Tại sao chúng ta bị thốn khi nhìn thấy người khác đau?

  •  
  • 268

Nếu các bạn từng cảm thấy thốn thốn khi nhìn thấy người khác bị đau, thậm chí là khi thấy họ bị đau qua video clip chứ không thấy trực tiếp, thì đó là phản ứng hoàn toàn bình thường của cơ thể mà ai cũng từng trải qua. Hiện tượng này được gọi là sự đồng cảm với nỗi đau của đồng loại, tiếng Anh là Pain empathy.

Trên mạng có nhiều bài viết y khoa mang tính học thuật về hiện tượng này, các bạn có thể đọc ở đây và ở đây. Bài viết này lược dịch các ý tóm tắt trên Wikipedia cùng với ở đây và ở đây cho các bạn dễ đọc, dễ hiểu, mời các bạn cùng xem.

Sự cộng hưởng (của nỗi đau)

Khi chúng ta cùng cảm thấy sự đau đớn của người khác khi thấy họ bị đau, hiện tượng này đối với não bộ của chúng ta gọi là sự cộng hưởng, nó sẽ kích thích chúng ta cảm thấy “đau” khi thấy một ai đó bị đau.

Có 2 vùng trong bộ não của chúng ta chịu trách nhiệm cho việc cộng hưởng nỗi đau này, đó là hồi trán dưới và thùy đỉnh dưới.

Từ kinh nghiệm bản thân

Trong chúng ta ai cũng từng trải qua nhiều nỗi đau khác nhau, có thể là đau do vết đứt tay, có khi là cái đau rát của trầy xướt sau khi bị té. Những nỗi đau này được chắt lọc lại thành kinh nghiệm bản thân và khi chúng ta nhìn thấy ai đó bị đau, não bộ chúng ta sẽ tự liên tưởng lại nỗi đau đó và chúng ta cảm thấy thốn thốn, đau đau.

Sự đồng cảm, cộng hưởng khi thấy người khác đau càng chân thực hơn khi bản thân chúng ta đã từng trải qua nỗi đau tương tự. Ví dụ các bạn té xe sẽ biết bị đau như thế nào, khác với đau răng ra sao, vì vậy khi thấy người khác bị té xe, chúng ta cũng cảm thấy thốn ở những vị trí tương tự họ, chứ không phải là đau ở răng hay đau bao tử.

Các thành phần trong não chúng ta chịu trách nhiệm cho việc này là vỏ não dưới, vỏ não sau và vỏ não trước, đường giao thái dương, rãnh thái dương.

Các thành phần trong não chúng ta chịu trách nhiệm cho việc này là vỏ não dưới
Các thành phần trong não chúng ta chịu trách nhiệm cho việc này là vỏ não dưới. (Ảnh minh họa).

Qua biểu cảm khuôn mặt của người bị đau

Phản ứng đau đớn hiện diện trên mặt người bị đau cũng góp phần kích thích cảm giác bị đau ở chúng ta. Nói sao nhỉ, nếu các bạn từng ngáp theo khi thấy một ai đó ngáp, thì nỗi đau cũng có thể “lan truyền” khi nhìn thấy biểu cảm đau đớn trên gương mặt họ.

Một nghiên cứu đã đo hoạt động của não bộ và sự co giãn cơ mặt của các tình nguyện viên khi cho họ xem các đoạn clip về người khác bị đau, sau đó phân biệt với các clip thể hiện sự vui tươi, hạnh phúc, cười đùa, sợ hãi vv. Kết quả cho thấy khi người bị đau thể hiện sự đau đớn trên gương mặt thì người nhìn thấy cũng cảm thấy bị đau theo, sự phản ứng này sẽ tăng lên theo khoảng thời gian, từ 600ms tới 1s.

Chụp cộng hưởng từ.
Chụp cộng hưởng từ.

Ma trận nỗi đau (the Pain Matrix)

Một nghiên cứu sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) được thí nghiệm trên 16 cặp đôi để đo các hoạt động não bộ của họ. Mỗi người trong một cặp đôi sẽ bị kích thích đau đớn bằng điện, kích lên mu bàn tay của họ, trong khi người còn lại ngồi quan sát. Khi người bị kích thích đau đớn và người kia ngồi nhìn thấy họ đau đớn, kết quả fMRI cho thấy cả 2 đều có các hoạt động não giống nhauxuất hiện khi cơ thể đau đớn.

Một nghiên cứu khác sử dụng điện não đồ đã ghi lại hoạt động của não khi người tham gia thí nghiệm được xem các đoạn video bàn tay bị kim đâm chích. Điện não đồ cho thấy có sự gia tăng kích thích ở các vùng não trước, thái dương, đỉnh não, khi họ thấy người kia bị kim chích.

Dải gamma phản án hoạt động trong não lúc này dao động ở 50 - 70Hz, so với lúc bình thường là 40Hz. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng kết quả dao động dải gamma cao cho thấy sự đồng cảm với nỗi đau của người khác khi nhìn thấy họ bị đau.

Tại sao lại có sự đồng cảm nỗi đau?

Có ý kiến cho rằng sự đồng cảm với nỗi đau của người khác là kết quả của sự tiến hóa. Giả sử các bạn nhìn thấy một người khác leo cây và bị té từ trên cao xuống, bản thân các bạn cũng thấy thốn, thấy đau đau, từ đó não bộ cho chúng ta biết hành động đó nguy hiểm, có thể gây hại cho bản thân, để an toàn thì không nên làm theo.

Sự phân biệt đối xử của loài người khi chứng kiến người khác bị đau cũng phân chia theo sắc tộc.
Sự phân biệt đối xử của loài người khi chứng kiến người khác bị đau cũng phân chia theo sắc tộc.

Sự cộng hưởng và đồng cảm cũng có phân biệt đối xử

Các nhà khoa học cũng từng nghiên cứu sự phân biệt đối xử của loài người khi chứng kiến người khác bị đau, phân chia theo sắc tộc và truyền thống văn hóa.

Ví dụ, một nhóm người tham gia thử nghiệm là người da trắng, được cho xem những người da đen bị kim đâm vào tay thật đau. Rất may là phản ứng não bộ cho thấy họ vẫn đồng cảm cho người khác màu da với mình, chứ không có kiểu “đáng đời mày, vì mày da đen”.

Ngược lại, sự đồng cảm với nỗi đau có khác biệt khi tính tới yếu tố văn hóa. Thí nghiệm cho thấy nhóm người Châu Âu tham gia thử nghiệm sẽ cảm thấy đau hơn khi thấy người khác bị kim chích, khi so với nhóm khác là người Châu Á.

Có thể là vì văn hóa, người Châu Á sử dụng kim may nhiều hơn, hoặc có thể là bị gai đâm nhiều hơn, vì vậy phản ứng với nỗi đau đối với vật nhọn của họ cũng ít hơn so với người Âu Châu?

Thuốc an thần

Một thử nghiệm fMRI quy mô lớn trên 150 người (thông thường thí nghiệm fMRI chỉ thử trên 20 - 30 người mà thôi), chia ra làm nhiều nhóm:

Nhóm đầu tiên: Được cho uống 1 viên thuốc giảm đau, bác sĩ quảng cáo rằng đây là thuốc giảm đau đã được y tế phê duyệt, rất mắc tiền và có tác dụng giảm đau cực kì hiệu quả, mục đích là để người uống nghĩ rằng thuốc này hiệu quả. Nhưng thực ra họ được cho uống giả dược, không có tác dụng giảm đau.

Nhóm thứ 2: Cũng được cho uống giả dược nhưng quảng cáo là thuốc giảm đau đắt tiền bên trên. Tuy nhiên 15p sau đó, họ được cho uống viên thuốc thứ 2, bác sĩ nói viên thứ 2 này sẽ tăng cường tác dụng giảm đau của viên đầu tiên lên nhiều lần, tức là uống xong sẽ thành “mình đồng da sắt”, không còn thấy đau gì luôn. Trên thực tế, viên thuốc thứ 2 có tác dụng ngược lại: làm mất tác dụng giảm đau của viên thuốc đầu tiên, mặc dù viên đầu tiên là giả dược.

Sau khi chờ thuốc ngấm và có tác dụng, 2 nhóm bên trên sẽ được trộn lẫn với nhau và chia ra 2 nhóm mới, cùng tham gia thí nghiệm kích thích đau đớn lên mu bàn tay bằng điện.

Một nhóm sẽ bị chích điện lên tay, đồng thời được xem hình ảnh một người họ đã gặp trước đây, bị chích điện (giả bộ) lên mu bàn tay. Nhóm còn lại chỉ bị kích thích đau giả lên mu bàn tay. Người tham gia sẽ được hỏi về mức độ đau mà họ cảm nhận, đồng thời đưa ra thang điểm cơn đau.

Kết quả, 53 người cho biết họ cảm thấy thật sự đau, 49 người còn lại thấy thốn khi nhìn người khác đau. Những người được cho uống giả dược giảm đau cũng nói rằng họ thấy đau ít hơn sau khi uống thuốc, tức là thuốc giảm đau giả dược đã có tác dụng tinh thần đối với họ.

Trong thí nghiệm thứ 2, một nhóm 25 người được cho uống thuốc viên giảm đau giả dược đầu tiên, sau đó viên thứ 2 thực sự là thuốc hủy tác dụng của thuốc giảm đau. Kết quả, viên thứ 2 thực sự có tác dụng làm mất tác dụng của thuốc giảm đau (giả dược).

Sự vô cảm

Ngược lại với sự đồng cảm là vô cảm. Một người không cảm thấy đau đớn, không cảm thấy thốn thốn khi nhìn người khác bị đau, thì có thể họ bị chứng vô cảm, tức là không cảm thấy đồng cảm với nỗi đau của nhân loại.

Khi thấu hiểu được nỗi đau của người khác, dù chỉ nhìn qua hình ảnh, video, thì đa số chúng ta không có xu hướng làm đau người khác. Ngược lại, người vô cảm không có cảm giác này, vì vậy rất có thể họ sẽ muốn làm đau đồng loại, sát nhân giết người hàng loạt là một dạng này.

Những người mắc chứng tự kỉ, bị tâm thần phân liệt, đa nhân cách, có khả năng đồng cảm với nỗi đau của người khác thấp hơn so với người bình thường.

Cập nhật: 26/09/2023 Tinh Tế
  • 268