Sinh viên Trung Quốc chế tạo thiết bị sản xuất 80 giờ điện chỉ từ một thìa đường

  •  
  • 2.863

Hệ thống này có thể sản xuất một dòng điện ổn định và không phụ thuộc vào thời tiết hay địa điểm.

Sản xuất 80 giờ điện chỉ với 1 muỗng đường

Một nhóm các sinh viên đến từ Trung Quốc mới đây đã chế tạo thành công một thiết bị gọi là tế bào nhiên liệu vi khuẩn (Microbial Fuel Cell-MFC). Trong thiết bị này chứa 3 chủng vi khuẩn là E. coli, Shewanella và B. subtilis. Điều đặc biệt ở chỗ chỉ cần cho lũ vi khuẩn ăn một muỗng đường, chúng có thể sản sinh ra một dòng điện ổn định suốt 80 giờ.


Tế bào nhiên liệu vi khuẩn -MFC chế tạo bởi các sinh viên Trung Quốc.

Trong một bài phỏng vấn với Reuters, Ling Wei, trưởng nhóm nghiên cứu trẻ, đồng thời đang là một sinh viên kỹ thuật dược tại Đại học Thiên Tân nói:

“Thiết bị mà chúng tôi chế tạo đặc biệt mới. Mặc dù trước đây, tế bào nhiên liệu vi khuẩn (MFC) đã được nghiên cứu rất nhiều, chưa ai thử kết hợp 3 loại vi khuẩn một lúc. Bằng cách này, chúng tôi đã có thể tạo ra một dòng điện ở mức độ tốt hơn”.

Ling cũng nhấn mạnh rằng, so với khai thác năng lượng điện từ sức gió, sức nước và năng lượng mặt trời, hệ thống vi khuẩn của họ sản xuất một dòng điện ổn định hơn và không phụ thuộc vào thời tiết hay địa điểm. Với những ưu thế này, phương pháp này hứa hẹn một tiềm năng ứng dụng quy mô lớn trong tương lai.

Sinh viên Trung Quốc chế tạo thiết bị sản xuất 80 giờ điện chỉ từ một thìa đường
Nguyên lý tạo dòng điện từ một thiết bị MFC.

Trong khi đó, Liu Yeu, một kỹ sư sinh hóa đang làm việc tại Đại học Thiên Tân, cố vấn của nhóm nghiên cứu thận trọng hơn. Cô nói rằng họ phải đạt được một hiệu suất cao hơn nữa mới có thể hiện thực hóa tiềm năng ứng dụng của thiết bị này.

“Chúng tôi hy vọng rằng có thể thu nhỏ kích thước của thiết bị MFC này hơn nữa. Bên cạnh đó phải tăng sản lượng điện lối ra. Chỉ có như vậy, thiết bị mới có cơ hội để trở thành một nguồn sản xuất năng lượng mới cho tương lai. Nó có thể thay thế các pin lithium mà chúng ta đang sử dụng hiện nay”, Liu nói.

Dự án nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Thiên Tân đã giành giải cao nhất tại International Genetically Engineered Machine (iGEM) Competition năm 2015.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.863