Một trận động đất mạnh tại quần đảo Sumatra của Indonesia cách đây 2 năm đã làm san hô chết hàng loạt. Trận động đất khi ấy đã giết chết gần 1.000 người trên đảo Nias, ngoài khơi bờ biển phía tây quần đảo Sumatra.
Tiến hành khảo sát 35 địa điểm tại bờ biển này, các nhà khoa học - thuộc Quỹ bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở tại Mỹ và Trung tâm nghiên cứu san hô của Úc (ARCCoERS) - phát hiện trận động đất đã nâng đảo Simeulue (gần Nias) lên 1,2 m, để lộ hầu hết san hô xung quanh đảo.
“Trái ngược với các mối đe dọa khác, không một san hô nào bị trận động đất này nâng lên có thể sống sót”, nhà khoa học Stuart Campbell thuộc Cơ quan bảo tồn đồng vật hoang dã của Indonesia nói. Tuy nhiên Campbell cũng cho biết ở một vài địa điểm tại Simeulue, san hô đang có dấu hiệu hồi phục.
Còn tiến sĩ Andrew Baird thuộc ARCCoERS cho rằng trận động đất đã tạo cơ hội có một không hai cho các nhà khoa học nghiên cứu một hiện tượng kỳ lạ như thế, “hứa hẹn cho giới khoa học cái nhìn mới về tiến trình hồi phục của san hô mà cho đến nay chúng ta chỉ mới có thể biết được dựa trên các san hô hóa thạch”.
Indonesia là một trong các nước có môi trường san hô phong phú nhất thế giới, tuy nhiên nhiều nơi cũng bị ảnh hưởng do hoạt động của con người. Chính phủ nước này đã cấm dùng các hóa chất như xyanua và dùng bom để đánh bắt cá, tuy nhiên các hoạt động này vẫn tiếp tục ở nhiều nơi của quốc gia gồm hơn 17.000 đảo này.
Trận động đất ngoài khơi Sumatra khiến san hô chết hàng loạt
(Ảnh minh họa từ Coralcoe.org.au)
T.VY