"Sóng thần" mây cuộn trào trên bầu trời Mỹ

  •  
  • 1.242

Một cư dân ở bang Virginia, Mỹ, trông thấy đám mây như sóng thần ồ ạt xô nhau trên đỉnh núi giống hình vẽ trong kiệt tác của Van Gogh.

Mây gợn sóng Kelvin-Helmholtz trên đỉnh núi Smith.
Mây gợn sóng Kelvin-Helmholtz trên đỉnh núi Smith. (Ảnh: CBS).

Amy Hunter bắt gặp khung cảnh trông như một bức họa siêu thực khi nhìn lên bầu trời phía trên núi Smith ở bang Virginia, Mỹ, hôm qua. Từng gợn mây cuộn trào như sóng thần chực ập xuống trên nền trời. Đám mây tạo thành hình ngọn sóng hoàn hảo, giống như thể có một biển nước trong không trung.

Hunter chụp hình đám mây kỳ lạ và chia sẻ trên trang Facebook chuyên đăng ảnh chụp núi Smith. Phần lớn bình luận của người dùng mạng đều cho biết họ chưa bao giờ trông thấy hiện tượng này. Đó là sóng Kelvin-Helmholtz, xảy ra khi biến dạng vận tốc xuất hiện trong một chất lỏng liên tục, hoặc khi có sự khác biệt tốc độ qua giao diện giữa hai chất lỏng.

Bức tranh "Đêm đầy sao" của Van Gogh.
Bức tranh "Đêm đầy sao" của Van Gogh. (Ảnh: CBS).

Một ví dụ của sóng Kelvin-Helmholtz là gió thổi trên mặt nước, gió gây ra chuyển động tương đối giữa các lớp phân tầng là nước và không khí. Sự bất ổn định sẽ biểu hiện ở dạng sóng được tạo ra trên bề mặt nước. Các sóng này có thể xuất hiện trong nhiều chất lỏng khác nhau và khí quyển.

Đám mây Hunter nhìn thấy là kết quả khi hai lớp không khí với mật độ khác nhau di chuyển ở tốc độ khác nhau. Chúng gặp nhau ở một lớp khác và trở nên không bền vững do thay đổi tốc độ. Chuyển động trên tạo thành hoa văn hình sóng xoáy cuộn.

Mây gợn sóng được đặt theo tên Nam tước Lord Kelvin của Scotland, người đã cùng nhà vật lý học Đức, Hermann Helmholtz, đưa ra giải thích chuẩn xác nhất về hiện tượng. Sóng Kelvin-Helmholtz được cho là đã truyền cảm hứng cho Van Gogh sáng tác bức tranh nổi tiếng "Đêm đầy sao".

Cập nhật: 21/06/2019 Theo VnExpress
  • 1.242