Thánh chỉ của vua tại sao không thể làm giả được?

  •   3,17
  • 8.705

Là mệnh lệnh mang tính tuyệt đối của vua, thánh chỉ trở thành vật quyền lực, là sự tối cao không được làm trái, nếu không sẽ khó tránh khỏi kết cục thảm thương.

Vào thời phong kiến Trung Hoa, hoàng đế là người nắm giữ quyền lực tối thượng, thậm chí còn được gọi là "thiên tử". Hoàng đế có quyền luận tội bất cứ ai, nắm giữ quyền sinh sát trong tay. Mỗi hành động hay thậm chí là một lời nói của hoàng đế cũng có thể quyết định số phận của người khác. Chính vì vậy, mỗi lời nói hay mệnh lệnh của hoàng đế đều có uy lực rất lớn. Mỗi khi muốn đưa ra một quyết định lớn hoặc muốn bày tỏ quan điểm quan trọng nào đó, thay vì chỉ nói một lời, hoàng đế sẽ ban hành chiếu chỉ.

Các mệnh lệnh của hoàng đế thường được truyền đạt thông qua thánh chỉ. Trong các bộ phim cổ trang thường xuất hiện hình ảnh các thái giám tới truyền đạt thánh chỉ. Theo đó, chỉ cần có câu "Thánh chỉ tới", tất cả người dân có mặt tại đó đều lập tức quỳ xuống để lắng nghe thánh chỉ. Từ hoàng thân quốc thích, vương công, quý tộc, quan lại cho đến dân thường, chỉ cần "thánh chỉ tới" thì đều lập tức phải tiếp chỉ.

Thánh chỉ có thể làm thay đổi 1 gia tộc, có thể tước mạng sống hay ban lộc phúc cho người dân, quân thần sống 1 đời ấm êm sung túc. Điều này đủ thấy sức mạnh của thánh chỉ lớn đến thế nào. Thánh chỉ rất có uy lực, mang theo mệnh lệnh tối cao của hoàng đế. Vậy tại sao các quan viên đại thần không bao giờ dám làm giả?

Thánh chỉ được tạo ra bằng nhiều sợi tơ màu với những màu sắc khác nhau
Thánh chỉ được tạo ra bằng nhiều sợi tơ màu với những màu sắc khác nhau. (Ảnh minh họa).

Trong mỗi một triều đại, các hoàng đế đều vô cùng chú trọng việc đưa ra thánh chỉ, tiêu tốn không ít thời gian và công sức.

Thánh chỉ được tạo ra bằng nhiều sợi tơ màu với những màu sắc khác nhau, nhiều nhất có thể lên đến 6 loại màu sắc của các sợi tơ lụa.

Độ dài của thánh chỉ cũng rất dài, dài khoảng 5 mét, thế nên khi truyền thánh chỉ thì cũng không phải chỉ có một người truyền đạt mà là cần 2 - 3 người cùng nhau hoàn thành công việc này.

Thánh chỉ là lời vua ban, và chỉ có vua mới được chắp bút, ngự bút của vua có thể làm giả không? Có thể. Tuy nhiên, làm giả chữ vua là khi quân phạm thượng. Thời cổ đại việc giả truyền thánh chỉ được xem là khi quân phạm thượng, là một tội nặng trong thời đó có thể dẫn đến tru di cửu tộc.

Nói thì dễ, nhưng thánh chỉ không thể làm giả bởi mọi phương án đảm bảo an toàn đều đã được đưa ra để tránh có kẻ giở trò. Nếu như trong quá trình này mà xảy ra sai sót gì, không chỉ có một người chịu phạt mà sẽ liên lụy tới tất cả mọi người.

Hơn nữa, hộ tống thánh chỉ không chỉ có thái giám mà còn có 1 quân đội hùng hậu đi cùng để tránh trường hợp thánh chỉ bị đánh tráo, hoặc sửa chữa. Bởi vậy, xác suất làm giả thánh chỉ gần như bằng 0.

Xác suất làm giả thánh chỉ gần như bằng 0.
Xác suất làm giả thánh chỉ gần như bằng 0. (Ảnh minh họa).

Cuối cùng, ấn dấu quyết định thánh chỉ chính là ngọc tỷ. Ngọc tỷ là vật nhân gian có 1, được thiết kế vô cùng tinh xảo do ngọc sư chính tay khắc 8 chữ "Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương" do chính thừa tướng Lý Tư viết dựa theo ý chỉ của hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.

Ngọc tỷ rất khó để làm giả, nếu như có người thực sự làm giả ngọc tỉ, vậy thì sẽ rất dễ bị phát hiện và đồng nghĩa với kết cục chết chóc, nặng thì còn bị tru di cửu tộc, tiếng xấu muôn đời.

Ngần ấy lý do để chứng minh cho 1 điều, cho dù những người có quyền thế 1 tay che trời cũng không đủ gan để làm giả thánh chỉ!

Cập nhật: 04/09/2024 Theo NĐT/PNVN
  • 3,17
  • 8.705