Tại sao "khủng long hươu cao cổ" bay được?

  •  
  • 3.366

Giới khoa học vừa xác định được nguyên nhân tại sao một loài khủng long lớn cỡ hươu cao cổ nhưng có khả năng bay vượt đại dương.

Sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, các chuyên gia Anh, Mỹ đã giải mã được bí mật đằng sau khả năng bay lượn như chim của thằn lằn bay, loài sinh vật có kích thước lớn cỡ hươu cao cổ. Đây là công trình của tiến sĩ Mark Witton, nhà cổ sinh vật học của Đại học Portsmouth (Anh), và tiến sĩ Michael Habib đến từ Đại học Chatham (Mỹ).

Họ phát hiện loài bò sát này có thể cất mình lên không trung nhờ vào lực đẩy mạnh của cơ tay và chân, giống như cách các vận động viên nhảy sào búng mình lên cao. Một khi đã ở trên không, chúng có thể bay vượt những quãng đường rất xa, thậm chí bay xuyên các lục địa, theo lời các chuyên gia.

Báo Telegraph dẫn lời tiến sĩ Witton cho biết: ''Hầu hết các loài chim đều cất cánh bằng cách chạy lấy đà và nhảy vào không trung trước khi đập cánh điên cuồng, hoặc nếu kích thước đủ nhỏ, chúng cũng có thể cất cánh nhẹ nhàng khỏi mặt đất khi đang đứng”.

Theo ông, các giả thuyết trước đây cho rằng loài thằn lằn bay quá lớn và nặng để có thể thực hiện một trong 2 cách bay trên, dẫn đến kết quả là chúng chẳng thể nào bay được. Tuy nhiên, thực tế lại khác. “Những sinh vật này không phải chim chóc, chúng là bò sát bay được với cấu trúc khung xương vô cùng đặc biệt, cũng như cấu trúc đối xứng của cánh và khối cơ khác nhau”, tiến sĩ Witton giải thích. Cũng vì vậy mà thằn lằn bay cất cánh theo cách khác biệt hoàn toàn so với các loài chim, và có góc cất cánh cùng đường bay ban đầu thấp hơn.

Tiến sĩ Witton và đồng sự Habid đưa ra giả thuyết mới, theo đó loài sinh vật có cơ chi trước nặng đến 50kg có thể nhấc mình lên không trung một cách nhẹ nhàng bất chấp trọng lượng và kích thước khổng lồ của cơ thể. Các giả thuyết trước đây cho rằng loài thằn lằn khủng long này cao đến 6m với sải cánh dài đến 12m, nhưng chuyên gia Witton và Habid tranh luận rằng một chiều cao 5m với sải cánh 10m xem ra hợp lý hơn.

Tiến sĩ Witton nói: ''Kích thước của khối cơ cánh của loài thằn lằn khổng lồ vượt qua sự tưởng tượng của chúng ta: nội cơ cánh không cũng có thể đạt đến 50kg, chiếm 20% tổng khối lượng của cơ thể, cung cấp sức mạnh và sức nâng khủng khiếp”.

Tiến sĩ Habib nối lời đồng sự Anh: “Thay vì chỉ dùng chân cất cánh, giống chim, thằn lằn bay dường như sử dụng cả bốn chi của mình để nhấc cơ thể khỏi mặt đất”, Habib nói.

Cũng theo chuyên gia này, bằng việc sử dụng hai cánh tay (cặp cánh) làm “động cơ” chính để cất cánh thay vì dùng lực đẩy từ hai chân, chúng sử dụng các cơ bay, phần mạnh nhất của cơ thể để làm được điều tưởng chừng như không thể thực hiện được. Lý do này cũng có thể giải thích tại sao thằn lằn bay lại có kích thước lớn hơn gấp nhiều lần so với bất cứ loài sinh vật nào có thể bay được.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra kết cấu của cơ thể loài bò sát bay cổ đại, vốn tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm cùng với các loài khủng long khác, trong nỗ lực giải đáp bí ẩn kéo dài lâu nay. Bằng việc sử dụng các phần thi thể hóa thạch còn lại của chúng, các chuyên gia tính toán kích thước và trọng lượng, cũng như sức mạnh của xương và cơ chế bay của loài bò sát khổng lồ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hóa ra loài thằn lằn này không chỉ bay được mà còn bay rất tốt, có thể vượt qua những quãng đường vô cùng xa xôi. Để làm được điều này, thằn lằn bay không cần đập cánh liên tục trong suốt chuyến đi mà chỉ cần đập cánh mạnh mẽ trong một đoạn ngắn để duy trì vận tốc bay.

Theo Thanh niên
  • 3.366