Phát hiện 12 sinh vật chưa từng thấy trên Trái đất ẩn nấp dưới biển băng ở Đại Tây Dương

  •  
  • 2.158

Sau khi nghiên cứu đáy biển Đại Tây Dương trong nhiều năm, các nhà khoa học đã phát hiện ra ít nhất 12 loài sinh vật biển sâu mới mà trước đây khoa học chưa biết đến.

Phát hiện mới đến từ dự án ATLAS, một nỗ lực quốc tế nhằm hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái nước sâu của Bắc Đại Tây Dương.

San hô bong bóng ở Baltimore Canyon.
San hô bong bóng ở Baltimore Canyon.

Thông qua 45 cuộc thám hiểm nghiên cứu với sự tham gia của 80 nhà khoa học và sinh viên tình nguyện trong 4 năm qua, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ một số khám phá của họ, bao gồm các loài mới và những hiểu biết mới về hệ sinh thái ở thế giới khác này.

Trong số 12 loài mới, có một số loài rêu biển, động vật thân mềm và san hô biển sâu. Hình ảnh mới cũng tiết lộ một loạt các sinh vật biển khác thường, bao gồm cả cá, động vật giáp xác.

Người ta đã từng hy vọng rằng các hệ sinh thái biển sâu ở một mức độ nào đó sẽ được bảo vệ khỏi nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra rằng ngay cả các đại dương sâu thẳm cũng không miễn nhiễm với nhiệt độ nước biển ấm lên. Trong khi nước bề mặt đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn đáng kể, thì dưới đáy đại dương bắt đầu có dấu hiệu nóng lên. Các sinh vật sống ở khu vực đó có thể sẽ sớm trải qua một số thay đổi đáng kể.

Loài cá mới được phát hiện tại Rockall Bank ngoài khơi Vương quốc Anh và Ireland.
Loài cá mới được phát hiện tại Rockall Bank ngoài khơi Vương quốc Anh và Ireland.

"Mọi người đều biết tầm quan trọng của việc chăm sóc rừng mưa nhiệt đới và các môi trường sống quý giá khác trên đất liền, nhưng ít người nhận ra rằng có rất nhiều, nếu không muốn nói là nhiều hơn ở những nơi đặc biệt trong đại dương. Trong dự án ATLAS, chúng tôi đã nghiên cứu hầu hết các hệ sinh thái dễ bị tổn thương ở sâu Đại Tây Dương và giờ đây chúng tôi hiểu chúng thực sự quan trọng, liên kết với nhau và mong manh như thế nào", giáo sư J Murray Roberts, điều phối viên của dự án ATLAS của Đại học Edinburgh, cho biết.

Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề duy nhất đe dọa các đại dương sâu. Hoạt động của con người, chẳng hạn như khai thác dưới đáy biển sâu và khai thác nhiên liệu hóa thạch, cũng đang trở thành một sức ép ngày càng tăng đối với các hệ sinh thái này.

Tác động của những xáo trộn đối với đáy biển thường có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ và có tác động trực tiếp đến toàn bộ hệ sinh thái rộng lớn hơn.

Một nghiên cứu gần đây ở Thái Bình Dương ở độ sâu 4.000 mét dưới mực nước biển ở Peru, phát hiện ra rằng hoạt động khai thác khoáng sản biển sâu có thể có một ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của vi khuẩn giúp hỗ trợ hầu hết tất cả cuộc sống dưới đáy biển.

Theo hoạt động của chúng, phải mất ít nhất 50 năm để các vi khuẩn có thể trở lại hoàn toàn chức năng bình thường sau khi bị xáo trộn do khai thác.

Thông qua công trình nghiên cứu mới của ATLAS, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ hướng dẫn các chính sách và biện pháp bảo vệ mới có thể giúp cứu những môi trường ít người hiểu này trước khi quá muộn.

Giáo sư Roberts nhấn mạnh: "Thách thức trong thập kỷ tới sẽ là sử dụng hiểu biết khoa học và xã hội mới và sử dụng nó để tạo ra các kế hoạch và chính sách tốt hơn cho các hoạt động thực sự bền vững của con người ở đại dương".

Cập nhật: 04/01/2021 Theo NLĐ
  • 2.158