phụ trách, nhưng Adler đã từ chối và nói: - “Nếu có thể có một người như Einstein vào Đại Học của chúng ta thì việc gọi đến tôi thật là vô lý. Tôi thú nhận rằng trình độ hiểu biết của tôi không thấm vào đâu với Einstein. Chúng ta không nên vì vấn đề chính trị mà không mời một người có thể làm cho mức hiểu biết tại bậc đại học được cao hơn". Vì vậy vào năm 1909, Einstein được bổ nhiệm làm “Giáo Sư Đặc Cách” của trường Đại Học Zurich.
Tuy bước lên một địa vị cao hơn trong xã hội, nhưng lúc nào Einstein cũng thản nhiên, bình dị. Cuộc sống mới này tuy khá hơn trước về mặt tài chính, nhưng bà vợ ông vẫn phải chứa trọ các sinh viên để kiếm thêm tiền. Trước tình trạng vật chất còn eo hẹp đó, Einstein đã có lần nói đùa như sau: “Trong Thuyết Tương Đối của tôi, tôi đã đặt rất nhiều đồng hồ tại khắp nơi trong Vũ Trụ nhưng thực ra, tôi thấy không có đủ tiền mua nổi một chiếc để đặt ngay trong phòng của chính mình”. Thời gian sinh sống tại Zurich thật là phẳng lặng, hai ông bà Einstein cùng hồi tưởng thời sinh viên và coi cái tỉnh này như một tổ quốc nhỏ bé, nhưng yêu dấu.
Năm 1910, Đại Học Đường thuộc Đức tại Prague, Tiệp Khắc, thiếu một chân giáo sư vật lý lý thuyết. Đây là trường đại học cổ nhất của miền Trung Âu. Trong hậu bán thế kỷ 19, các giáo sư Tiệp và Đức cùng nhau giảng dạy, nhưng rồi cuộc tranh chấp chính trị đã khiến cho nhà cầm quyền quyết định rằng từ năm 1888, trường đại học này được phân ra làm hai, một đại học Đức, một đại học Tiệp. Sự phân chia đó đã làm cho các giáo sư và sinh viên của hai đại học đường không liên lạc gì với nhau và còn hiềm khích nhau nữa.
Theo nguyên tắc, trường đại học đề nghị các giáo sư vào các ghế trống, còn ông Bộ Trưởng Giáo Dục chỉ định vị được tuyển dụng nhưng thực ra vào thời kỳ đó, quyền chọn lựa thuộc về nhà vật lý học Anton Lampa, một người đã có công trong việc canh tân phương pháp giáo dục. Lúc bấy giờ có 2 người đủ khả năng: Gustave Jaumann, giáo sư thuộc Viện Kỹ Thuật Brno và Albert Einstein là người thứ hai. Theo quy luật, thứ tự các người được chọn lựa phải căn cứ vào công cuộc khảo cứu khoa học của họ, và vì lý thuyết của Einstein được nhiều người biết tới, Einstein được xếp lên trên Jaumann. Nhưng cuối cùng, ông Bộ Trưởng Giáo Dục lại trao chức vụ cho Jaumann, vì ông ta không muốn bổ nhiệm một người ngoại quốc. Jaumann từ chối. Chức vụ về tay Einstein.
Phải rời bỏ Zurich để đến một nơi xa lạ là một điều gia đình Einstein không muốn, ông do dự nhưng cuối cùng nhận lời. Sống tại Prague, Einstein thường gặp gỡ Ernest Mach, Viện Trưởng Đại Học và cũng là một nhân vật nổi danh về một ngành Triết Học. Trong thời gian giảng dạy tại Prague, ngoài việc xây dựng lý thuyết về trọng lực, Einstein còn để tâm tới lý thuyết về Quanta ánh sáng của Max Planck. Thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin Fresnel và thuyết Điện Từ của James Maxwell đã không thể cắt nghĩa được hiện tượng Quang Điện (photoelectric effect). Einstein liền dùng công cuộc khảo cứu của Planck vào các điều suy đoán của mình.
Vào năm 1911, một hội nghị khoa học nhỏ được tổ chức tại Bruxelles, nước Bỉ. Người đứng ra tổ chức là nhà triệu phú Ernest Solvay. Ông này là một kỹ nghệ gia về Hóa Chất và đã thành công lớn. Tuy giàu có nhưng Solvay vẫn yêu thích Khoa Học và có khảo cứu chút ít về Vật Lý. Solvay muốn được nhiều người chú ý đến công lao của mình.
Trong số các bạn, nhà triệu phú Solvay thường giao du với Walther Nernst, một nhà hóa học danh tiếng. Walter Nernst nghĩ đến ý thích của Solvay và đến ích lợi của Khoa Học, nên đề nghị với nhà triệu phú chịu phí tổn cho một hội nghị gồm các nhà bác học danh tiếng của châu Âu và các vị này sẽ bàn luận về các trở ngại của “Nền Vật Lý Mới” rồi nhân dip này, Solvay có thể trình bày lý thuyết của mình. Ernest Solvay ưng thuận. Hội nghị được tổ chức. Sir Ernest Rutherford đại diện cho Anh Quốc, Henri Poincaré và Paul Langevin thay mặt cho Pháp Quốc, Max Planck và Walther Nernst đại diện cho Đức Quốc, H.A. Lorentz là đại biểu của Hòa Lan, xứ Ba Lan được thay mặt bởi bà Marie Curie khi đó đang làm việc tại Paris, còn Albert Einstein đại diện cho Áo Quốc cùng với Franz Hasenohrl.
Hội nghị lấy tên là Solvay và diễn ra trong vòng thân mật. Không ai chỉ trích lý thuyết của ông Solvay cả, tất cả đều tránh vì muốn tỏ lòng biết ơn và lịch sự đối với chủ nhân. Ngoài ra, trong cuộc bàn cãi, mọi người đều kinh ngạc về những ý tưởng mới lạ của Einstein. Sau hội nghị, Solvay nhận rõ chân giá trị của buổi gặp gỡ nên về sau, ông ta thường tổ chức các buổi họp khác mà vai chính là Einstein.
Năm 1912, sau một thời gian sống tại Prague, Einstein lại được giấy mời giữ chân giáo sư môn vật lý lý thuyết tại trường Bách Khoa Zurich. Trường này thuộc quyền của Liên Bang Thụy Sĩ nên rất lớn, và những kỷ niệm của tuổi trưởng thành làm cho Einstein cũng muốn quay về nơi chốn cũ. Hơn nữa, bà Mileva vợ ông, lại cảm thấy khó chịu khi sống tại Prague và mong muốn trở lại Zurich, tổ quốc nhỏ bé của bà. Vì vậy Einstein cùng gia đình rời Prague.
Sự ra đi khỏi thành phố Prague của Einstein làm cho nhiều người xao động. Ai cũng muốn lưu giữ danh tiếng của nhà bác học cho địa phương của mình. Các báo chí cho rằng các bạn của ông đã ngược đãi Einstein và bắt ông xin đổi đi. Có người lại nói vì ông gốc Do Thái, nhà cầm quyền không đối xử tử tế với ông khiến cho Einstein phải từ giã Prague. Đúng ra, các điều kể trên trái với sự thực. Tại Prague, Einstein cảm thấy dễ chịu và người dân nơi này với tính tình cởi mở, đã làm cho ông quý mến họ.
Tới cuối năm 1912, Albert Einstein trở thành Giáo Sư Thực Thụ của trường Bách Khoa Zurich và mang lại danh tiếng cho đại học này. Einstein làm việc không ngừng. Các lý thuyết mới về Toán của các nhà toán học Ý Đại Lợi Ricci và Levi-Civita đã làm cho Einstein chú ý đến. Ông cùng với Marcel Grossmann, một người bạn cũ, khảo cứu các phương pháp toán học mới ngõ hầu có thể dùng cho lý thuyết về Trọng Lực.
Vào năm 1913, một hội nghị các nhà bác học Đức được tổ chức tại Vienna. Người ta mời Einstein tới trình bày lý thuyết về Trọng Lực của ông. Trong buổi thuyết trình này, ai cũng phải sửng sốt về các ý tưởng mới mẻ, quá kỳ dị của Einstein. Mọi người trông chờ ở ông một lý thuyết tổng quát, tân kỳ.
Berlin, thủ đô của nước Đức, dần dần trở nên Trung Tâm Chính Trị và Kinh Tế của châu Âu. Hơn nữa, người Đức còn muốn thành phố này là nơi tập trung Khoa Học và Nghệ Thuật. Riêng về Khoa Học, muốn cho bộ môn này phát triển, cần phải có các viện khảo cứu và nhiều nhà bác học danh tiếng. Tại Hoa Kỳ, ngoài các trường đại học ra, còn có các viện khảo cứu được các nhà tư bản như Rockfeller, Carnegie, Guggenheim trợ giúp. Hoàng Đế Wilhelm II cũng muốn các công chình tương tự được thực hiện tại nước mình. Vì thế các kinh tế gia, kỹ nghệ gia và các thương gia Đức cùng nhau góp công, góp của vào việc thành lập Viện Kaiser Wilhelm Gesellschaft. Được tuyển làm nhân viên của Viện là một danh dự lớn lao, lại được danh hiệu Viện Sĩ, được mặc y phục lộng lẫy và đôi khi được tham dự các buổi yến tiệc với nhà vua.
Người ta đang tìm kiếm các nhà bác học lỗi lạc và sự chọn lựa được căn cứ theo giá trị khoa học của từng người. Vào thời kỳ đó, Max Planck và Walther Nernst là hai nhân vật dẫn đầu về Khoa Học của nước Đức. Hai ông này khuyên vị Giám Đốc Viện Wilhelm, ông Adolphe von Harnack, gửi giấy mời Albert Einstein, một ngôi sao sáng đang lên của nền trời Vật Lý Mới. Einstein cũng được Planck và Nernst khuyên nhủ nên nhận lời để sau này có thể trở nên nhân viên của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Phổ, một danh dự mà các giáo sư Đại Học Đường Berlin đều ao ước. Einstein được mời vào Viện Hoàng Đế Wilhelm thực.
Công việc của Einstein trong Viện sẽ là nghiên cứu theo ý riêng của mình. Ông lại được mời làm Giáo Sư Đại Học Đường Berlin, tại nơi này công việc giảng dạy nhiều hay ít tùy ý. Việc quản trị đại học đường cùng với việc trông coi các kỳ thi, ông sẽ không phải để tâm tới. Einstein được hoàn toàn tự do khảo cứu.
Riêng đối với Einstein, ông cũng phân vân trước việc trở lại Berlin. Cái xã hội đó không hợp với thâm tâm của ông thực, nhưng địa vị cao sang sẽ giúp cho cuộc sống hàng ngày của ông dễ chịu hơn. Nhà bác học bị giằng co giữa hai ý tưởng: quan niệm sống cho Khoa Học, cho bản thân và ý tưởng về một chủ nghĩa xã hội hợp đạo lý. Ngoài ra tại Berlin, Einstein còn có cô em họ, cô Elsa. Ông có gặp cô này vài lần và thấy có cảm tình với nàng. Cuộc ly dị cách đây vài năm với cô Mileva vì bất đồng ý kiến ở vài điểm, đã khiến Einstein nghĩ tới việc lập lại một gia đình mới. Chính điều này cũng góp đôi phần vào quyết định của Einstein trở lại thành phố Berlin. Einstein từ bỏ Zurich vào cuối năm 1913.
Đúng vào năm 34 tuổi, Albert Einstein là nhân viên của Viện Hàn Lâm Berlin và tượng trưng cho một thanh niên sống giữa các đồng viện hầu hết đều cao tuổi hơn, đều là những bậc lão thành trong cuộc sống đại học. Những vị này thường tự cho là quan trọng, trong khi cách cư xử của Einstein lại dễ dàng, bình dị. Tại Berlin, vài vật lý gia thường họp với nhau để bàn luận các vấn đề Khoa Học. Trong các buổi thảo luận đó, ngoài Einstein, Planck và Nernst ra, người ta còn thấy Max Von Laue, Jacques Franck, Gustave Hertz, cô Lise Meitner và sau này có Erwin Schrödinger, người đã có công về Thuyết Lượng Tử (theorie quantique).
Einstein sống tại Berlin chưa được một năm thì Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Một số các nhà bác học thấy rằng mình cũng phải góp phần với các chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ liền hoạt động trong phạm vi của họ, tức là nghiên cứu và chế tạo các dụng cụ chiến tranh. Walther Nernst chế tạo hơi ngạt, Fritz Haber, người bạn thân của Einstein, nghiên cứu việc điều chế ammoniac bằng cách dùng khí nitrogen rút ra từ không khí.
Trong thời gian sống tại Berlin này, Einstein đã gặp cô Elsa, một người em họ, một người bạn từ thuở nhỏ. Cô này lúc bấy giờ góa chồng và có 2 đứa con riêng, song cô là người tính tình vui vẻ, lại đảm đang. Hai người thành hôn với nhau và sống một cuộc đời tương đối đầy đủ, nhưng hạnh phúc.
4- Hoạt động chính trị.
Từ trước, Albert Einstein vẫn ghét chiến tranh. Ông cho phổ biến các ý tưởng của mình. Einstein đã diễn thuyết tại nhiều nơi như Hòa Lan, Tiệp Khắc, Áo, vừa giảng giải về lý thuyết vật lý, vừa biện họ cho ý tưởng hòa bình.
Vào thời bấy giờ tại châu Âu, các người Do Thái thấy rằng cần phải liên kết dòng giống của họ hiện đang sống rải rác khắp bốn phương. Một phong trào phục hưng quốc gia Do Thái đang thành hình. Vào năm 1921, Chaim Weizmann, người lãnh đạo phong trào Do Thái Tự Trị (Zionism) có gửi giấy mời Einstein cùng sang Hoa Kỳ vận động cho việc tái lập một quốc gia Do Thái tại Palestine. Weizmann muốn dùng danh tiếng của Einstein để khiến các nhà triệu phú Do Thái tại Hoa Kỳ giúp tiền thành lập một trường đại học tại thủ đô mới. Einstein nhận lời.
Khi Einstein đến New York vào tháng 5 năm 1921, các phóng viên ùa tới chụp ảnh và phỏng vấn ông. Họ hỏi rất nhiều về Thuyết Tương Đối của ông đến nỗi ông tưởng mình bị vào một kỳ thi vấn đáp. Các nhà báo cũng hỏi bà Elsa xem bà có hiểu gì về lý thuyết của chồng không, thì bà trả lời: “ồ không, tuy rằng ông Einstein đã cắt nghĩa cho tôi nhiều lần, song sự không hiểu rõ đó không ảnh hưởng tới hạnh phúc của chúng tôi”.
Albert Einstein và vợ đi qua đám người hiếu kỳ đứng đón tại bến tầu. Tay phải ông cầm tẩu thuốc lá, tay trái xách chiếc đàn vĩ cầm, hình ảnh này khiến cho nhiều người tưởng lầm ông là một nhạc sĩ tài ba đến trình diễn tại New York, mà không phải là một nhà bác học đã làm đảo lộn quan niệm của con người về Vũ Trụ.
Tại Hoa Kỳ, Weizmann và Einstein được tiếp đón rất trịnh trọng. Tuy hai nhân vật này chỉ đi bênh vực cho một chủ nghĩa Do Thái, nhưng họ được coi như hai người đại diện thực sự cho dân tộc Do Thái vậy. Einstein đã diễn thuyết tại nhiều nơi bằng tiếng Đức, vì lúc đó ông không thạo tiếng Anh lắm. Vào ngày 9 tháng 5 năm đó, Einstein được trao tặng văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự của trường Đại Học Princeton và vị Viện Trưởng đã ca tụng bằng tiếng Đức “một Christopher Columbus của Khoa Học, đã băng qua các đại dương của tư tưởng mới lạ”. Sau khi rời Hoa Kỳ, Einstein sang nước Anh rồi trở về Berlin vào tháng 7 năm 1921.
Cuộc hành trình của Albert Einstein đã khiến cho sự giao hảo giữa các nhà bác học Mỹ, Anh và Đức được khả quan hơn. Vì vậy, vài nhà bác học Pháp đã đề nghị mời Einstein sang Paris, tuy rằng tại nơi đây, người ta chưa quên mối thù Pháp-Đức cũ. Trong số các người chủ trương ý tưởng trên, có Paul Painlevé và Paul Langevin là hai nhà toán học. Langevin đề nghị dùng một phần lợi tức của trường Collège de France để mời Einstein sang Pháp. Painlevé tán thành nồng nhiệt trong khi nhiều nhà bác học Pháp lại phản đối ra mặt.
Tại nước Đức, các nhóm tương tự cũng muốn bắt buộc Einstein từ chối nhưng vào thời kỳ đó, cả hai nhóm trên tại Pháp và Đức đều chưa đủ mạnh nên chưa thể ngăn trở cuộc hành trình. Einstein nhận lời sang Pháp. Langevin cùng Charles Nordmann, một nhà thiên văn, tới Jeumont gần biên thùy nước Bỉ, để đón Einstein. Thời đó, một nhóm thanh niên ái quốc Pháp định tổ chức một cuộc phản đối tại nhà ga. Langevin được tin đó do cảnh sát cho biết. Ông ta quyết định cho xe lửa chở Einstein ngừng tại một ga nhỏ, không có người đứng đón, rồi dùng xe điện ngầm về khách sạn có ngờ đâu rằng trong khi đó, con trai ông và các sinh viên khác đang mỏi mắt trông chờ được ngưỡng mộ nhà đại bác học tại ga chính.
Albert Einstein tới Paris vào ngày 22-3-1922. Ngày 31, ông diễn thuyết tại Collège de France. Chỉ những người nào yêu thích Khoa Học và không có ý định biểu tình phản đối mới nhận được giấy mời. Ngày hôm đó, Painlevé là người đến trước tiên và đích thân coi sóc việc kiểm soát. Tại Đại Giảng Đường, nơi mà các đại triết gia Ernest Renan và Henri Bergson đã từng diễn giảng hôm đó đông chật thính giả. Người ta thấy có mặt bà Marie Curie, ông Henri Bergson và nhiều nhân vật danh tiếng. Einstein đã dùng tiếng Pháp để thuyết trình. Giọng nói chậm chạp của ông, đôi khi lạc vào cách phát âm của tiếng Đức, đã làm cho bài diễn giảng thêm phần quyến rũ và bí ẩn.
Sự có mặt của Einstein tại Paris khiến cho Hàn Lâm Viện Pháp chia làm hai phe phản đối nhau, trong khi tại nước Đức, một số nhà bác học cũng không bằng lòng. Tuy nhiên, Einstein chỉ nghĩ đến lợi ích chung của Khoa Học và nghĩ tới sự giao hảo giữa các dân tộc trên Thế Giới. Sau khi từ Pháp về, Einstein lại sang Thượng Hải vào ngày 15-11-1922, rồi sang Nhật Bản và ở tại nơi đó cho tới tháng 2 năm sau mới trở lại Palestine, rồi du lịch qua Tây Ban Nha. Khi Einstein sắp đến châu Á thì vào ngày 10-11-1922, Hàn Lâm Viện Khoa Học Thụy Điển quyết định trao tặng ông Giải Thưởng Nobel về Vật Lý Học.
Thuyết Tương Đối của Albert Einstein tuy được nhiều người biết đến nhưng vào thời kỳ này sự tranh luận còn đang sôi nổi, người ta nghi ngờ không biết lý thuyết đó có phải là một phát minh khoa học hay không. Bởi vì Alfred Nobel quy định rằng Giải Thưởng phải được trao tặng cho nhân vật nào đã phát minh ra thứ gì hữu ích cho Nhân Loại, nên Hàn Lâm Viện Thụy điển đã phân vân trước công trình của Einstein về Khoa Học, rồi sau cùng quyết định như sau: “Giải Thưởng được trao cho Albert Einstein về định luật Quang Điện và công trình của ông trong địa hạt Vật Lý Lý Thuyết”.
Từ lâu, các nhà vật lý đều nhận thấy rằng khi cho một loại ánh sáng có tần số đủ cao chiếu vào một miếng kim loại đặc biệt, sẽ có một dòng điện phát ra. Hiện tượng điện học do ánh sáng mà có này được gọi là hiện tượng Quang Điện. Lý thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin Fresnel rồi Thuyết Điện Từ của James Maxwell đều không thể cho biết căn nguyên và đặc tính của hiện tượng trên. Einstein đã dùng lý thuyết của Max Planck về Quang Tử (quanta) dẫn vào trong định lý về ánh sáng và đặt giả thuyết rằng trong làn sóng ánh sáng có các quang tử chứa năng lượng. Nhờ giả thuyết này, ông đã tìm ra được định luật Quang Điện và định luật này cho phép các nhà khoa học cắt nghĩa được các hiện tượng có bức xạ.
Vào tháng 7 năm 1923, Albert Einstein sang Thụy Điển nhận giải thưởng và diễn thuyết trước một số đông các nhà bác học tại Goteborg. Vua Thụy Điển cũng tới dự.
Trong năm 1925, Albert Einstein có lần đi Nam Mỹ diễn thuyết, còn các năm sau, ông đều sống tại thành phố Berlin. Từ tháng 3 năm 1929, gia đình Einstein bắt đầu cảm thấy khó chịu. Einstein bị nhiều người dòm ngó và báo chí để ý, vì vậy ông quyết định rời sang một căn nhà bên bờ sông ngoài thành phố. Thấy vắng nhà, các báo chí Đức lại phao lên rằng ông đã sang Hòa Lan rồi sang Mỹ.
Sống tại vùng quê, Einstein cảm thấy dễ chịu. Ông có hai sở thích: lái thuyền và chơi đàn. Ai cũng biết rằng việc lái thuyền buồm đòi hỏi ở người thủy thủ nhiều điều hiểu biết về Cơ Học và Vật Lý. Khéo lợi dụng chiều gió để điều khiển con thuyền đi cho đúng hướng mới là người lái giỏi. Về điểm này, Einstein có đủ. Ông thường mang lương thực xuống thuyền mà đi cho đến gần tối mới trở về.
Albert Einstein rất thích âm nhạc. Âm nhạc đối với ông vừa là môn giải trí, vừa là nguồn an ủi và còn là sự cần thiết nữa. Ông có tai nghe nhạc rất đúng và rất ưa thích các nhạc phẩm của Mozart. Ông không có bàn tay đặc biệt của các nhạc sĩ kỳ tài, các bàn tay này thường dài, dầy dặn, với các ngón tay thon thon, song ông chơi đàn một cách rõ ràng, đúng nhịp, không đi trước mà cũng không bỏ qua các dấu nhạc. Trong các nhạc cụ, Einstein ưa thích vĩ cầm. Nhiều người quý mến ông đã gửi tặng ông các nhạc cụ do những thợ đàn danh tiếng làm, nhưng Einstein lại ưa thích cây vĩ cầm tầm thường của Nhật Bản, hình như cây đàn này đã cho ông nhiều kết quả tốt đẹp.
Thật là may mắn cho Einstein khi gặp được bà vợ thứ hai này: bà Elsa. Tại Berlin, Einstein lấy riêng một căn phòng để làm việc. Không ai được phép vào đây, ngay cả vợ ông. Chính tại căn phòng này, ông nghiên cứu và bàn luận với các bạn bè mà không sợ bị quấy rầy. Einstein ưa thích được tự do, bất chấp cả bụi bậm và sự vô thứ tự trong căn phòng làm việc. Hai điều này đã làm cho bà Elsa luôn luôn ân hận. Bà Elsa thường chăm sóc chồng một cách hiếm có. Bà chỉ cho phép ông mỗi ngày hút một điếu thuốc lá. Chính thức thì ông tuân theo kỷ luật này, nhưng trong phòng của ông lại có một hộp thuốc do các bạn ông bỏ đầy vào. Einstein không uống rượu và không thức khuya, sợ rằng việc làm ngày mai sẽ bị đình trệ.
Trời đã phú cho Einstein bản tính hay cười. Không bao giờ ông quên khôi hài, ngay cả khi bị rủi ro. Có người phàn nàn với Einstein rằng thuyết Tương Đối của ông khó hiểu quá, Einstein liền trả lời - “Có gì là khó hiểu, chẳng hạn như khi ta ngồi cạnh người yêu thì thấy một giờ ngắn bằng một phút, còn nếu ta ngồi trên lò lửa hồng thì một phút lại lâu bằng một giờ”.
Một hôm, có người hỏi Einstein: - “Ông có chắc rằng lý thuyết của ông đúng không ?”. Einstein đáp: - “Tôi tin chắc rằng đúng, nhưng người đời chỉ có được dẫn chứng cụ thể vào năm 1981, khi đó tôi đã chết rồi. Khi đó nếu tôi có lý, thì tại nước Đức người ta bảo tôi là người Đức còn người Pháp lại bảo tôi là dân Do Thái. Nếu lý thuyết của tôi sai, thì người Đức bảo tôi là dân Do Thái còn người Pháp sẽ bảo tôi là dân Đức".
Einstein có thể chất tốt, tuy rằng ông bị đau dạ dầy và yếu tim. Ông có cái đầu khác thường: tất cả khối óc hầu như được đặt tại đằng trước và gần như ông không có hậu chẩm (occiput). Phải chăng chỉ có cái đầu không cân xứng này mới nghĩ ra được các ý tưởng khoa học phi thường?
Vào mùa đông năm 1930, Albert Einstein được mời tới thành phố Pasadena, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ, để diễn thuyết tại Viện Kỹ Thuật C.I.T. Trong thời gian này, Einstein có gặp nhà bác học Robert Andrews Millikan, người đã làm cho miền California trở nên một trung tâm danh tiếng về nghiên cứu Khoa Học. Mùa đông năm sau, Einstein trở lại Pasedena và quay về Berlin vào mùa xuân năm 1932, lúc mà nền Cộng Hòa Đức hấp hối. Vào tháng 3 năm 1932, Hindenbourg thắng Hitler trong cuộc tuyển cử và trở thành Tổng Thống của nước Đức.
Cuối năm 1932, Einstein lại sang Pasadena, Hoa Kỳ, và vào tháng 1 năm 1933, khi ông đang ở California thì được tin Hindenbourg mời Hitler làm Chưởng Án. Hitler chủ trương thuyết quốc gia cực đoan và là người rất căm thù dân tộc Do Thái, vì vậy Einstein đã phân vân trước khi quay về Đức.
Einstein trở lại châu Âu vào đầu năm 1933 và ngụ tại Ostende, nước Bỉ. Tại nước Đức, dân chúng đã bắt đầu kỳ thị sắc dân Do Thái. Einstein không biết nên xin ra khỏi Hàn Lâm Viện Phổ hay chờ xem Hàn Lâm Viện này loại trừ ông. Cuối cùng, ông đã xin rút tên ra để tránh cho Max Planck đỡ phải khổ tâm trục xuất một người có công khỏi Hàn Lâm Viện theo mệnh lệnh cuồng tín của đảng chính trị Quốc Xã.
Ít lâu sau, Hitler vu cho Einstein chứa khí giới bất hợp pháp và gia sản của ông bị tịch biên. Hơn nữa, đảng Quốc Xã đã treo giải thưởng chiếc đầu của Einstein với giá là 20,000 marks. Einstein quyết định không trở lại Berlin nữa mà tìm kiến một nơi trú ẩn mới. Rất nhiều trường đại học của châu Âu đã gửi giấy mời nhà bác học đến giảng dạy nhưng Einstein muốn rời khỏi châu Âu. Mùa hè năm 1933, Hoa Kỳ gửi giấy mời Albert Einstein.
5- Cuộc sống tại Hoa Kỳ.
Mấy năm về trước, vào khoảng năm 1930, ông Louis Bamberger và bà Felix Fould, theo lời khuyên của ông Abraham Flexner, đã bỏ ra một số tiền 5 triệu mỹ kim để thành lập một Viện Khảo Cứu và Giáo Dục. Nhờ đó, Viện Nghiên Cứu Cao Cấp (The Institute for Advanced Study) được thành lập tại thành phố Princeton, tiểu bang New Jersey. Flexner đi khắp châu Mỹ và châu Âu để tìm người giúp việc cho Viện. Flexner có gặp nhà bác học R.A. Millikan và được ông này nói tới Albert Einstein. Einstein nhận được giấy mời và đành nhận lời bởi vì thời cuộc lúc đó không cho phép ông trở lại nước Đức.
Từ năm 1938, Otto Hahn và F. Strassmann tại Berlin, Irène Curie và Savitch tại Paris, Lise Meitner và O. Frisch tại Copenhague đã làm nhiều thí nghiệm chứng tỏ rằng khi bắn các nhân nguyên tử Uranium, sẽ có một nhiệt lượng đáng kể phát ra. Rồi Enrico Fermi thành công trong việc phá vỡ nhân nguyên tử.
Thế Chiến Thứ Hai đã bùng nổ. Nhiều nhà bác học tại châu Mỹ lo lắng trước tình trạng tiến triển và khả năng nguyên tử của nước Đức. Họ liền báo động các thẩm quyền quân sự Hoa Kỳ và muốn bắt tay vào các công trình nghiên cứu nguyên tử tương tự. Nhưng cuộc vận động của họ không mang lại kết quả nào. Vì vậy, họ đành phải nhờ tới danh tiếng của Albert Einstein.
Vào ngày 2-8-1939, Einstein viết thư cho Tổng Thống Franklin Roosevelt như sau: “Thời gian vừa qua, tôi được đọc các bản thảo về những công trình khảo cứu của E. Fermi và L. Szilard. Những công trình này khiến tôi thấy rằng chất Uranium có thể trở nên một nguồn năng lượng mới rất quan trọng trong tương lai gần đây Nguồn năng lượng này có thể được dùng vào việc chế tạo một loại bom cực kỳ mạnh. Tôi có đầy đủ tài liệu để quả quyết rằng Đức Quốc Xã cũng đang tiến hành công trình trên. Mỹ Quốc phải vượt lên về phương diện này, nếu không, nền Văn Minh sẽ bị hủy diệt”.
Nhận được thư của nhà bác học Einstein, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt liền chú tâm vào việc khởi thảo một chương trình nghiên cứu Nguyên Tử Lực và Hoa Kỳ đã mở đầu một cuộc chạy đua kinh khủng nhất trong Lịch Sử về khí giới chiến tranh. Dự Án Manhattan, tên riêng của dự án chế tạo bom nguyên tử, được thành hình.
Vào năm 1941, Albert Einstein nhập quốc tịch Mỹ cùng với cô Helene Dukas và người con dâu Margot. Dukas là thư ký của Einstein. Cô ta là người thông minh, thứ tự và cương quyết. Khi bà Elsa qua đời vào năm 1936, Dukas đã trở nên nội tướng và đảm đương công việc trong gia đình. Tại thành phố Princeton, New Jersey, Einstein còn có một người em gái là bà Maja, tới sống với ông từ năm 1939.
Cuộc sống tại Hoa Kỳ của Albert Einstein thực là bình thản. Mỗi buổi sáng, ông mặc một bộ đồng phục da màu đen và về mùa lạnh, ông đội một chiếc mũ len đan cũng màu đen giống như chiếc mũ của một chàng lính thủy, với bộ quần áo lố lăng này, ông đi bộ chừng hai cây số để đến nơi làm việc. Người dân của thành phố Princeton thường thấy ông đi dạo trong vườn của Viện Nghiên Cứu từ 4 giờ sáng tinh sương, hai tay vắt sau lưng. Cảnh tịch mịch rất cần thiết đối với ông, nhưng ông không sống như một nhà ẩn dật. Mỗi ngày, ông nhận được hàng trăm bức thư. Đối với các bức thư viết đúng đắn, ông đều trả lời qua đó phản ánh lòng tế nhị của ông. Có một lần, một cậu bé không làm nổi một bài toán ra ở trường, đã gửi đầu bài và nhờ nhà bác học cắt nghĩa giùm. Einstein vui vẻ giảng giải. Lại một lần khác, một nhà toán học trẻ tuổi gửi đến cho ông một bài toán rất hay, giải rất đúng, nhưng trong khi tính toán có hai chỗ lầm. Einstein biết rằng các nhà thông thái thường tự phụ, nên ông viết thư trả lời nhà toán học kể trên và báo cho biết trong bài toán có hai chỗ lầm, nhưng ông lại không nói rõ lầm ở chỗ nào trong bài toán.
Cũng như nhiều nhà bác học khác, Albert Einstein không những đã tìm thấy tại Hoa Kỳ một nơi ẩn náu mà còn tìm được một nơi làm việc và một nơi thuyết trình nữa. Trong căn phòng làm việc tĩnh mịch, ông ngồi hàng giờ, viết các chữ rất nhỏ hay các ký hiệu toán học. Cây viết chì và mảnh giấy là các dụng cụ xây dựng nên công trình khoa học của ông. Ông dùng bộ óc làm phòng thí nghiệm. Khi mới gặp Einstein, ai cũng nhận thấy rằng ngoài mớ tóc rối lộn và bộ ria rậm rạp, hai con mắt của ông có vẻ như mơ màng nhưng khi nhìn lại chứa nhiều vẻ long lanh, tò mò và kiên nhẫn.
Albert Einstein là môn đồ của chủ nghĩa tự do cá nhân. Mặc dù lòng tin tưởng không thể lay chuyển được nơi Thượng Đế, Einstein cũng như nhiều nhà bác học khác vẫn là người vô thần. Vốn bản tâm quảng đại, nhưng không bao giờ ông tham gia một tổ chức xã hội nào. Ông làm việc cho Nhân Loại với tất cả Lương Tâm. Ông không ngừng kêu gọi các nhà bác học khác hãy coi chừng các phát minh của họ và luôn luôn cảnh cáo mọi người về các nguy hiểm sẽ gặp phải. Ông đã nhắc nhở nhiều lần rằng tuy Khoa Học có thể giúp ích cho Nhân Quần Xã Hội thực, song cũng có thể quay lại cung cấp vũ khí cho kẻ thù của Nhân Loại và đưa đến các kết quả tuyệt vọng. Einstein tin tưởng rằng sớm hay muộn, con người có thể giải đáp được mọi thắc mắc về Khoa Học, bởi vì “Tạo Hóa tuy huyền diệu thực, nhưng không bao giờ thâm độc cả”. Chính sự tin tưởng này đã khiến cho ông không bao giờ mất hy vọng trong các công trình tìm tòi, nghiên cứu. Albert Einstein quyết định hiến nốt đời mình cho việc tìm ra lý thuyết “Trường Đồng Nhất” (Champ unitaire) cho phép liên lạc 2 thứ lực là Điện Từ Lực và Lực Hấp Dẫn.
Albert Einstein qua đời vào ngày 18-4-1955. Trước khi chết, ông đã viết giấy tặng bộ óc của mình cho các nhà nhân chủng học nghiên cứu.
Trong tiền bán thế kỷ 20, Thuyết Tương Đối của Albert Einstein đã làm thay đổi quan niệm Khoa Học thông thường của con người và người ta chỉ gặp các cuộc Cách Mạng Tư Tưởng tương tự với Newton và Darwin trong các thế kỷ trước. Vì thế, Đại Văn Hào Bernard Shaw đã không nhầm lẫn khi gọi Albert Einstein là “VĨ NHÂN THỨ TÁM” của Thế Giới Khoa Học, sau Pythagoras, Aristotle, Ptolemy, Copernicus, Galileo, Kepler và Newton