Theo John Christy, giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất (có thể xem đó là Trung tâm nghiên cứu các hành tinh) trực thuộc Đại học Alabama, Huntsville thì nhiệt độ trung bình của toàn cầu vào tháng 8 vừa qua chỉ thấp hơn so với nhiệt độ kỉ lục được ghi nhận vào tháng 8/1998 là 0,02 độ F (tương đương với 0,01 độ C). Điều đó đồng nghĩa với việc tháng 8/2010 chiếm giữ vị trí nóng thứ hai trong lịch sử được ghi nhận.
Tuy nhiên, sự chênh lệch nhiệt độ rất nhỏ này cũng có thể là sự khác biệt do sai số đo lường tạo nên. Do đó, về một mặt nào đó cũng có thể nói rằng hai tháng 8 (tháng 8/1998; tháng 8/2010) là những tháng nóng nhất trong 32 năm qua.
Vào thời điểm này, hiện tượng El Nino ngoài vùng biển Thái Bình Dương đang dần tan biến, nhường chỗ cho hiện tượng La Nina bắt đầu được thiết lập. Thời tiết sẽ bắt đầu mát mẻ hơn.
Như vậy là với nền nhiệt trung bình từ đầu năm đến giờ và việc tháng 8 được ghi nhận là nóng thứ hai trong lịch sử ghi nhân thì năm 2010 sẽ giữ vị trí nóng thứ hai trong vòng hơn 30 năm trở lại đây.
Số liệu nhiệt độ đưa ra được xem là tương đối chuẩn với độ sai lệch rất nhỏ. Vì các nhà khoa học đã sử dụng vệ tinh để có thể đọc được gần như chính xác nhiệt độ của tất cả các khu vực trên Trái đất, từ sa mạc, đại dương cho đến rừng mưa.
Vệ tinh này đọc nhiệt độ dựa trên một công cụ đo nền nhiệt của khí quyển từ mặt đất lên đến độ cao khoảng 5 dặm (tương đương với 8km) trên mực nước biển.