Tại sao chúng ta lại có hứng thú đặc biệt với những thứ có tính đối xứng?

  •   32
  • 2.310

Một cặp vận động viên bộ môn nhảy cầu đôi đang biểu diễn. Đôi cánh của một chú bướm. Trần vòng cung của một nhà thờ. Đó là một số thứ mà khi nhìn vào, hầu hết chúng ta cảm thấy rất thích mắt. Nhưng tại sao? Câu trả lời chắc hẳn là: tính đối xứng.

Hầu hết các vật thể trong thế giới thực đều có tính đối xứng, thể hiện rõ nhất trong tự nhiên: con sao biển hay các cánh hoa có hình dạng đối xứng xuyên tâm, tổ ong hình lục giác đối xứng, hay những họa tiết pha lê đối xứng độc đáo của một bông tuyết. Ngược lại, tính bất đối xứng thường bị xem là một dấu hiệu của bệnh tật hay nguy hiểm trong thế giới tự nhiên.

Hầu hết các vật thể trong thế giới thực đều có tính đối xứng
Hầu hết các vật thể trong thế giới thực đều có tính đối xứng.

Và tất nhiên, con người cũng là những sinh vật đối xứng, ít nhất là về mặt ngoại hình (một số cơ quan nội tạng như tim và gan không nằm ở vị trí trung tâm như các cơ quan khác). Nhiều công trình nghiên cứu về sự cuốn hút giới tính trong hàng thập kỷ qua đã chứng minh rằng cả đàn ông lẫn phụ nữ đều thừa nhận rằng những khuôn mặt có tính đối xứng trông sexy hơn những khuôn mặt bất đối xứng. Một lời giải thích phổ biến là đối xứng thể chất là dấu hiệu bên ngoài của sức khỏe tốt, dù các nghiên cứu trên quy mô rộng đã cho thấy không có sự khác biệt lớn về sức khỏe giữa những người có khuôn mặt đối xứng với những người có khuôn mặt bất đối xứng (bởi những điểm bất đối xứng nghiêm trọng về thể chất là dấu hiệu của rối loạn gene, nên nếu nói chúng là biểu hiện của sức khỏe yếu chỉ là suy diễn thái quá của bộ não con người mà thôi).

Vật thể và hình ảnh đối xứng là những thứ tuân theo những quy luật mà bộ não được "lập trình" để dễ nhận thấy.
Vật thể và hình ảnh đối xứng là những thứ tuân theo những quy luật mà bộ não được "lập trình" để dễ nhận thấy.

Lời giải thích đơn giản cho việc chúng ta bị cuốn hút bởi sự đối xứng là bởi nó quen thuộc. Các vật thể và hình ảnh đối xứng là những thứ tuân theo những quy luật mà bộ não của chúng ta được "lập trình" để dễ dàng nhận ra.

"Tôi khẳng định rằng tính đối xứng đại diện cho trật tự, và chúng ta khao khát trật tự trong vũ khí kỳ lạ mà chúng ta đang sống" – nhà vật lý học Alan Lightman viết trong cuốn sách "The Accidental Universe: The World You Though You Know" của ông. "Cuộc tìm kiếm sự đối xứng, và cảm xúc thỏa mãn chúng ta có được khi tìm ra, hẳn phải giúp chúng ta hiểu được thế giới quanh mình, giống như chúng ta thấy thỏa mãn khi chứng kiến sự lặp đi lặp lại của các mùa, hay sự đáng tin cậy của tình bạn. Tính đối xứng còn là kinh tế. Đối xứng là sự giản đơn. Đối xứng là sự sang trọng"

Một lời giải thích khác cho sự thỏa mãn mà chúng ta cảm nhận được khi thấy một tác phẩm nghệ thuật đối xứng sáng tạo, hay một những dãy kệ chứa đầy những lon súp được sắp chồng lên nhau một cách hoàn hảo trong cửa hàng tiện lợi, là: "những thứ" của bộ não chúng ta không thể tách rời khỏi "những thứ" của tự nhiên. Các nơ-ron và khớp thần kinh trong bộ não của chúng ta, và những quy trình chúng ta dùng để giao tiếp, kết nối, và gợi lên những suy nghĩ, phát triển song song với những ngôi sao và loài sao biển. Nếu tự nhiên có tính đối xứng, thì tâm trí của chúng ta cũng vậy.

"Kiến trúc của bộ não chúng ta được sinh ra từ cùng một quy trình thử-và-lỗi, cùng những nguyên lý năng lượng, cùng những công thức toán học thuần túy diễn ra trên các bông hoa, các con sứa, và các hạt Higgs" – Lightman nói.

Hãy nhìn hình ảnh này. Bạn thấy gì?
Hãy nhìn hình ảnh này. Bạn thấy gì?

Nếu hai mắt bạn vẫn hoạt động tốt, và bộ não bạn chưa gặp vấn đề gì, bạn sẽ noi đó là "một hình tam giác trắng sáng nằm đè lên một hình tam giác khác". Nhưng nhìn kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện ra rằng tất cả chỉ là một ảo ảnh thị giác – không có hình tam giác trắng sáng nào, chỉ là khoảng không trống rỗng bao quanh bởi ba hình thù giống con Pac-Man và một vài chữ V đang trôi lơ lửng.

Trò lừa thị giác này – có tên là "tam giác Kanizsa" – mạnh đến mức bộ não của bạn khi nhìn vào đó sẽ tự động "điền vào" khoảng trống những đường viền phân chia hai hình tam giác và khiến hình tam giác nằm trên trông sáng hơn, dù cho những phần màu trắng trong hình trên thực tế có độ trắng như nhau. Bạn không tin ư? Hãy lấy tay che đi một vài phần hình ảnh, bạn sẽ thấy những đường kẻ và những khác biệt về màu sắc không còn nữa.

Vậy chuyện gì đang xảy ra?

"Bộ não không thích những thứ mang tính tình cờ" – Mary Peterson, giáo sư tâm lý và là giám đốc Phòng thí nghiệm Nhận thức Trực quan tại Đại học Arizona, cho biết. "Bộ não tạo ra hình tam giác trắng hơn cả màu trắng kia bởi sẽ thật là tình cờ khi 3 con Pac-Man kia nằm cân xứng như thể chúng không bị cản bởi hình tam giác màu trắng vậy".

Ảo ảnh hình tam giác là một ví dụ kinh điển của thứ gọi là "tâm lý học Gestalt", được đặt tên theo một trường học nổi tiếng chuyên về nhận thức trực quan được thành lập ở Đức vào những năm 1920. Châm ngôn nổi tiếng (và thường bị dịch nhầm) của Gestalt là: "Toàn bộ không phải là tổng của các thành phần của nó" (chứ không phải là "Toàn bộ vượt trên tổng của các thành phần của nó"). Nói cách khác, nếu nhận thức của chúng ta chỉ bao gồm những chi tiết cấu thành một bức hình, thì khi nhìn vào hình ảnh trên, chúng ta sẽ nói "Tôi thấy 3 con Pac-Man và vài chữ V". Nhưng bộ não của chúng ta còn hơn cả một chiếc máy tính. Nó có thiên hướng nhận ra các dấu hiệu theo trật tự trong một mớ hỗn loạn "tình cờ", và tuân theo những quy luật hay lối tắt nhất định để hợp lý hóa thế giới.

Tính đối xứng không chỉ là một nguyên tắc thiết kế của thế giới bên ngoài.
Tính đối xứng không chỉ là một nguyên tắc thiết kế của thế giới bên ngoài.

Tính đối xứng là một trong những lối tắt đó. Theo giải thích của Peterson, chúng ta sẽ học được, hoặc sinh ra với những "ưu tiên" hoặc lối tắt nhất định giúp não chúng ta nhanh chóng xác định rằng chúng ta đang nhìn vào một vật thể.

Johan Wagemans là một nhà tâm lý học thử nghiệm đến từ Bỉ, chuyên về nhận thức trực quan và cách bộ não của chúng ta tổ chức những luồng thông tin liên tục xuất hiện. Ông đồng ý rằng tính đối xứng không chỉ là một nguyên tắc thiết kế của thế giới bên ngoài.

"Chúng ta có thể nhận thấy tính đối xứng như một trong những nguyên tắc lớn nói trên, định hướng cho sự tự tổ chức của bộ não" – Wagemans nói. "Tất cả những khuynh hướng hướng đến tổ chức tốt và tổ chức đơn giản cũng là những nguyên tắc đối xứng trong sự năng động của chính bộ não"

Nhưng mặt khác, đối xứng quá nhiều có thể gây nhàm chán. Wagemans phát hiện ra rằng dù những thiết kế đối xứng hoàn hảo khiến não dễ chịu hơn, chúng không nhất thiết phải đẹp hơn. Cả những họa sỹ nghiệp dư lẫn các chuyên gia đều thích những tác phẩm với một "mức độ kích thích tối ưu" – Wageman nói. "Không quá phức tạp, không quá đơn giản, không quá hỗn loạn, và không quá trật tự". Thật vậy, người Nhật có một nguyên tắc thẩm mỹ gọi là fukinsei, nói về việc tạo ra sự cân bằng trong một tập hợp, sử dụng tính bất đối xứng và tính dị thường.

Cập nhật: 07/09/2019 Theo vnreview
  • 32
  • 2.310