Tại sao sách lại chia chương?

Lịch sử ra đời và phát triển của chương sách
  •  
  • 169

Trong phần lớn sự phát triển của lịch sử loài người, văn bản không được chia thành nhiều phần mà thường được viết tới khi hết ý.

Văn bản chia chương sớm nhất giáo sư Dames tìm được là một tấm bảng viết về luật của người La Mã ở Urbino, có niên đại từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Ông Dames giải thích: “Tấm bảng công bố một đạo luật dài, tuy nhiên, được phân đoạn và từng đoạn có tiêu đề ngắn gọn”.

Việc phân đoạn, chia chương sau đó được thực hiện nhiều hơn, nhưng chủ yếu để sắp xếp thông tin trong các văn bản về luật pháp, y học hoặc ngôn ngữ, nhằm "cho người đọc biết nơi tìm kiếm thông tin họ muốn". Do loại văn bản phổ biến nhất trong suốt thời kỳ cổ đại là giấy cuộn nên danh sách chương của một tài liệu thường được viết trong một cuộn giấy nhỏ hơn đi kèm.

Lịch sử thú vị của chương sách

Trong phần lớn lịch sử của việc chia chương, đây không phải là trách nhiệm của người viết mà là của các biên tập viên.

Giáo sư Dames giải thích: “Đó là một kỹ thuật cổ xưa và nó đã lan rộng sang châu Âu thời Trung cổ. Theo đó, họ phân chia văn bản của người khác hay những văn bản đã có từ lâu theo một cách có ý nghĩa”.

"Đó là lao động trí tuệ và thường do các học giả, đặc biệt là trong Đế chế La Mã và trước đó là các tu sĩ thời Trung cổ. Đó là một hình thức lao động trí tuệ cần rất, rất nhiều thời gian".

Một học giả viết cách chia chương, đoạn vào văn bản.
Một học giả viết cách chia chương, đoạn vào văn bản. (Ảnh: Public domain).

tùy thuộc vào người biên tập, một cuốn sách có thể được chia theo nhiều cách khác nhau.

Theo Giáo sư Dames, xét về những chương sách được chia cảm tính nhất thì có thể đó là các sách Phúc Âm trong Kinh Thánh. Ông giải thích rằng ban đầu các sách Phúc âm được viết không có chương. Nhưng qua nhiều năm, chủ yếu là từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13, chúng được chia theo rất nhiều cách. Một số học giả về Kinh Thánh chia sách Phúc âm thành những chương rất nhỏ, nhưng những học giả khác lại chia thành những chương lớn hơn.

Điều này khiến nội dung Kinh Thánh đôi khi trở nên khó hiểu. Ví dụ, chương 12 trong Phúc âm John có thể có ý nghĩa này trong một phiên bản nhưng lại có nội dung khác trong một phiên bản khác.

Và sự phức tạp này đã được thay đổi vào đầu thế kỷ 13. Chưa được xác nhận nhưng có một giả thuyết cho rằng Stephen Langton, một nhà thần học tại Đại học Paris, người sau này trở thành Tổng Giám mục Canterbury, đã nghĩ ra việc sắp xếp các chương sách Phúc âm như ngày nay vào khoảng năm 1210-1220.

Có một luồng ý kiến khác tin rằng cách chia chương tương đối đều này đến từ các cơ sở tôn giáo nhỏ của Anh vào cùng thời điểm trên.

Nhưng dù xuất phát từ đâu, hình thức chia chương mới như vậy “nhận về một chút hoài nghi vào thời điểm đó... và tiếp tục bị hoài nghi cho đến tận thế kỷ 18", Giáo sư Dames nói.

Và không chỉ bị hoài nghi, việc chia chương các văn bản, đặc biệt là trong Kinh Thánh cũng nhận về nhiều sự phản đối. Vào thế kỷ 17, triết gia người Anh John Locke là người phê bình gay gắt việc chia chương trong Kinh thánh. Theo Giáo sư Dames, Locke cho rằng không nên làm như vậy và việc ngắt chương sẽ làm xáo trộn tiến trình suy nghĩ khi đọc.

 Triết gia người Anh John Locke.
Triết gia người Anh John Locke. (Ảnh: Public domain).

"Locke tin rằng độc giả nên đọc không bị gián đoạn, đi theo một chuỗi lập luận từ đầu đến cuối và việc chia chương là một giải pháp tồi tệ trong xử lý nội dung văn bản", theo Dames.

Sức mạnh của người viết và ý nghĩa của chương với tác phẩm thiếu nhi và streaming

Việc tiểu thuyết hiện đại xuất hiện ở châu Âu thế kỷ 17 và 18 đã mang đến những thay đổi lớn đối với vai trò chia chương sách, từ người biên tập sang người viết.

Giáo sư Dames cho hay: “Các tác giả đã đưa ra quyết định, viết câu chuyện theo định hình chương, đoạn trong đầu, hoặc sau đó tiến hành cắt ngắn hoặc chỉnh sửa chương theo những cách nhất định”.

 Chia chương sách trở thành một cách kết nối giữa người viết và độc giả.
Chia chương sách trở thành một cách kết nối giữa người viết và độc giả. (Ảnh: ABC RN).

Việc chia chương đã trở thành "một cách tuyệt vời để các tác giả và người kể chuyện trực tiếp kết nối với người đọc".

“Việc chia chương cũng như một lời nhắn tới người đọc về sự cuốn hút của tác phẩm, hay một lời nhắc nhở về việc có thể tạm nghỉ. Đây là một cách thiết lập quan hệ giao tiếp với độc giả", ông Dames cho hay.

Và với thiếu nhi, việc chia chương còn mang một ý nghĩa nữa. Ngày nay, một dấu hiệu đánh dấu sự phát triển của trẻ là sự chuyển đổi từ sách tranh sang “sách chương”, theo Giáo sư Dames. Theo đó, “sách chương là một bước phát triển lớn về trải nghiệm đọc sách của trẻ em. Những cuốn sách được chia chương đơn giản là những tác phẩm đầu tiên trẻ em cần đọc khi chúng dần trưởng thành về khả năng đọc viết".

Ông cũng chia sẻ thêm: “Sách chương cũng như một lời nhắn nhủ với trẻ em rằng chúng có thể tạm rời đi khi hết chương và chúng có thể quay lại bất cứ lúc nào vì câu chuyện vẫn ở đó”.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây, ý tưởng về chia chương cũng đang được chuyển sang các cách kể chuyện khác.

Với các chương trình truyền hình hoặc phim phát trực tuyến, tính chất của chương được thể hiện sang dạng tập với cách lựa chọn ngắt, nghỉ tương tự, thậm chí có tiêu đề riêng cho từng tập, từng phần chương trình.

Ông Dames nói: “Dù chúng ta không đọc tiểu thuyết, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm các chương, đoạn văn học lan tỏa vào cuộc sống hàng ngày”.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm: “Cách chia chương, đoạn hiện rất phổ biến, linh hoạt và luôn có thể tiếp tục sáng tạo”. Ví dụ, loạt phim Shōgun ra mắt năm nay mở đầu bắt đầu mỗi tập bằng một tiêu đề được viết sẵn và bộ phim được triển khai gói gọn trong nội dung này. Hay từng tập trong các phần phim Bridgerton đều có tiêu đề ấn tượng riêng nhằm gửi đi nội dung chính của tập.

Cập nhật: 03/06/2024 Znews
  • 169