Những hòn đá tự di chuyển có thể xuất hiện cách đây hàng trăm triệu năm, trượt trên mặt đất khi băng tan ở đầu kỷ Jura.
Hòn đá tự di chuyển ở thung lũng Chết. (Ảnh: Wikipedia).
Nhà cổ sinh vật học Paul Olsen ở Đại học Columbia và cộng sự phát hiện bằng chứng sớm nhất về những hòn đá tự di chuyển cách đây hàng triệu năm. Họ công bố nghiên cứu trong cuộc họp thường niên của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ.
Những hòn đá tự di chuyển gây bối rối cho các nhà địa chất học suốt thời gian dài bởi chúng dường như trượt khắp sa mạc, để lại đường rãnh dài mà không có sự can thiệp của con người hay động vật. Lòng hồ Racetrack Playa khô cạn ở thung lũng Chết tại California nổi tiếng với vô số hòn đá kiểu này. Giới nghiên cứu cho rằng băng, gió và thậm chí vi khuẩn có thể là nguyên nhân khiến các hòn đá nặng xê dịch.
Vệt rãnh do đá tự di chuyển để lại giữa các dấu chân khủng long. (Ảnh: Sun).
Nhóm nghiên cứu của Olsen tìm thấy đường rãnh do hòn đá tự di chuyển để lại ở hóa thạch dấu chân khủng long còn nguyên vẹn, có niên đại 200 triệu năm. Họ quan sát thấy vệt dài giữa các dấu chân của loài vật tiền sử. Bằng chứng này phù hợp với giả thuyết về thời kỳ đóng băng ngắn ở đầu kỷ Jura, những hòn đá dịch chuyển do băng hình thành sau khi toàn bộ khu vực ngập nước. Chúng trượt dọc mặt băng lúc băng tan chảy, tạo ra rãnh bùn khô dần và cứng lại theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu kết luận băng là nguyên nhân chắc chắn nhất bởi dấu chân khủng long không cung cấp bằng chứng liên quan tới vi khuẩn.