Ở châu Âu, châu Phi và Tây Á thì ngỗng nhà được thuần hóa từ ngỗng xám còn ở Đông Á là giống ngỗng thiên nga.
Có một điều thú vị là ngỗng nhà mập ú hơn ngỗng tự nhiên bởi khi thuần hóa thì con người đã lựa những con ngỗng lớn, ngỗng nhà có thể nặng đến 10kg trong khi ngỗng thiên nga tự nhiên chỉ 3,5kg và hay ngỗng xám 4,1kg. Dù mập mạp nhưng ngỗng nhà về cơ bản có thể bay được. Tới khúc này thì mình hình dung đúng là mấy con ngỗng nhà có bay nhưng bay là là để đuổi người hay mấy con vật khác chọc ghẹo nó là chính, ngỗng tự nhiên vẫn bay như thường vì nó nhẹ hơn nhiều.
Những ghi chép đầu tiên về ngỗng thuần hóa cho thấy chúng được nuôi vỗ béo để làm thịt và hiến tế nhưng vào thời La Mã, ngỗng cũng được nuôi để lấy trứng và được lai giống cho những đặc điểm cụ thể như tính cách bình tĩnh hay cho bộ lông đẹp, sang trọng.
Bức tranh Les oies du Capitole (Con ngỗng đồi Capitoline) của họa sĩ người Pháp - Henri-Paul Motte năm 1889.
Phải đến năm 390 trước Công Nguyên thì ngỗng được nuôi để trở thành con vật canh giữ trong đời sống của người La Mã. Chuyện kể rằng ngày xưa tại đền thờ của nữ thần Juno có một bầy ngỗng, chúng được xem là con vật linh thiêng và không ai dám bắt ăn thịt. Năm 390 trước Công Nguyên, Rome bị vây hãm bởi người Gaul và vào một đêm khuya, lính Gaul đã lẻn leo lên ngọn đồi Capitoline nơi có ngôi đền nữ thần Juno để tấn công bất ngờ Rome. Những con chó được người dân tại Rome nuôi không báo động bởi chúng dễ dàng bị mua chuộc bởi những miếng thịt tươi. Ngoại trừ đám ngỗng, chúng lập tức nhận thấy sự xáo trộn bất thường và bắt đầu kêu to. Nhờ tiếng kêu của bầy ngỗng, lính Rome đã được đánh thức và bảo vệ thành công thành phố của mình. Kể từ sự kiện này thì những con ngỗng được xem là người hùng, là con vật linh thiên và người ta còn tổ chức một lễ hội hàng năm - mặc đồ hóa trang thành ngỗng màu tím màu vàng và đi trêu chọc bêu rếu mấy con chó vì "tham thực" mà quên nhiệm vụ canh gác.
Giờ thì ta nói đến tập tính hung dữ và đậm phong cách "bảo kê" của ngỗng. Ngỗng hung dữ - hành vi này liên quan đến kích thước của chúng - một loài chim to lớn và vụng về. Ngỗng khó có thể trốn tránh khi bị đe dọa thành ra chúng sẽ thể hiện thái độ hung dữ và xâm lăng để tránh nguy hiểm. Ngỗng chịu được thời tiết khắc nghiệt tốt, ngay cả khi tuyết rơi thì nó vẫn thích ở ngoài chải chuốt. Khả năng tự bảo vệ mình tốt cộng với việc thích ở ngoài hơn trong nhà thì ngỗng thường được các nông dân nuôi xen lẫn với các đàn gà, vịt, ngỗng sẽ tự bảo vệ chúng.
Thị giác ban ngày (ban đêm gần như mù) và thính giác của ngỗng cực kỳ nhạy bén, chúng có thể cảm nhận được những chuyển động từ lâu trước khi con người nhận ra. Trong khi hầu hết các loài chim đều không phản ứng với những thứ mà mà chúng thấy theo thiên hướng có lợi cho con người thì ngỗng trái lại như cái loa phường. Nó phát ra âm thanh lớn và hung hăng - đây là 2 thuộc tính canh gác và bảo vệ lý tưởng. Ngỗng cũng có tính lãnh thổ: chúng biết nhà của chúng ở đâu và bảo vệ nó. Không nhiều loài chim khi thuần hóa giữ được tính lãnh thổ và càng ít loài có thái độ hiếu chiến khi đối mặt với những kẻ xâm nhập.
Tập tính bảo vệ bạn tình và con non của ngỗng không đổi so với tổ tiên hoang dã của nó.
Ngỗng càng hung dữ hơn trong mùa giao phối hay khi nó đi cùng "vợ" và đàn con. Ngỗng đực sẽ lập tức vươn cổ dài hết cỡ, quay đầu lại nhìn bạn bằng một con mắt và sẵn sàng tấn công, không cần biết kẻ đe dọa là ai. Tập tính bảo vệ bạn tình và con non của ngỗng không đổi so với tổ tiên hoang dã của nó. Ngỗng sống với 1 bạn tình suốt đời và nó rất trung thành với chủ, không quên người cũng như những động vật khác sống cùng. Đặc tính trung thành này thì khá giống chó nhưng mấy anh chó thua xa khoản dưới đây:
Như câu chuyện về thành Rome, những con chó nhà bị mua chuộc bởi thịt tươi và thế là "im như cún". Ngỗng trong khi đó không bị tác động bởi đồ ăn, bất kể là đồ ăn có ngon tới đâu. Thế nên rất nhiều nông dân trên thế giới thích nuôi ngỗng giữ nhà, bảo vệ các con vật khác hơn chó.
Chẳng hạn như tại Tân Cương, ngỗng được sử dụng để bảo vệ các đồn cảnh sát và các tòa nhà. Năm 1986, quân đội Mỹ đã mua 750 con ngỗng từ các nông dân Đức để bảo vệ các căn cứ quân sự của họ. Hay ở Dumbarton, Scotland, hãng rượu whiskey nổi tiếng Ballantine đã dùng ngỗng để canh gác trong suốt từ năm 1959 đến tận năm 2012 mới thay thế bằng camera an ninh. Những con ngỗng này được gọi là "Scotch Watch".
Không giống như gà vịt vốn thích các loài côn trùng giun dế và thức ăn giàu protein thì ngỗng lại thích ăn thực vật, rất phàm ăn nhưng toàn thực vật. Có lẽ vì vậy mà khó dụ khị được chú ngỗng nhà ta.
Người nồng dân đỡ phải làm cỏ và phân ngỗng giúp làm giàu đất cho cây phát triển.
Vậy nên nhiều nông trại nuôi ngỗng để bảo vệ cây trồng trước cỏ dại. Khi kết hợp nuôi ngỗng với những loài cây thích hợp thì chúng sẽ ăn sạch cỏ dại xung quanh và tuyệt nhiên không chạm vào nông sản. Những cây thường được trồng là dâu tây, quả mâm xôi, các loại thảo mộc, cây thuốc lá … Người nồng dân đỡ phải làm cỏ và phân ngỗng giúp làm giàu đất cho cây phát triển.
Bên cạnh khả năng canh gác thì tiếng kêu của ngỗng cũng có thể là chuông báo thức. Ngỗng có trí nhớ tốt, nó nhớ được con người, phân biệt được ai là ai qua hình dạng, điệu bộ và giọng nói, nó cũng biết bên cạnh mình có bạn gà, bạn chó nào và nhớ được tình huống và môi trường xung quanh. Thế nên những gì bất thường, xáo trộ dù là nhỏ, kẻ lạ xuất hiện thì chúng sẽ chào đón bằng tiếng kêu và thái độ hung hăng. Những người nuôi ngỗng qua thời gian sẽ có thể biết được đâu là tiếng kêu báo động có kẻ lạ hay sự việc lạ hay tiếng kêu gọi bạn tình. Nhờ tiếng kêu mà bạn có thể biết được khi nào có một con cáo xuất hiện gần nhà hay chỉ đơn thuần là có người đến đưa thư tín.
Tuy nhiên, ngỗng cũng thích lang thang nên sẽ không hiếm thấy những con ngỗng lơ là công việc canh chừng người lạ. Lang thang cộng với tập tính lãnh thổ còn nguyên từ tổ tiên hoang dã, ngỗng sẽ cố gắng mở rộng lãnh thổ nếu không bị giới hạn bởi hàng rào và cuối cùng thì … một con ngỗng, à quên sẽ kéo một bầy ngỗng sẽ vào nhà bạn, hét vào mặt bạn rằng "bước ra khỏi nhà của tao".
Ngỗng cũng là con vật thường xuất hiện trong những bộ phim gia đình, trong khung cảnh nông trại. Nhiều nông trại người ta nuôi không chỉ vì mục đích canh gác, bảo vệ cho các loài gia súc gia cầm khác mà những con ngỗng mang tính giải trí cao. Chúng sinh động, ồn ào, hung dữ nhưng cũng rất tình cảm với chủ nuôi.