Thành phố cổ duy nhất của thế giới được xây dựng trên rạn san hô, nằm ngay ngoài khơi bờ biển phía Đông của đảo Pohnpei, Micronesia. Nan Madol bao gồm 99 hòn đảo nhỏ nhân tạo liên kết với nhau bằng một mạng lưới kênh rạch do đó thường được gọi là "Venice của Thái Bình Dương".
Nan Madol được coi là kỳ quan kỹ thuật, vì các đảo nhỏ của nó được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá bazan khổng lồ. Điều khiến các nhà khảo cổ bị thu hút khi tới đây là để giải thích cho câu hỏi vì sao các bức tường này có thể xây cao đến vậy khi mà mỗi khúc đá bazan nặng tới 750.000 tấn.
Các chuyên gia đã phán đoán rằng bè có thể đã được sử dụng để vận chuyển những tảng đá khổng lồ đến rạn san hô. Tuy nhiên, trong một thí nghiệm cho thấy các khối đá này sẽ bị chìm xuống nước ngay lập tức vì trọng lượng khá nặng.
Xác định niên đại của Nan Madol bằng carbon cho thấy một số cấu trúc có tuổi đời khoảng 900 năm, nhưng các hòn đảo này thậm chí còn có niên đại xa hơn nữa vào thế kỷ 8 và 9.
Truyền thuyết Pohnpeian nói rằng thành phố cổ Nan Madol được xây dựng bởi hai anh em phù thủy Olisihpa và Olosohpa đến từ vùng đất Katau huyền bí.
Họ được cho là những người khổng lồ có thân hình cao lớn hơn người dân bản địa lúc bấy giờ rất nhiều. Hai anh em này đã lập một đền thờ để thờ vị thần nông nghiệp Nahnisohn Sahpw. Olisihpa và Olosohpa cử hành rất nhiều nghi lễ tại đền thờ và những hòn đá khổng lồ đã được chuyển đến với sự giúp sức bởi một con rồng biết bay và tạo ra các hòn đảo nhỏ ở Nan Madol.
Sau đó, Olosohpa đã trở thành người cai trị đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của một triều đại cai trị Nan Madol cho đến khoảng năm 1628.
Hầu hết người Pohnpeia vẫn tin rằng thành phố cổ đại chính là kết quả của phép thuật nhiệm màu, vì không có giả thuyết khả thi nào nói về cách con người di chuyển 750.000 tấn đá bazan. Nó cũng đã được công nhận là một địa điểm linh thiêng được thành lập bởi triều đại Saudeleur, nơi từng là nơi cư trú của các tù trưởng và linh mục, cũng như thường dân.
Người ta ước tính rằng dân số của Nan Madol là hơn 1.000 người vào thời điểm khi toàn bộ dân số của Pohnpei chỉ đạt 25.000 người.
Vì không có công cụ để trồng trọt cũng như phương tiện để lấy nước ngọt trên rạn san hô, nên đời sống ở đây rất khổ cực. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc thành phố này bị bỏ hoang.
Tuy nhiên, bí ẩn về nguồn gốc và mục đích của thành phố cổ đại đã tự nhiên truyền cảm hứng cho khá nhiều truyền thuyết liên quan đến linh hồn và ma quái.
Năm 2016, Nan Madol đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Nhưng di tích này đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, rừng ngập mặn xâm lấn và thời tiết Thái Bình Dương thất thường, khiến nó cũng được xếp vào Di sản Thế giới trong danh sách nguy hiểm.