Các nhà khoa học ở trường Đại học Durham đã phát hiện ra rằng thai nhi trong bụng mẹ không chỉ nấc cục, nuốt, vươn vai và còn ngáp nữa.
Thai nhi cũng biết ngáp. (Nadja Reissland)
Trong khi một số nhà khoa học cho rằng thai nhi không thể ngáp mà đó chỉ là hành động hả miệng ra, thì các nhà khoa học của Đại học Durham xác định thai nhi biết ngáp. Trong tờ tạp chí PLOS ONE phát hành hôm thứ tư vừa qua, các nhà nghiên cứu Anh quốc nói rằng công trình nghiên cứu của họ có thể phân biệt rõ ràng giữa ngáp và há miệng dựa vào thời gian miệng mở ra. Họ đã sử dụng một đoạn video 4D để xem xét tất cả những khoảng thời gian thai nhi mở miệng ra.
Nadja Reissland, khoa Tâm lý trường Đại học Durham, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết chức năng và tầm quan trọng của việc ngáp ở các thai nhi vẫn chưa được xác định, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy thai nhi phát triển khỏe mạnh. Thai nhi ngáp không phải vì buồn ngủ mà là dấu hiệu của sự phát triển sớm ở não bộ trong thai kỳ.
Nghiên cứu được tiến hành trên 8 thai nhi nữ và 7 thai nhi nam từ 24 đến 36 tuần thai. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ngáp bắt đầu giảm từ tuần thứ 28 và không có sự khác biệt đáng kể về tần suất ngáp ở thai nhi nam và thai nhi nữ.