Sử dụng đồng và bạc để ngăn ngừa nhiễm khuẩn từ bệnh viện

  •  
  • 200

Một số khoa chăm sóc đặc biệt thuộc các bệnh viện ở New York và South Carolina sẽ được trang bị dụng cụ làm bằng đồng. Đây là một phần của dự án kiểm nghiệm liệu những loại virus kháng thuốc có bị tiêu diệt bằng chất đồng thay vì thép không rỉ thường được sử dụng trong bệnh viện hay không.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh của Mỹ, mỗi năm có khoảng 1.7 triệu người Mỹ bị lây nhiễm từ bệnh viện và khoảng 100.000 người trong số này thiệt mạng. Các nhà khoa học vẫn luôn yêu cầu tình trạng vệ sinh của bệnh viện được cải thiện để kiểm soát sự lây lan từ bệnh viện nhưng những công ty sản xuất thiết bị y tế đang tìm cách ngăn chặn tình trạng này bằng những lớp mạ dụng cụ chống khuẩn.

Vào tháng 11 năm 2007, Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA) đã chấp nhận cho một loại ống thở mạ bạc, kim loại vốn được xem là có tính kháng khuẩn, được lưu hành trên thị trường.

Theo FDA, những bệnh nhân phải sử dụng ống thở có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi rất cao. Trong một cuộc nghiên cứu được tiến hành ở nhiều bệnh viện, 7.5% những bệnh nhân thường xuyên phải dùng ống thở bị viêm phổi trong khi con số này ở những bệnh nhân dùng ống thở Argento mới của công ty C. R. Bard chỉ có 4.8%.

Cũng vào mùa thu vừa qua. Baxter HealthCare Corp. thông báo FDA đã cấp phép cho một loại ống dẫn tiểu mới được phủ bạc với hy vọng chất này sẽ ngăn cản sự tập trung của vi khuẩn ở cơ quan nối trực tiếp với đường máu này.

Khả năng kháng khuẩn của đồng

Trong một cuộc nghiên cứu của Anh xuất bản vào năm trước, khuẩn tụ cầu kháng thuốc có thể tồn tại trên những đĩa thép không rỉ ở nhiệt độ thường trong 3 ngày nhưng lại không thể sống sót quá 90 phút trên bề mặt đồng nguyên chất.

Một cuộc nghiên cứu mới của Copper Development Association do chính phủ tài trợ đang áp dụng phát hiện trên vào việc thử nghiệm trong môi trường thực với 3 loại vi khuẩn: tụ cầu, khuẩn cầu ruột và vi khuẩn dịch hạch.

Tiến sĩ Kent Sepkowitz, trưởng nhóm nghiên cứu của Sloan – Kettering, giải thích quá trình thí nghiệm như sau: Đầu tiên các nhà nghiên cứu cho tẩy rửa lại các phòng của khoa Chăm sóc đặc biệt ở nhiều bệnh viện như Trung tâm điều trị ung thư Memorial Sloan-Kettering, Đại học Y South Carolina và Trung tâm Y tế Cựu chiến binh Charleston để phát hiện nơi tập trung vi khuẩn. Sau đó các bệnh viện sẽ cho đồng vào những bề mặt dễ bám khuẩn và theo dõi kết quả của sự thay đổi này.

Theo Sepkowitz, sử dụng đồng khá tốn kém nhưng sẽ tiết kiệm được chi phí do nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra.

Tuệ Minh (Theo PhysOrg, AP)
  • 200