Tên lửa NASA tạo sóng âm phá tan cầu vồng

  •  
  • 1.422

Những gợn sóng âm có cường độ cực lớn từ tên lửa NASA lan ra bốn phía, khiến cầu vồng trên bầu trời biến mất trong nháy mắt.

Với tiếng nổ động cơ lên tới 200 decibel, vượt quá 80 dB so với ngưỡng nghe của con người, tên lửa phát ra sóng âm đủ mạnh để làm lung lay các tòa nhà, khiến tóc người đứng xem bắt lửa và thổi bay cầu vồng trên trời. Đoạn video đăng trên mạng xã hội Reddit hôm 10/7 là một ví dụ, theo Live Science.

Được quay trong buổi phóng tàu vũ trụ Solar Dynamics Observatory của NASA hôm 11/2/2010, video minh họa hoàn hảo những gì xảy ra do sóng xung kích cực mạnh từ tên lửa va chạm với môi trường nửa rắn, trong trường hợp này là màn tinh thể băng mỏng manh ở rất cao phía trên bệ phóng. Khi các tinh thể xếp thẳng hàng, chúng tạo ra vệt cầu vồng riêng biệt gọi là Mặt Trời giả (sundog).

Cầu vồng lơ lửng ở góc trên bên phải bầu trời cho tới khi tên lửa phá hủy nó. "Khi tên lửa xuyên qua đám mây ti, sóng xung kích lan tỏa qua đám mây và phá hủy các xếp thẳng hàng của tinh thể băng", Les Cowley, chuyên gia quang học khí quyển giải thích.

Trong bất kỳ trường hợp nào, tên lửa không cần đạt tốc độ siêu thanh để sinh ra âm thanh có sức phá hủy.
Trong bất kỳ trường hợp nào, tên lửa không cần đạt tốc độ siêu thanh để sinh ra âm thanh có sức phá hủy.

Tên lửa trong video không di chuyển ở tốc độ siêu thanh, bởi nếu như vậy, sóng xung kích sẽ xuất hiện phía sau tên lửa dưới dạng nón, không bắn ra phía trước như gợn sóng. Trong bất kỳ trường hợp nào, tên lửa không cần đạt tốc độ siêu thanh để sinh ra âm thanh có sức phá hủy. Ngay trong giai đoạn đầu của quá trình cất cánh, tên lửa hầu như không di chuyển nhưng động cơ bốc cháy và có thể thấy sóng âm lan qua làn khói với độ decibel vượt quá sức chịu đựng của màng nhĩ và nhà cửa.

"Khi tên lửa khởi hành, động cơ chính kêu lớn tới mức người đứng gần bệ phóng có thể mất mạng, không phải bởi sức nóng của khói mà bởi âm thanh động cơ", Rodney Rocha, kỹ sư ở Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, cho biết. Áp suất âm thanh mạnh có thể làm căng phổi, gây nghẽn mạch ở tim hoặc não, dẫn tới đau tim, co giật và suy hô hấp.


NASA thử nghiệm phun nước để giảm tiếng ồn ở bệ phóng. (Video: YouTube).

Các kỹ sư NASA rất chú trọng xử lý mối đe dọa từ sóng âm và luôn cố gắng hãm sóng âm sinh ra từ tên lửa bằng nhiều cách. Một cách trong số đó là phun hàng trăm nghìn lít nước hoặc sương lên bệ phóng ngay sau khi tên lửa cất cánh. Trận lụt nhân tạo này có thể giảm bớt tiếng ồn ở bệ phóng, ngăn sóng áp suất chói tai của tên lửa dội lên mặt đất và làm vỡ tàu vũ trụ.

Cập nhật: 13/07/2018 Theo VNE
  • 1.422