Các nhà khoa học phát hiện ra lỗ hổng ozone ở Nam Cực đang trong quá trình tự liền, ít nhất một thập kỷ sớm hơn so với dự kiến của họ trước đây.
Vào năm 1989, một thỏa thuận quốc tế có tên gọi là Nghị định thư Montreal, vì mục tiêu giảm trừ những hóa chất đang ăn mòn tầng ozone bảo vệ Trái đất. Đa số các nhà nghiên cứu đã cho rằng sớm nhất cũng phải tới năm 2023 con người mới thu nhận được những dấu hiệu cho thấy quá trình hồi phục của tầng ozone đang bắt đầu, nhưng các nhà nghiên cứu Úc nay khẳng định rằng họ đã thấy tầng ozone bắt đầu tự liền từ cuối thập kỷ 1990.
“Vấn đề là làm sao tính đến những dao động tăng giảm hằng năm khiến con người khó nhận biết một quá trình gia tăng từ từ trong lâu dài của tầng ozone”, nhận xét từ nhà khoa học khí tượng Murry Salby của Đại học Macquarie ở Sidney. Nhóm nhiên cứu của ông đã công bố kết quả của họ từ ngày 06 tháng 05 trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Lỗ hổng ozone hồi tháng 9 năm 2006
Con người bắt đầu nhận ra lỗ hổng ozone từ năm 1985, và nhanh chóng xác lập ra nguyên nhân của nó là các hóa chất chlorofluorocarbons, thải ra chủ yếu từ Bắc Bán cầu nhưng lại tập trung về ở Nam Cực do các dòng lưu chuyển khí quyển. Các nguyên tử Clo từ các hóa chất CFC này phản ứng với các phân tử ozone, làm bào mòn đi lớp bảo vệ Trái đất khỏi những tia cực tím gây ung thư và tổn hại mùa màng.
Các nhà khoa học từng dự đoán rằng thời điểm hiện nay là lúc lỗ hổng ozone ngừng loang rộng và bắt đầu liền lại. Nhưng họ không nghĩ rằng có thể phát hiện ra hiện tượng này sớm đến vậy, vì tầng ozone dao động rất mạnh từng năm, do những quá trình biến động khí quyển phức tạp, đôi khi độ dao động với độ lớn tương đương bằng cả lỗ hổng.
Để hiểu rõ hơn về những dao động hằng năm này, nhóm nghiên cứu của Salby tìm hiểu về các ảnh hưởng “động”, ví dụ như các sóng lan qua khí quyển của hành tinh giống như những đợt sóng biển. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng các nhân tố động vào mùa đông phản ánh khá chính xác mức ozone sẽ bị mất đi vào mùa xuân. Về cơ bản, những quá trình này quyết định khối lượng Clo sẽ thoát ra từ các hóa chất CFC trong mùa đông, và điều này giúp xác định lượng ozone sẽ mất đi sau đó.
Khi đã nắm rõ khối lượng dao động hằng năm, các nhà khoa học sẽ giảm trừ đi khối lượng này, để lọc ra xu hướng tăng giảm tự nhiên của tầng ozone. Sau khi sụt giảm theo số liệu kể từ khi được con người để ý phân tích từ năm 1979, tầng ozone bắt đầu ổn định và tăng tiến kể từ 1996, Salby cho biết.
Tuy nhiên, qua sử dụng các kỹ thuật phân tích khác, các nhà khoa học khác công bố là họ chỉ mới thấy tốc độ suy giảm của tầng ozone đã chậm lại, chứ chưa nhận thấy sự hồi phục.
Không phải tất cả các chuyên gia đều bị thuyết phục bởi kết quả của Salby. Mối liên hệ giữa sự vận động hàng năm và tầng ozone nay có vẻ là đúng, nhưng có thể sẽ thay đổi trong các nghiên cứu tiếp theo, nhận xét từ Darryn Waugh, một nhà khí tượng học từ Đại học Johns Hopkins. “Tôi dự kiến tầng ozone Nam Cực sẽ hồi phục một cách từ từ’, ông nói, “nhưng vẫn nghĩ rằng chúng ta cần mất thêm vài năm nữa mới có được những dữ liệu cần thiết để cho thấy điều này”.
Nhà hóa học khí tượng Paul Young của Phòng thí nghiệm Atmospheric Administration Earth System Research tại Boulder, bang Colorado, Mỹ, cũng thống nhất với quan điểm này. “Phản hồi của tôi thận trọng một chút”, ông nói. “Tuyên bố của họ đúng là hơi mạnh dạn”.
Sẽ mất vài thập kỷ nữa để các nhà khoa học tiếp tục kiểm chứng liệu có đúng là tầng ozone từ lúc này đã bắt đầu hồi phục hay không. Người ta dự đoán nó không thẻ tự liền hết trước năm 2070.
Trong khi đó, tầng ozone ở Bắc Cực lại đang có vấn đề; mùa xuân vừa rồi, nó trở nên mỏng hơn so với quan sát trước đây của các nhà khoa học.