Ngay cả những người không nghiên cứu vật lý hay thiên văn học có lẽ cũng biết rằng Mặt trời cực kỳ nóng, và bất kỳ cái gì đến gần Mặt trời cũng sẽ tan chảy mà thôi. Nhưng mới đây, một sao chổi đã bay sát Mặt trời, suýt va phải “quả cầu lửa”, đang khiến các nhà khoa học đau đầu vì “hành vi kỳ lạ” của nó.
Sao chổi này có tên chính thức là 96P/Machholz 1, được Tàu Quan sát Mặt trời và Nhật quyển của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) và ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) ghi lại hình ảnh khi nó đang lao về phía Mặt trời.
Sao chổi 96P khi lao sát qua Mặt trời. (Ảnh: NASA).
Bình thường, các sao chổi sẽ tan rã khi bay gần Mặt trời, nhưng 96P thì không. Một số nhà khoa học cho rằng chính vì kích thước của nó (sao chổi này khá lớn, chiều ngang khoảng 6km, tức là hơn 2/3 chiều cao của núi Everest, theo LiveScience) nên nó vượt được qua “cửa ải Mặt trời” mà không tan rã hoàn toàn.
96P lần đầu tiên được phát hiện là vào năm 1986. (Ảnh: NASA).
Karl Battams, giám đốc Dự án Sungrazer của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ ở Washington (Mỹ), đã viết: “96P là một trong những sao chổi kỳ lạ nhất về cả cấu tạo lẫn hành vi trong Hệ Mặt trời”.
Một lý do là vì đuôi của các sao chổi thường là khí, nhưng theo phân tích về 96P thì các nhà khoa học thấy nó có lượng carbon và khí cyanogen thấp hơn bình thường.
Vì vậy, nhiều nhà khoa học tin rằng 96P là một "vị khách" có nguồn gốc từ đâu đó bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta, và do các lực giữa các hành tinh mà nó bất đắc dĩ bị kéo vào Hệ Mặt trời.
Nhưng cũng có người lại cho rằng 96P có xuất thân từ một góc nào đó trong Hệ Mặt trời chứ không phải là "vị khách phương xa", và nó chỉ đơn giản là cứ thích độc đáo như vậy thôi.