Khi người cai rượu lên cơn sảng, họ ú ớ la hét, vật vã dữ dội, gồng người lên, bác sĩ phải lấy dây vải buộc chặt tay chân họ vào giường.
Ở buồng bệnh 524, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân lên cơn sảng rượu được trói chặt vào giường bằng những dây vải trắng. Có người nằm yên, có người chân tay co quắp vật vã đang nằm thì bật dậy trong trạng thái vô thức, la hét. Họ hoảng sợ luôn miệng nói "nhìn thấy" quái vật trong phòng, chạy trốn đàn chuột khổng lồ đang đuổi theo.
Bố anh Quân là một bệnh nhân đang lên cơn sảng rượu. Bố miệng la hét, chân tay đập phá, đã thành thói quen anh Quân vội vàng lấy dây để trói tay chân bố vào giường. Trước đó bố anh nhập viện với chẩn đoán xơ gan, bụng to và chướng. Bố anh uống rượu đã 30 năm qua, mỗi ngày uống từ nửa lít đến một lít rượu. Điều trị đã vài ngày, do không được uống rượu nên ông có biểu hiện sảng rượu: Vật vã, kêu gào... Những lúc ấy anh Quân không thể làm gì khác ngoài việc trói bố vào giường.
Bệnh nhân lên cơn sảng rượu được trói vào giường để giữ an toàn cho họ. (Ảnh: P.N).
Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện với hội chứng cai, sảng rượu không phải là hiếm gặp. Các y bác sĩ phải trói bệnh nhân để phòng nguy cơ họ chạy, ngã, thậm chí nhảy từ tầng cao xuống đất.
Đa phần người bệnh ban đầu vào viện do xơ gan, xuất huyết tiêu hóa... Sau vài ngày điều trị, không được uống rượu, người bệnh bắt đầu có biểu hiện của hội chứng cai (hay còn gọi là rối loạn tâm thần do rượu), trong đó mức độ nặng nhất là sảng rượu. Biểu hiện thường gặp vào ngày đầu tiên lên cơn là bồn chồn, mất ngủ, sau đó chân tay run lẩy bẩy, vã mồ hôi toàn thân, hoang tưởng, ảo giác, la hét, vật vã. Bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng phối hợp các hành vi, khả năng nhận thức.
Theo tiến sĩ Khanh, tình trạng này hay gặp ở người đang uống rượu thường xuyên sau đó bị ốm không uống được nữa. Ngoài ra cũng có thể xảy ra ở người không uống được rượu, chỉ uống một chút cũng xuất hiện hoang tưởng, ảo giác nguy hiểm. Điều trị cho các bệnh nhân này rất khó khăn. Nguy hại nhất là tình trạng co giật, rối loạn về điện giải như kali máu, hạ đường máu, không điều trị tốt bệnh nhân có thể tử vong. Trong khi đó, những bệnh nhân nghiện rượu này sức đề kháng yếu, hay bị nhiễm trùng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết khả năng bệnh nhân dừng rượu sau điều trị rất khó, vì quá trình cai rượu đòi hỏi sự quyết tâm từ bệnh nhân, sự động viên của gia đình cũng như hỗ trợ của bác sĩ. Các ảo giác, hoang tưởng sẽ hết nhưng nguy hiểm nhất nếu người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu là nguy cơ xơ gan, ung thư gan.
Đồ uống có cồn là một trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường. Nó là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới tuổi 15-49 tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan liên quan đến đồ uống có cồn ở nam giới 50-69 tuổi là gần 10%, cao gấp 3 lần trung bình toàn cầu.
Theo chuyên gia y tế, không có tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Vì thế, lý tưởng nhất là người dân không nên uống rượu bia. Nếu uống thì không quá 2 đơn vị một ngày đối với nam dưới 60 tuổi, ít có nguy cơ gây hại sức khỏe. Một tuần nên ngừng uống 1-2 ngày để gan có cơ hội tái tạo. Người có bệnh lý gan thì nên giảm đến mức thấp nhất có thể.
Một đơn vị rượu tương đương với một cốc bia hơi 330ml, 2/3 chai bia/lon bia 330ml, một ly nhỏ rượu vang trắng hoặc đỏ 100ml và một chén nhỏ 30ml rượu mạnh.