Sau 25 vì sao vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị bệnh AIDS?

  •  
  • 4.341

Nhiều phác đồ điều trị AIDS được áp dụng để làm thay đổi diễn tiến của căn bệnh như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu và thảo dược thiên nhiên... Tuy nhiên, không có biện pháp nào làm thay đổi được căn bệnh theo hướng tích cực.

Năm 1981, loại virút bí ẩn được phát hiện trong cơ thể của một người đàn ông đồng tính ở miền Tây của nước Mỹ và được đặt tên là GRID (Gay Related Immune Deficiency - suy giảm miễn dịch ở người đồng tính). Do sự đấu tranh của các nhóm vận động hành lang và nhóm bảo vệ các quyền lợi đặc biệt nên các nhà khoa học quyết định đổi tên virút mới này là HIV.

AIDS ban đầu người ta nghĩ là căn bệnh của riêng những người đồng tính. Nhưng quan niệm này đã hoàn toàn thay đổi theo hướng khác, nó có thể giết hại hàng triệu người cả nam và nữ (hiện tại có trên 17 triệu phụ nữ sống chung với AIDS). Đã hơn một thế hệ kể từ ngày đầu tiên phát hiện ra virút này. Nhiều gia đình, số phận đang bị hủy hoại bởi AIDS. Nhiều quốc gia đang bị suy thoái vì căn bệnh này. Hàng triệu USD được dùng cho công tác chăm sóc người bệnh. Cho tới thời điểm hiện tại loài người vẫn chưa tìm ra được một loại vắcxin hiệu quả để điều trị cho người bệnh. Tại sao vậy?

Một đại dịch toàn cầu...

Phía Nam Châu Phi, người phụ nữ đang đỡ người chồng bị nhiễm AIDS, họ có 3 đứa con (Ảnh: theepochtimes)Hiện tại có 40 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung cùng căn bệnh này. Con số lớn hơn cả dân số của Canada. Trong thực tế tác động của căn bệnh AIDS là rất lớn. Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên Liên Hiệp Quốc lại xem đây là một trong những vấn đề quyết định sự phát triển và vấn đề an ninh của thế giới ngày nay.

Năm 2005, có 3 triệu người chết (bình quân mỗi ngày có 8.500 người tử vong) và trong vòng 2 năm tới sẽ có khoảng 6 triệu người nữa mất khả năng chống cự với căn bệnh này. Không có một quốc gia nào nằm ngoài “cơn bão” này. Dưới đây là một bức tranh tổng quan về căn bệnh này trên toàn cầu.

Khu vực Bắc Mỹ: Tại Mỹ hiện nay có khoảng hơn 1 triệu người sống chung với AIDS. Mỗi năm có khoảng 40.000 người bị nhiễm mới. Nhiều người trong số họ là thanh niên dưới tuổi 25. Đối tượng lây nhiễm vẫn chủ yếu ở những người quan hệ không chung thủy, quan hệ đồng tính và sử dụng chất ma túy. Gần đây còn xảy ra ở những đối tượng sử dụng chất methamphetamine.

Tây Âu: Tại khu vực này có khoảng 570.000 tới 890.000 người nhiễm HIV. Tỉ lệ tử vong ở các quốc gia này đã giảm hẳn kể từ những năm 1990, vì các quốc gia này có điều kiện điều trị các liệu pháp kéo dài tuổi thọ người bệnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia chưa kiểm soát được số người nhiễm bệnh. Nên con số này vẫn chưa được đánh giá là khả quan.

Đông Âu và Trung Á: Một bằng chứng cho thấy tỉ lệ bệnh nhân AIDS đang gia tăng đáng kể tại hai khu vực này. Ước tính có 1,5 triệu người sống chung với AIDS. Tỉ lệ này gia tăng đang kéo theo sự suy thoái về kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó là sự gia tăng tệ nạn sử dụng ma túy.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến năm 2005 tại Nga số người nhiễm HIV là 257.000. Năm 1995 là 15.000. WHO dự kiến con số này sẽ tiếp tục gia tăng. Lây nhiễm xảy ra chủ yếu là quan hệ tình dục thiếu lành mạnh và ma túy ở giới trẻ. Hơn 80% số người ở độ tuổi dưới 30.

Trung Đông và Bắc Á: Số lượng các ca nhiễm bệnh ở hai khu vực này thấp. Ước tính khoảng chừng 440.000. Con đường lây nhiễm rất đa dạng: quan hệ không chung thủy, gái mại dâm và đối tượng nghiện hút.

Đông Á: Mặc dù tỉ lệ AIDS ở khu vực này thấp, nhưng vẫn có nhiều người mắc bệnh này vì dân số ở khu vực này khá đông. Trong bức tranh toàn cảnh ở khu vực này nổi lên là Trung Quốc. Ước tính có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh. Tại các khu vực nông thôn có khoảng 10.000 người. Do ban đầu nhiều nông dân đi truyền máu không an toàn.

Châu Đại Dương: Có khoảng 78.000 người nhiễm HIV ở Australia, New Zealand và một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Tỉ lệ tử vong ở đây thấp do các quốc gia này áp dụng các biện pháp điều trị tốt hơn các khu vực khác.

Châu Phi: So với các khu vực khác thì vùng hạ sa mạc Sahara là khu vực đại dịch hoành hành mạnh nhất toàn cầu. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 10% dân số thế giới, nhưng có 64% dân cư sống chung với HIV.

Virus AIDS phá hủy hồng cầu (Ảnh: aef.com)Năm 2005 có khoảng 12 triệu trẻ em mồ côi nhiễm HIV ở khu vực này. Tại 35 quốc gia châu Phi có tỉ lệ lây lan căn bệnh AIDS nhiều nhất, thì tỉ lệ tuổi thọ trung bình chỉ ở 48. Giảm 7 năm tuổi so với trước khi chưa bùng nổ căn bệnh này.

Ở phía nam của châu Phi, tỉ lệ lây lan vượt 20% và 30% ở hai quốc gia Swaziland và Botswana. Con số lây nhiễm ở Nam Phi là 5,5 triệu, chiếm 12% dân số.

Căn bệnh AIDS đã và đang làm cho nền kinh tế của nhiều quốc gia đi tụt lùi, đặc biệt là ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Liên Hiệp Quốc ước tính đến năm 2025, ở vùng hạ Sahara sẽ có 90 triệu người mắc bệnh.

Ngày càng có nhiều người bị nhiễm HIV đồng nghĩa với sự suy giảm nguồn lực lao động và tăng chi phí cho chăm sóc y tế. Trường hợp này đang xảy ra đối với châu Phi.

Hành trình đi tìm biện pháp điều trị...

Trong những thập niên đầu tiên của căn bệnh, nhiều phác đồ điều trị được áp dụng để làm thay đổi diễn tiến của căn bệnh như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu và thảo dược thiên nhiên... Tuy nhiên, không có biện pháp nào làm thay đổi được căn bệnh theo hướng tích cực.

Những năm gần đây, hàng loạt các loại dược phẩm ra đời, có thể kéo dài cuộc sống của người bệnh. Ngăn chặn sự tái phát của virút trong cơ thể. Nhưng các loại thuốc này không có tác dụng chữa bệnh triệt để.

Bên cạnh đó còn để lại một số tác dụng phụ như: đau đầu, phát ban, mệt mỏi, ảnh hưởng tới gan, thận... Nhiều bệnh nhân có biểu hiện kháng thuốc.

Do vậy, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu các biện pháp giảm các nguy cơ trên và nâng cao hiệu quả của thuốc đối với căn bệnh này. Tuy vậy, 25 năm nghiên cứu chưa có loại vắcxin nào phát huy hiệu quả tuyệt đối.

Phản ứng toàn cầu

(Ảnh: cbc.ca)Ngay từ nhiều năm trước đây vấn đề AIDS được cả thế giới quan tâm chú ý đặc biệt. Điều đó đã dẫn tới nhiều sáng kiến được đưa ra. Liên Hiệp Quốc thành lập một Ủy ban đặc biệt về HIV/AIDS. Quỹ toàn cầu về đấu tranh chống đại dịch AIDS cũng được thành lập. Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến quan trọng khác...

Bất chấp những sáng kiến của các quốc gia, Chính phủ và các tổ chức về căn bệnh AIDS. Số lượng tiền bỏ ra là rất lớn nhưng hiệu quả vẫn chưa mấy chuyển biến. UNAIDS (Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc) ước tính chi phí phòng chống căn bệnh AIDS tăng từ 300 triệu USD năm 1996 lên tới 8,3 tỉ USD năm 2005. Chính phủ Mỹ cam kết dành 15 tỉ USD để chống căn bệnh này.

Bên cạnh các cam kết về tài chính là các công trình nghiên cứu điều trị bệnh. Tuyên truyền phong trào sử dụng bao cao su. Cách tiếp cận này ở Mỹ cũng đã được triển khai hiệu quả ở Uganda, một quốc gia có tỉ lệ cao, đã giảm được từ 15% xuống còn 5%.

Thách thức ở phía trước

Thách thức đầu tiên phải kể đến công việc điều trị cho các bệnh nhân. Theo bản báo cáo của UNAIDS và WHO cho biết, hiện chỉ có 20% số người bệnh được điều trị bệnh. Còn lại 80% số người không được điều trị. Hơn nữa chi phí cho việc điều trị quá đắt đỏ, thiếu bệnh viện và nhân viên y tế.

Thách thức tiếp theo là tìm ra một loại thuốc điều trị hiệu quả. Đây là một trong những vấn đề mà các nhà khoa học đang đau đầu. Hiện trên thế giới có khoảng 30 loại vắcxin đang trong thời kỳ thử nghiệm.

Thách thức về tài chính, năm 2006 quỹ mà thế giới dành chống căn bệnh AIDS là 8,9 tỉ USD. Trong thực tế Liên Hiệp Quốc ước tính còn thiếu 14,9 tỉ USD cho căn bệnh này. Con số này tiếp tục suy giảm trong năm 2007.

Nguyễn Văn Tú (Tổng hợp)

Theo CAND.com.vn
  • 4.341