Siêu máy ảnh 3.200 MP, chụp được quả bóng golf cách 24km

  •   3,45
  • 2.998

Nó sẽ được lắp trên sườn núi tại Chile, thực hiện nhiệm vụ chụp khoảng 20 tỷ thiên hà trong vòng 10 năm tới.

Chiếc máy ảnh dự định đặt tại Đài quan sát Vera C. Rubin (Chile) đã chụp bức ảnh đơn đầu tiên trên thế giới có độ phân giải 3.200 MP, thiết lập một thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nhiếp ảnh kỹ thuật số và khám phá không gian.


Chiếc máy ảnh với cảm biến khổng lồ được dùng vào mục đích chụp ảnh thiên hà. (Ảnh: Slashgear).

Theo các chuyên gia phát triển dự án, bộ cảm biến mạnh mẽ cho ra hình ảnh độ phân giải lớn đến mức thấy rõ một quả bóng golf từ khoảng cách 24 km.

Khi hoàn thiện, nó sẽ trở thành chiếc máy ảnh khổng lồ mang tên Khảo sát Di sản Không gian và Thời gian (LSST), sau đó được lắp đặt tại Đài quan sát Vera C. Rubin ở Chile, phục vụ mục đích chụp ảnh không gian độ phân giải cực cao trong vòng 10 năm tới. Vài đêm nó sẽ chụp lại một bức ảnh panorama toàn bộ bầu trời.

Trong thông báo hôm 8/9, Phòng Thí nghiệm Gia tốc Quốc gia SLAC tuyên bố LSST vừa chụp được bức ảnh đầu tiên trên thế giới có độ phân giải 3.200 MP. Hình ảnh thu được lớn đến mức cần 378 màn hình 4K UHD để hiển thị đầy đủ. Công nghệ hình ảnh này sẽ mở ra khả năng quan sát không gian tốt hơn, giúp các nhà thiên văn hiểu thêm về vũ trụ xung quanh chúng ta.

Giống như máy ảnh dân dụng, LSST hoạt động bằng cách chuyển đổi ánh sáng nhìn thấy được phản xạ bởi các vật thể thành tín hiệu điện. Sự khác biệt nằm ở phạm vi chụp và chi tiết bên trong. Nó có thể chụp ảnh độ phân giải gấp 189 lần so với máy ảnh 16 MP.

LSST có thể chụp rõ một quả bóng golf từ khoảng cách 24km.
LSST có thể chụp rõ một quả bóng golf từ khoảng cách 24km. (Ảnh: Slashgear).

Để làm được việc này, các nhà nghiên cứu xếp cảm biến thành một lưới rộng khoảng 61cm vuông và đặt trong tủ lạnh để hạ nhiệt độ xuống mức 150 độ C.

Bức ảnh 3.200 MP đóng vai trò như bài kiểm tra khả năng hoạt động bình thường và tái tạo hình ảnh kỹ thuật số ở độ phân giải siêu cao của LSST. Đến năm 2021, camera sẽ được lắp ráp hoàn chỉnh và thử nghiệm một lần nữa trước khi đặt trên đỉnh núi Cerro Pachón ở Chile.

Steven Ritz, nhà khoa học của dự án nói rằng những hình ảnh do LSST thu thập được sẽ giúp chúng ta mở rộng hiểu biết về các thiên hà, cũng như vật chất và năng lượng tối.

“Những dữ liệu này sẽ nâng cao hiểu biết của chúng ta về cách các thiên hà phát triển theo thời gian, cho phép kiểm tra mô hình vật chất tối và năng lượng tối một cách sâu sắc, chính xác hơn”.

Cập nhật: 10/09/2020 Theo Zing
  • 3,45
  • 2.998