Số phận bản thảo Archimedes

  •  
  • 1.114

Hành trình bản thảo của khoa học gia vĩ đại Archimedes là một trong những câu chuyện kỳ thú nhất lịch sử khoa học. Trong 2.000 năm, tài liệu này từng bị "ngược đãi", bị xé toạc và bỏ phế cho bụi bặm thời gian. Bây giờ, một nhóm sử gia Mỹ đang hồi sinh nó...

Khi đoàn quân La Mã đến Sicily và sau đó đánh chiếm thành Syracuse (thời điểm đó thuộc người Hy Lạp), một người lính La Mã bất ngờ gặp một ông già ngồi bình thản, bất chấp chiến sự xung quanh, hí hoáy vẽ hình học và phương trình toán học trên cát. “Đừng làm hỏng những vòng tròn này nghe” - ông cụ nói.

Tuy nhiên, tên lính đánh thuê La Mã không chỉ làm hỏng những hình tròn trên cát mà còn giơ kiếm chém chết ông cụ! Ít nhất đó là truyền thuyết khá phổ biến về cái chết của Archimedes. Sự thật lịch sử lại khác.

Được giao trách nhiệm nghiên cứu hệ thống pháo binh cho Hieron II (Vua Syracuse từ năm 270-215 TCN), Archimedes từng đóng vai trò quan trọng trong khoa học quân sự thời Syracuse bị chiếm đóng với nhiều sáng chế ngoạn mục. Ông đã phát minh loại dàn ná cực mạnh có thể nã thủng tàu chiến kẻ thù bằng đạn đá. Ông cũng sử dụng gương to hội tụ ánh sáng giúp thiêu rụi đoàn tàu chiến La Mã. Nhờ ông, sự kháng cự của Sicily kéo dài được hơn 2 năm.

Năm 73 tuổi, Archimedes bị La Mã giết. Cái chết của ông - theo cách nói mỉa mai của triết gia nổi tiếng người Anh Paul Strathern - là “đóng góp tiên quyết duy nhất của La Mã cho nền toán học!”. Khó có thể kể hết khám phá nền tảng cho toán học nói riêng và khoa học nói chung của Archimedes (285-212 TCN), người từng đi vào lịch sử văn minh nhân loại với câu nói lừng danh “Eureka” (Tôi đã phát hiện).


(Ảnh: Malaspina.edu)

Thật không may, nhiều tài liệu viết trên da dê về những công trình của Archimedes đã thất lạc, trong khi phần còn lại được viết lại bằng tiếng Arập và Latinh. Phải mất rất nhiều thời gian, người ta mới phát hiện bản thảo gốc Hy Lạp của Archimedes...

Năm 1906, Giáo sư người Đan Mạch Johan Ludvig Heiberg (1854-1928), khi nghiên cứu nhiều tài liệu Hy Lạp cổ, nhận thấy một tập da dê gồm các câu kinh nguyện viết vào thế kỷ XIII lại có kèm thêm một văn bản cũ hơn viết vào thế kỷ X. Sau khi nghiên cứu cẩn thận, Heiberg khẳng định rằng đó là một trong những tài liệu chưa từng biết, ghi chép nhiều công trình của Archimedes (không lâu sau, tài liệu được nhà toán học - sử gia lừng danh người Anh Thomas Heath, 1861-1940, dịch sang tiếng Anh).

Theo website chuyên về bản thảo Archimedes (archimedespalimpsest.org), cùng với sự thăng hoa của đế quốc Byzantine vào giai đoạn thế kỷ IX - X, khi khoa học được đề cao và cổ xúy, việc sao chép tài liệu khoa học cổ, trong đó có công trình Archimedes bắt đầu bùng nổ. Đó hẳn là thời gian mà bản thảo da dê Archimedes hình thành (năm 2002, dùng kỹ thuật tia cực tím, Giáo sư John Lowden tại Viện Courtauld thuộc Đại học London đã giải mã được một trang cuối của tài liệu trong đó có ghi ngày là 13/4/1229).

Cho đến trước khi được phân loại bởi học giả Hy Lạp Papadopoulos-Kerameus vào năm 1899, tập sách da dê vẫn được xem là bộ sách kinh. Theo Der Spiegel (22/6/2007), một nhà chép sử cho triều đình Byzantine hẳn đã viết bộ sách da dê trong đó có ghi lại công trình Archimedes vào khoảng năm 950.

Năm 1229, một tu sĩ dùng tập bản thảo da dê để “tái chế” nhằm có thể sử dụng lại. Dùng miếng bọt biển và nước chanh, ông ta chà trang sách da dê cho hết mực, cắt những trang sạch làm đôi rồi đóng lại thành quyển sách mới, dùng để viết kinh và nghi thức hành lễ (không chỉ tài liệu Archimedes, bộ sách da dê nguyên thủy còn có 10 trang viết của Hyperides - nhà hùng biện lừng danh sống tại Athens khoảng năm 350 TCN; cũng như một số trang viết về triết gia Aristotle).

Tập bản thảo Archimedes tại Viện bảo tàng nghệ thuật Walters. (Ảnh: msn/ap)

Cũng trong thời gian Trung cổ, tập sách da dê được mang đến tu viện Chính thống giáo Hy Lạp St. Savvas gần Jerusalem. Giữa thế kỷ XIX, sau khi kinh qua hai địa điểm nữa, nó được chuyển đến Constantinople (nơi từng là trung tâm của đế quốc Byzantine trước khi thành phố này rơi vào tay người Ottoman năm 1453; cũng như là cái nôi của Giáo hội Chính thống giáo).

Thế rồi, gần như chẳng ai biết bộ bản thảo Archimedes lưu lại nơi đâu, cho đến năm 1923, khi nó nằm trong vali của doanh nhân Marie Louis Sirieix, người cho biết mình mua tập bản thảo từ một tu sĩ (thực hư chuyện này thế nào vẫn là một bí ẩn bởi Sirieix không thể chứng minh bằng biên lai mua bán hoặc giấy tờ tương tự). Khi Sirieix mất năm 1956, tập bản thảo Archimedes vẫn được giấu kỹ trong tầng hầm nhà ông tại Paris. Bị ảnh hưởng khí hậu ẩm mốc và thời gian, bộ bản thảo Archimedes bị hư hỏng nặng, trông còn tệ hơn đống giấy lộn!

Thập niên 70 thế kỷ XX, với ý định biến bộ bản thảo Archimedes thành kho vàng, con gái Sirieix in 200 quyển sách viết về bộ tài liệu cổ và âm thầm đến các viện bảo tàng tại châu Âu và Mỹ để giới thiệu và rao bán.

Cuối cùng, ngày 29/10/1998, tại nhà đấu giá Christie's, bộ bản thảo Archimedes - được đặt tên “Eureka 9058” - được mang ra đấu giá. Trước đó vài ngày, một giáo sĩ tại Jerusalem từng cố ngăn cản phiên đấu giá nhưng bất thành.

Tại phiên đấu giá, viên Tổng lãnh sự Hy Lạp tại New York cũng nỗ lực mua lại bộ bản thảo Archimedes, bởi ông xem nó là một phần di sản văn hóa quốc gia mình nhưng đành chịu thua ở mức giá 1,9 triệu USD.

Cuối cùng, bộ bản thảo Archimedes được bán với giá 2,2 triệu USD, cho “một tỉ phú thuộc công nghiệp máy tính” giấu tên (đến nay người mua bí mật này vẫn chưa lộ diện nhưng một số nhân vật trong cuộc am hiểu thì tin rằng đó chính là Jeffrey Bezos, người sáng lập trang web mua bán trực tuyến Amazon.com).

Sau đó, người mua đã cho Viện Bảo tàng nghệ thuật Walters (Baltimore, Maryland) mượn. Tại đây, bộ bản thảo được nghiên cứu bằng kỹ thuật hiện đại để làm lộ ra vết mực bị tẩy từ thời Trung cổ. Nhiều hình vẽ hình học cùng các phương pháp toán học đã hiện ra dưới ánh sáng của tia cực tím và người ta bây giờ đã có thể khẳng định chắc rằng đó là tài liệu cổ viết về những công trình đồ sộ của khoa học gia đại tài Archimedes. Tháng 9/2007, bản in hiện đại toàn bộ bản thảo Archimedes sẽ được ấn hành...

Lê Thảo Chi

Theo An ninh thế giới, Tintuconline
  • 1.114