Nói đến xác ướp, người ta nghĩ ngay đến kim tự tháp và các kỹ thuật bảo quản thi hài của người Ai Cập.
Tuy nhiên, một số nền văn hóa khác trên thế giới cũng có những phương pháp giúp thi hài tồn tại trong nhiều thế kỷ. Đáng chú ý là Nhật Bản, với kỹ thuật ướp xác khi còn sống đầy bí ẩn.
Xác ướp của các nhà sư tồn tại hàng thế kỷ.
Mặc dù, khí hậu Nhật Bản không hoàn toàn thuận lợi cho việc ướp xác, nhưng bằng cách nào đó, một số vị tu hành thuộc phái Shingon đã khám phá ra cách tự ướp xác thông qua quá trình luyện tập khổ hạnh. Từ năm 1081 - 1903, khoảng 20 nhà sư ở Nhật Bản đã tự ướp xác khi còn sống. Quá trình này được gọi là Sokushinbutsu, với nghĩa “trở thành Phật trong cơ thể nhà sư”.
Nhiều nền văn hóa cũng đã thực hành ướp xác, không riêng gì Ai Cập và Nhật Bản. Vấn đề đặt ra là vì sao người ta lại muốn lưu giữ cơ thể sau khi chết? Câu trả lời được tìm thấy trong tín ngưỡng của nhiều tôn giáo trên thế giới. Theo đó, một xác chết bất diệt được xem là biểu tượng của sức mạnh thần thánh.
Việc ướp xác ở Ai Cập dành cho hoàng gia thể hiện cho quyền lực của những nhà cai trị. Nhiều người tin rằng, ướp xác là một nghi lễ quan trọng để giúp linh hồn người quá cố vượt qua cõi âm. Việc phát hiện ra các lọ đựng vật dụng thiết yếu như thực phẩm, quần áo và thậm chí cả đồ trang sức trong các lăng mộ ở Ai Cập cùng với các xác ướp là bằng chứng.
Tuy nhiên, điều này rất khác so với tập quán ướp xác ở Nhật Bản. Bởi vì, các nhà sư ở đây tự ướp xác khi họ còn sống, với ý chí và lòng can đảm vô biên.
Đại sư Kukai, người sáng lập giáo phái bí truyền Shingon.
Việc thực hành Sokushinbutsu được khởi xướng từ Kukai, một nhà sư sống vào thế kỷ thứ 9 và là người sáng lập trường phái Phật giáo Shingon bí truyền vào năm 806 Công nguyên.
Theo một tài liệu về Kukai xuất hiện vào thế kỷ 11, ngài không hề chết vào thời điểm qua đời (năm 835 CN), mà tự vào lăng mộ của mình, thiền định sâu và tụng niệm. Truyền thuyết kể rằng, Kukai sẽ tái xuất hiện trong 5,67 triệu năm nữa và dẫn dắt một số linh hồn hướng tới sự cứu rỗi.
Các nhà sư thực hành nghi lễ ướp xác sống xem đây là một hành động hy sinh cho nhân loại. Theo họ, ướp xác sống sẽ đưa con người đến con đường trở thành Phật trong cơ thể mà họ nhận được trong đời này.
Nhiều người tin rằng, nghi lễ trên còn cho phép các nhà sư đến Thiên đường Tusita, sống trong 1,6 triệu năm và có sức mạnh để bảo vệ loài người trên hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, chỉ một số vị thành công trong khi thực hành nghi lễ này, sau khi trải qua một quá trình vô cùng gian khó, thường kéo dài hơn 3 năm.
Chủ động đón nhận cái chết, cả việc chuẩn bị trước 3 năm cho thân thể không bị hủy hoại cần nơi người thực hiện sự kiên trì và lòng can đảm. Các nhà sư thực hành Sokushinbutsu sẽ phải trải qua một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, không dùng ngũ cốc, loại bỏ lúa mì, gạo, kê và đậu nành.
Thay vào đó, họ sẽ ăn những thứ như quả hạch, quả mọng, lá thông, vỏ cây và nhựa cây (đó là lý do vì sao chế độ ăn kiêng của Sokushinbutsu được gọi là mokujikyo, hay “ăn cây”).
Trong phạm vi tâm linh, chế độ ăn uống này nhằm mục đích nâng cao sức mạnh tinh thần, đồng thời giúp người thực hiện ngày càng rời xa thế giới của loài người. Chế độ ăn kiêng và nghi thức thiền định của các nhà sư sẽ loại bỏ độ ẩm, chất béo và cơ bắp. Những thay đổi này ở cơ thể sẽ chống lại sự phân hủy ngay cả sau khi chết.
Nhiều nhà sư hoàn thành chu kỳ nghìn ngày với chế độ ăn kiêng mokujikigyo. Tuy nhiên, cũng có một số vị muốn thực hiện hai, thậm chí ba chu kỳ mới cảm thấy sự chuẩn bị đã đầy đủ.
Trong giai đoạn cuối của quá trình Sokushinbutsu, các nhà sư ở trong một ngôi mộ khóa kín. Sự liên hệ duy nhất của họ với thế giới bên ngoài là một ống dẫn khí nhỏ bằng tre và một chiếc chuông. Họ rung chuông mỗi ngày để những người bên ngoài biết họ vẫn còn sống.
Nếu không có tiếng chuông, có nghĩa là nhà sư đã chết trong trạng thái thiền định, khi niệm thần chú về Đức Phật hay còn gọi là nenbutsu. Lúc đó, ống dẫn khí sẽ được tháo và ngôi mộ được niêm phong. Sau một nghìn ngày, người ta khai quật mộ để xem thi thể có bị phân hủy hay không. Nếu thi thể vẫn còn nguyên vẹn, tức là người quá cố đã đạt đến
Sokushinbutsu, sẽ được mặc áo choàng và đưa đến một ngôi đền để thờ cúng. Còn nếu xác chết có dấu hiệu phân hủy, các đệ tử sẽ thực hành nghi lễ trừ tà, sau đó niêm phong hầm mộ lần nữa và nhà sư sẽ yên nghỉ nơi đây vĩnh viễn.
Nhiều xác ướp Sokushinbutsu đã được tìm thấy ở miền Bắc Nhật Bản có tuổi đời hàng thế kỷ và được rất nhiều tín đồ sùng kính.
Tự ướp xác này được thực hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 11 cho đến thế kỷ 19. Năm 1877, Thiên hoàng Minh Trị quyết định chấm dứt hình thức “tự sát” trên. Một luật mới đã được ban hành cấm mở ngôi mộ của một người đã thực hành Sokushinbutsu. Tuy nhiên, nghi thức này vẫn tiếp tục, dù rất ít, cho đến thế kỷ 20.
Nhà sư cuối cùng thực hành sokushinbutsu một cách bất hợp pháp vào năm 1903 là Bukkai. Năm 1961, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku đã khai quật ngôi mộ của ngài, thi thể hầu như còn nguyên vẹn. Hiện, xác ướp đang an nghỉ tại Kanzeonji, một ngôi chùa Phật giáo xây dựng hồi thế kỷ thứ 7 ở Tây Nam Nhật Bản.
Nổi tiếng nhất về Sokushinbutsu là Daijuku Bosatsu Shinnyokai-Shonin, nhà sư đã tự ướp xác mình ở tuổi 96 vào năm 1783. Xác ướp của ngài hiện ở đền Ryusui-ji Dainichibou, thuộc thành phố Tsuruoka, tỉnh Yamagata. Phần lớn, các nhà sư đã trải qua quá trình tự ướp xác gần ngôi đền linh thiêng này.