Sẽ có nhà chọc trời 500 tầng

  •  
  • 742

Nhờ các loại vật liệu xây dựng mới, những tòa nhà chọc trời trong tương lai có thể cao 500 tầng, như những thành phố thẳng đứng.

Thành phố thẳng đứng

Hội đồng thành phố đang xét duyệt ba bản thiết kế cho những ngôi nhà cao 135 tầng sẽ mọc lên nay mai kề góc công viên trung tâm. Bản vẽ thiết kế của hãng De Simon & Chaplin - một trong những công ty hàng đầu thế giới chuyên dựng nhà chọc trời (NCT) - được đánh giá cao hơn cả, đang được xúc tiến hoàn thiện thêm phần luận chứng kinh tế kỹ thuật và có nhiều khả năng tồn tại.

Cả ba tòa cao ốc trên đều tiến hành theo đơn đặt hàng của nhà tài phiệt xây dựng Donald Trump. Nhưng có người lại đề cập tới những ngôi nhà gồm 150 tầng lầu, dựng cao 500 m trên thành phố... Nếu quả thực vậy, thì "Quả táo to" New York lại chiếm kỷ lục về NCT cao nhất hành tinh, với quá khứ nhờ có Chrysler Building (1930 - 345 m), Empire State Building (1931 - 412 m) và gần đây hơn với "Cặp nhà sinh đôi" - Trung tâm Thương mại Thế giới - WTC (1972 - 451 m). "Trong nửa thế kỷ trở lại đây không có sự thay đổi mấy về chiều cao. Từ 102 tầng của Empire State đến 110 tầng của Sears Tower, với mức tăng chỉ có 8 tầng - Hari Wees, vị kiến trúc sư lừng lẫy người Chicago, từng tham gia xây cất Sears Tower cao 480 m hồi năm 1974, nói: Sự thay đổi duy nhất là về hình thái, các cao ốc chọc trời trở nên trang nhã hơn và đa dạng hơn".

Theo H.Wees, ngày nay chúng ta đứng trước "bước nhảy vọt" về chiều cao, mà gần đây người ta cho là không thể đạt được. Nhờ những vật liệu xây dựng mới, nhẹ và bền hơn, cũng như các dạng cấu trúc mới cùng hệ thống thang máy có tốc độ cao hơn, những tòa nhà cỡ 150 - 200 tầng đã đạt được các tính năng kỹ thuật.

Hàng chục NCT - Siêu cao đang trong các quá trình thiết kế, kể cả ngôi nhà cao 210 tầng tại Chicago do chính H. Wees vẽ. "Tòa nhà do tôi thiết kế - H. Wees cho biết - thực ra là một thành phố thẳng đứng. Cần phải có riêng nhà máy điện, trung tâm điện thoại và bưu cục, hệ thống cống rãnh và ống dẫn độc lập". Còn hai kiến trúc sư nổi danh khác Robert Sobel và Hag Crall - đã 6 năm miệt mài với ý tưởng về một "Bức tượng vĩ đại" cao 50 tầng. R. Sobel, người đã tham gia vào việc tạo nên WTC New York, nói: "Từ tầm nhìn của cấu trúc, chỉ có bầu trời mới là giới hạn của chúng tôi. Toà nhà khổng lồ 500 tầng mà chúng tôi đang vẽ thiết kế, có thể có hàng ngàn, bởi ngày nay chúng ta có đủ những vật liệu xây cất chắc chắn, cũng như có đủ các kỹ thuật xây dựng vượt bậc. Ngôi nhà cao nửa dặm sẽ được dựng lên không xa ở Houston, thể hiện như một ngọn tháp, theo dạng khối trụ tam giác liên kết, dựa vào nhau và cùng chống được gió".

"Đong đưa trong gió"

Theo quan điểm về cấu trúc thì các vấn đề của cấu trức mộ NCT được chia làm hai: sức tải dọc sinh ra bởi lực hấp dẫn và tải trọng bề mặt sinh ra bởi gió (hoặc là bởi địa chấn). Nếu như cốt thép và xi măng chịu nổi áp lực thì không là vấn đề đáng lo lắm. Vậy cấu trúc chắc chắn của một NCT phụ thuộc trước hết vào khả năng chịu được tải trọng từ các bề mặt. Với những người ngoài nghề thì thật là lạ: điều phiền toái nhất là... gió. Với vận tốc 160 km/ giờ gió có thể làm xê dịch đỉnh một ngôi nhà cao 300 m, lệch hẳn một mét so với tâm dọc.

Tất nhiên trong trường hợp có động đất lại càng xấu hơn. Tất cả NCT trên thế giới hiện nay đều "đung đưa" trong gió. Ví như WTC New York (đã bị không tặc phá sập ngày 11- 9-2001) có độ dao động tới 10 giây, còn City Coral Buiding là 6 giây. Để áp lực gió được "bão hòa" (nếu không những người sống trên các tầng cao sẽ bị một căn bệnh giống như say sóng - tăng huyết áp, còn chén đĩa và khung ảnh thì nhảy tứ tung...), giới kiến trúc sư tạo ra các lỗ hổng khổng lồ tại tất cả những phần cao thuộc ngôi nhà; hoặc là "gắn" thêm những tảng bê tông lớn (như City Coral Building - 400 tấn), được "điều khiển" ngược với chiều gió - tạo ra thế cân bằng cho phần nóc của các NCT.

Các vấn đề kỹ thuật khác

Vẫn còn nhiều vấn đề khác liên quan đến việc sử dụng một tòa NCT. Một trong hai tháp của WTC New York trước đây có 99 buồng thang máy, nhưng với một ngôi nhà 200 tầng thì phải có ít nhất là ba lần nhiều hơn: thang máy hai tầng giống như xe buýt hai tầng, phục vụ hai tầng nhà cùng một lúc. Sẽ có hệ thang máy cực nhanh với vận tốc 700 m/phút, dừng ví dụ tại các tầng 25, 50, 75... Từ đó việc chuyển sang các tầng lân cận được thực hiện bởi hệ thang khác có vận tốc nhỏ hơn.

Nhưng việc tăng vận tốc lại gây ra các chứng bệnh về áp huyết, chóng mặt, ù tai... nhất là khi trời lạnh. Vì thế trong các buồng thang phải luôn có một mức áp suất nhất định - không đổi giống như trên máy bay, điều này thật không đơn giản, vì cửa luôn đóng mở. Nỗi sợ về hỏa hoạn chỉ được giải quyết với việc tạo ra các "vùng chịu lửa" cứ mỗi 20 tầng một. Bởi trong trường hợp có báo động, hàng chục vạn người trong một ngôi NCT không thể chạy cùng một lúc qua cửa chính, nhưng họ có thể trú vào những vùng đặc biệt - có khả năng chịu được chừng 3 tiếng đồng hồ chống lại khói và lửa - đợi những nhóm cứu hộ tới...

Vấn đề xã hội

Sau khi "bất ngờ"được dựng lên, NCT - siêu cao sẽ gặp ngay những đề xã hội nan giải cố hữu. Giao thông qua lại trong khu vực sẽ tăng lên đột biến ngay, sinh ra các vấn đề về nạn kẹt xe cùng mức ô nhiễm. Sự cung cấp nước sinh hoạt cũng là cả một vấn đề đáng nói đến, khi lấy ở đâu ra lượng nước khổng lồ và làm thế nào để hệ thống đường ống chịu được dưới một áp suất "quỷ quái"? Mối lo còn lan tới cả ngành hàng không. Ban lãnh đạo sân bay quốc tế J.F. Kennedy luôn đòi Hội đồng thành phố New York không nên giải quyết cấp phép cho những NCT - siêu cao mới, vì như thế sẽ gây nguy hiểm cho các máy bay cũng như trực thăng.

Và điều cuối cùng, sẽ tìm được những người muốn ngụ trong những ngôi nhà "vút tầng mây" như thế không - nơi mà tiền thuê của các văn phòng đã không bù đắp được cho các chi phí xây cất? Siêu tỉ phú D. Trump từng nhận định: "Ở Mỹ tất cả mọi người đều muốn làm cái gì đó không bình thường, nhưng không ai dám làm điều quái quỷ là sống trong ngôi nhà cao nhất thế giới!".

Theo Người lao động
  • 742