Tàu sân bay của Trung Quốc ở đâu so với thế giới?

  •  
  • 2.672

Giới phân tích quân sự nhận định Trung Quốc đang tập trung mạnh vào chế tạo tàu sân bay tuy nhiên năng lực tác chiến chỉ bằng 4% so với Hải quân Mỹ.

Trung Quốc vừa hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Tàu sân bay tự đóng được gọi là Type-001A và vẫn chưa được đặt tên. Tàu có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn, dài 315m, rộng lớn nhất 75m, lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh mua và tân trang lại từ Ukraine.

Việc hạ thủy tàu sân bay thứ hai là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang làm chủ công nghệ đóng tàu cỡ lớn. Tuy vậy, một số nhà quan sát lưu ý rằng Trung Quốc vẫn chỉ có 4% so với năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ giúp hình thành thêm một nhóm tác chiến tàu sân bay với hàng không mẫu hạm ở trung tâm, trong khi máy bay và các tàu chiến cung cấp bảo vệ và hỗ trợ khác. Với việc sắp hạ thủy tàu sân bay tự đóng, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc ở đâu so với thế giới?

Trung Quốc: Một tàu hoạt động, một sắp hoàn thành

Hiện tại, Hải quân Trung Quốc đang vận hành tàu sân bay Liêu Ninh mua và tân trang lại từ Ukraine. Đầu năm nay, Liêu Ninh tiến hành hoạt động diễn tập cất, hạ cánh ở Biển Đông. Kyodo News, trích dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hộ tống cho tàu Liêu Ninh gồm 3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển, 3 tàu hộ vệ tên lửa, một tàu hậu cần.

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc trong lễ hạ thủy sáng 26/4.
Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc trong lễ hạ thủy sáng 26/4. (Ảnh: CCTV).

Máy bay chiến đấu chủ lực trên tàu sân bay Liêu Ninh là tiêm kích J-15 cùng một số máy bay trực thăng hoạt động trên hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác. Tàu sân bay của Trung Quốc có đường băng kiểu “nhảy cầu” nên các máy bay phải giới hạn lượng nhiên liệu và vũ khí mang theo, dẫn đến giảm hiệu suất chiến đấu, đặc biệt là không thể triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn.

Mỹ: 10 tàu sân bay đang hoạt động

Hải quân Mỹ không chỉ là lực lượng có quy mô số 1 thế giới mà còn dày dạn kinh nghiệm với 75 năm vận hành tàu sân bay. Hải quân Mỹ đang vận hành 10 tàu sân bay lớp Nimitz và sắp đưa vào hoạt động tàu đầu tiên thuộc siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trên Biển Đông.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trên Biển Đông. (Ảnh: Foxnews).

Mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có khoảng 7.500 thủy thủ, một đến hai tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển có khả năng tấn công tầm xa, 6-8 tàu khu trục hoặc tàu hộ tống bảo vệ chống lại các cuộc tấn công từ trên không, một đến hai tàu ngầm tấn công hạt nhân, cùng 65-70 máy bay.

Tàu sân bay USS Carl Vinson có chiều dài 333m, lượng choán nước 101.000 tấn bắt đầu nhiệm vụ tuần tra Biển Đông hồi đầu tháng 2. Đầu tháng 4, nhóm tác chiến Carl Vinson được lệnh điều động đến gần bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nhóm tác chiến gồm không đoàn tàu sân bay với các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, 2 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, một tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển. Theo Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay có thể bảo vệ tuyến vận tải biển thương mại, quân sự, hộ tống lực lượng đổ bộ lên bờ.

Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ chuyển 60% sức mạnh sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020 dưới thời cựu tổng thống Barack Obama. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ hiện đại hóa quân đội Mỹ cả về trang bị và nhân lực, bao gồm đóng mới thêm 80 tàu chiến tiên tiến.

Anh: 2 tàu đang đóng mới

Hải quân Hoàng gia Anh không có tàu sân bay hoạt động nhưng đang đóng mới 2 tàu lớp Queen Elizabeth với lượng choán nước 67.000 tấn, lớn nhất từng được xây dựng ở nước này. Tàu đầu tiên HMS Queen Elizabeth, dài 280 m được hạ thủy vào năm 2014. Dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2021, tàu thứ 2 HMS Prince of Wale đưa vào hoạt động sau đó khoảng 2 năm.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang được hoàn thiện
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang được hoàn thiện. (Ảnh: Defence Imagery).

Tàu sân bay này được thiết kế mang theo 36 tiêm kích tàng hình cất hạ cánh thẳng đứng F-35B, 4 máy bay trực thăng Merlin, hoặc trực thăng vận tải Chinook, trực thăng tấn công Apache. Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh gồm không đoàn tiêm kích tàng hình, tàu khu trục, tàu hộ vệ và có thể tàu ngầm để bảo vệ và hỗ trợ tác chiến.

Ấn Độ: Một tàu hoạt động, 2 đang đóng mới

Hải quân Ấn Độ đưa vào hoạt động tàu sân bay INS Vikramaditya vào năm 2013 mua lại từ Nga. New Delhi cũng đang xây dựng tàu sân bay INS Vikrant, 40.000 tấn, dự kiến hoàn thành vào năm 2023 và là tàu sân bay đầu tiên được đóng mới hoàn chỉnh tại Ấn Độ.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ. (Ảnh: Jeffhead).

Theo Times of India, tàu sân bay này có khả năng mang theo 30 máy bay, bao gồm cả trực thăng. Ấn Độ cũng đang xây dựng tàu sân bay INS Vishal nặng 65.000 tấn được trang bị lò phản ứng hạt nhân theo tạp chí Diplomat. Tàu sân bay Vishal có thể mang theo 55 máy bay, trong đó có 33 máy bay cánh cố định và 20 trực thăng.

Các tàu sân bay mới sẽ thay thế cho tàu INS Viraat do Anh chế tạo và bán lại cho Ấn Độ. Đây là tàu sân bay lâu đời nhất thế giới vừa được ngưng hoạt động trong tháng 3 sau khi trải qua gần 30 năm phục vụ trong Hải quân Ấn Độ.

Các tàu sân bay của Ấn Độ cũng có thiết kế đường băng kiểu “nhảy cầu” nên tiêm kích hoạt động trên hạm phải giới hạn nhiên liệu và vũ khí.

Cập nhật: 26/08/2019 Theo Zing
  • 2.672