Cây thông Noel hay cây Giáng sinh với nhiều phụ kiện trang trí là hình ảnh gắn liền, không thể thiếu trong mỗi dịp Noel. Vậy phong tục này bắt nguồn từ đâu và nó có ý nghĩa gì?
Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, màu xanh là màu tượng trưng cho sự vĩnh cửu, phồn vinh và ấm no. Những loại cây có màu xanh quanh năm thường mang ý nghĩa rất đặc biệt với con người. Cây thông được chọn cho dịp Giáng sinh cũng là vì nó vẫn có thể xanh tốt vào mùa đông lạnh giá. Nhiều quốc gia còn tin rằng màu xanh chính là thứ bùa giúp xua đuổi tà ma và bệnh tật.
Cây thông Noel có ý nghĩa đem lại ấm no, hạnh phúc.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xa xưa, vào một đêm Noel, một người tiều phu nghèo đang trên đường về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và lả đi vì đói. Dù rất nghèo khổ nhưng ông vẫn cho đứa trẻ một chút thức ăn và cho bé một đêm ngon giấc.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, người tiều phu nhìn thấy một cây thông đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Lúc đó, ông mới biết đứa trẻ chính là Chúa cải trang và tặng ông cây thông để thưởng cho lòng tốt, sự nhân hậu của ông.
Theo một câu chuyện khác, vào thế kỷ thứ 8, thánh Boniface, một giáo sĩ người Anh, khi sang Đức truyền bá đạo Cơ đốc đã tặng thành phố Geismar một cây thông tượng trưng cho tình thương cũng như tín ngưỡng mới. Khi người Đức chấp nhận Cơ đốc giáo, họ chọn cây thông làm biểu tượng ngày Giáng sinh để tưởng nhớ thánh Boniface.
Nhiều người khác lại kể, trên đường hành hương tới Đức, thánh Boniface tình cờ bắt gặp một nhóm những người đang tập trung quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần. Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với nhóm người đó rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế.
Một trong những giả thuyết thuyết phục nhất về việc sử dụng cây thông là cây Giáng sinh bắt đầu từ các vở kịch thời Trung cổ. Các vở nhạc kịch này đều lấy chủ đề về Kinh Thánh. Ban đầu, các vở kịch này phục vụ nhà thờ. Nhưng vào cuối thời Trung cổ, các buổi kịch diễn ra trong không khí cởi mở hơn. Thời đó, nhiều người quan điểm đêm Giáng sinh cũng được coi là ngày lễ của Adam và Eva. Trong một số cảnh, hình ảnh một cây thông treo đầy trái cây được coi là tượng trưng cho vườn địa đàng. Và cây thông còn có tên gọi khác là "cây thiên đường".
Tuy vậy, phải tới thế kỷ thứ 16, phong tục trang trí cây thông Giáng sinh mới phổ biến ở Đức. Và nước Đức được coi là đất nước đầu tiên ở châu Âu có phong tục đặt cây thông trong ngày Giáng Sinh.
Còn theo truyền thuyết khác, khi đạo Cơ đốc giáo chưa ra đời, những loại cây cối có màu xanh quanh năm thường mang ý nghĩa rất đặc biệt với con người trong mùa đông. Cây thông được chọn cho dịp Giáng sinh cũng vì lẽ này. Nhiều quốc gia khác còn tin rằng sắc xanh chính là thứ bùa giúp xua đuổi tà ma và bệnh tật.
Cây thông được trang trí trong lâu đài Windsor ở Anh. (Ảnh: Countryliving).
Vào giữa thế kỷ 19, cây thông Noel mới bắt đầu phổ biến ở Anh. Công lao thuộc về Hoàng tử Albert và Nữ hoàng Victoria. Năm 1841, đôi vợ chồng Hoàng gia này đã trang trí cây Giáng sinh đầu tiên của nước Anh tại lâu đài Windsor bằng nến cùng với rất nhiều kẹo, hoa quả. Sau đó, nhiều gia đình giàu có ở Anh đã học theo. Cuối cùng, phong tục cây thông Noel không chỉ phổ biến ở Anh mà còn ở khắp các vùng thuộc địa của Anh và tới cả những vùng đất mới như Canada.
Cây Giáng sinh lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào những năm 1830 khi những người Đức nhập cư ở Pennsylvania thường mang cây Giáng sinh vào các buổi biểu diễn quyên góp cho nhà thờ. Ban đầu, hầu hết người Mỹ đều coi cây Giáng sinh là một điều kỳ cục. Tuy nhiên vào những năm 1890 nhiều đồ trang trí bắt đầu được nhập từ Đức vào Mỹ và từ đó cây thông Noel trở nên phổ biến tại Canada và Mỹ.
Cây Giáng sinh (hay cây thông Noel) là cây xanh (thường là cây thông) được trang hoàng để trưng bày trong dịp lễ Giáng sinh theo phong tục của người Kitô giáo. |