Sao chổi phun độc tiến về phía trái đất

  •   3,26
  • 1.741

Một ngôi sao chổi lao vùn vụt trong không gian để lại phía sau đám bụi khí độc cùng ánh sáng xanh, đang tiến vào bên trong hệ mặt trời và hướng thẳng về phía trái đất. 

Sao chổi Lulin phát ra ánh sáng màu xanh lục kỳ quái. Ảnh: Jack Newton.


Lulin, tên ngôi sao chổi phát ra thứ ánh sáng màu xanh lục kỳ quái và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, được phát hiện cách đây hơn một năm và đang di chuyển vào bên trong hệ mặt trời. Lulin sẽ tới gần trái đất nhất vào ngày 24/2, khi nó cách hành tinh xanh gần 60 triệu km.

Ánh sáng màu xanh lục của Lulin phát ra từ các đám bụi khí tạo nên bầu khí quyển của nó. Những bụi khí thoát ra từ nhân Lulin chứa cyanogen (một loại khí độc tồn tại trong nhiều sao chổi) và carbon hai nguyên tử (C2). Cả hai chất này phát ra ánh sáng màu xanh lục khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ở khoảng không gian có điều kiện gần giống môi trường chân không.

Jack Newton, nhà thiên văn tại bang Arizona, Mỹ chụp được một bức ảnh về Lulin cách đây vài ngày. Anh nói: “Đôi mắt của tôi không thể nhìn rõ sao chổi vì quá mỏi, nhưng chiếc kính thiên văn 14 inch giúp tôi phát hiện ra nó vào ngày 1/2".


Một phát ngôn viên của NASA nói thêm: “Lulin sẽ tới gần Trái đất nhất vào ngày 24/2/2009. Nó xuất hiện vài giờ trước khi mặt trời mọc. Bầu trời đen thẫm ở vùng nông thôn là điều kiện cần thiết nhất để quan sát sao chổi này. Tuy nhiên, chẳng ai dám chắc chúng ta có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường vì đây là lần đầu tiên Lulin viếng thăm hệ mặt trời và tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Những diễn biến sắp tới có thể khiến chúng ta ngạc nhiên".

Lulin được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2007 bởi Quanzhi Ye, một sinh viên khí tượng thủy văn người Trung Quốc. Anh chụp được bức ảnh về nó tại đài thiên văn Lulin ở Đài Loan, do đó Quanzhi gọi sao chổi này theo tên của đài thiên văn. 

Theo VnExpress (Daily Mail)
  • 3,26
  • 1.741