Theo một bài viết đăng trên mạng tin của tạp chí khoa học Nature của Anh, các nhà khoa học Nhật Bản nhận thấy không có phản ứng đào thải ở chuột thí nghiệm sau khi tiến hành cấy ghép các tế bào trưởng thành sản sinh từ tế bào gốc đa chức năng (iPS).
Phát hiện mới này của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Bức xạ Quốc gia (NIRS) và trường Đại học Tsurumi (Nhật Bản) đã thách thức kết quả nghiên cứu khoa học trong một bài viết được đăng trên tạp chí Nature năm 2011 của nhóm các nhà khoa học Đại học California khi cho rằng tế bào iPS gây ra phản ứng miễn dịch ở chuột.
Quan điểm chiếm ưu thế trong giới chuyên gia y học tái sinh hiện nay là phản ứng miễn dịch không xảy ra ở những bệnh nhân nhận cấy ghép tế bào dị biệt hoá đầy đủ từ tế bào iPS, loại tế bào được tạo thành từ tế bào của chính bệnh nhân.
Báo cáo trước đó của các nhà khoa học Mỹ về hiện tượng miễn dịch tế bào iPS thu hút sự chú ý của dư luận vì nó đi ngược với quan điểm thông thường của giới khoa học. Những người phản đối phát hiện này nghi ngờ tại sao nhóm nghiên cứu ở Mỹ lại lựa chọn cấy ghép những tế bào chưa được dị biệt hoá đầy đủ - một phương pháp sẽ không được sử dụng trong các ứng dụng y tế.
Theo bài báo mới, nhà nghiên cứu của NIRS Ryoko Araki và các đồng nghiệp của bà đã tạo ra tế bào xương và tủy từ iPS của chuột và cấy ghép chúng vào những con chuột khác cùng chung các đặc điểm di truyền.
Biện pháp cấy ghép tạng và mô của cơ thể hiện đang phổ biến trong y tế hiện đại. Tuy nhiên, sự đào thải tổ chức ghép là nguyên nhân lớn nhất khiến các ca ghép mô tạng thất bại. Với sự cảnh giác của hệ miễn dịch, cơ thể xem cơ quan lạ đó là “kẻ thù” và quay sang tấn công mô “lạ” vừa được cấy ghép.
Để khống chế quá trình này, bệnh nhân cần dùng thuốc chống thải ghép song cách điều trị này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ có hại trên cơ thể bệnh nhân. Phát hiện mới về iPS và những ứng dụng thực tế của công nghệ tế bào đa năng này trong lĩnh vực y tế thực sự đã mở ra một hướng đi mới cho y học thế giới.