Siêu hố đen gần Trái đất nhất phát sáng mạnh

  •  
  • 1.827

Hố đen siêu khối lượng ở trung tâm dải Ngân Hà nuốt nhiều vật chất hơn và phát sáng bất thường.

Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân hố đen siêu khối lượng nuốt lượng khí và bụi vũ trụ lớn hơn nhiều so với trước đây, Independent hôm 14/9 đưa tin. Ban đầu, họ cho rằng mình đang vô tình quan sát một ngôi sao khác. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ hơn, họ nhận thấy hố đen đang hoạt động bất thường.


Hố đen siêu khối lượng ở trung tâm dải Ngân Hà phát sáng mạnh. (Ảnh: Futurism).

"Chúng tôi chưa từng gặp điều gì như thế trong 24 năm nghiên cứu siêu hố đen này. Nó khá yên tĩnh và "ăn uống" chừng mực", Andrea Ghez, giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học California Los Angeles, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Phân tích hơn 13.000 hình ảnh của hố đen, nhóm chuyên gia nhận thấy nó sáng gấp đôi hôm 13/5 và hoạt động bất thường hai đêm khác trong năm nay.

Hố đen siêu khối lượng này không nguy hiểm với Trái đất. Nó cách xa 26.000 năm ánh sáng và bức xạ phát ra phải mạnh gấp 10 tỷ lần mới có khả năng ảnh hưởng đến Trái Đất.

Loại ánh sáng mà họ quan sát được thường đến từ bức xạ phát ra khi hố đen nuốt khí, bụi vũ trụ. "Câu hỏi đặt ra là, hố đen đang bước vào một giai đoạn mới, ví dụ như vòi khóa được vặn ra và lượng khí lọt vào tăng lên trong thời gian dài, hay đây chỉ là những đợt sáng từ vài khối khí lạ bị nuốt", Mark Morris, giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học California Los Angeles, nói.

Việc hố đen sáng khác thường có thể do một ngôi sao tiến đến sát hố đen vào hè năm ngoái, khối mây G2 đi qua gần hố đen năm 2014, hoặc do các tiểu hành tinh lớn.

Nhóm nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi và hy vọng những hình ảnh mới sẽ giúp tìm ra đáp án. Điều này cũng có thể giúp họ hiểu thêm về quá trình phát triển và sự ảnh hưởng của hố đen đến vũ trụ.

Cập nhật: 18/09/2019 Theo VnExpress
  • 1.827