Thành tựu khoa học từ cuộc xâm lược Ai Cập của Napoleon

  •  
  • 396

Cuối thế kỷ 18, hơn 150 nhà khoa học cùng Napoleon tới Ai Cập với mục đích nghiên cứu và khai thác, mang đến nhiều phát hiện mới và giá trị.

Khi xâm lược Ai Cập vào tháng 7/1798, Napoleon Bonaparte không chỉ mang theo hàng vạn quân lính mà còn tuyển hơn 150 nhà khoa học đi cùng. Họ đến đó với mục đích nghiên cứu và khai thác. Ngày 23/8/1798, hiệp hội khoa học mang tên Institut d'Égypte, tổ chức cuộc họp đầu tiên ở Cairo và Napoleon trở thành phó hội trưởng đầu tiên. Nhưng sau nhiều thất bại ở Ai Cập, Napoleon trở về Pháp vào năm 1799 và khiến nhiều nhà khoa học mắc kẹt.

 Minh họa Napoleon đứng trước tượng nhân sư.
Minh họa Napoleon đứng trước tượng nhân sư. (Ảnh: Jean-Léon Gérôme)

Bất chấp những khó khăn, các kỹ sư, nhà toán học, nhà tự nhiên học và những chuyên gia khác đã dành gần ba năm để khảo sát, ghi chép và thu thập mọi thứ từ cổ vật đến xác ướp và những loài động vật mà phương Tây chưa biết đến. Công việc của họ mang đến một số phát hiện mới, giúp chính thức hóa các ngành khoa học như khảo cổ học và thúc đẩy đam mê nghiên cứu Ai Cập.

Phát hiện các phản ứng hóa học có thể đảo ngược

Trước đây, việc phản ứng hóa học có thể đảo ngược không được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nhà hóa học Claude-Louis Berthollet tìm thấy bằng chứng thuyết phục cho quan điểm này trong lúc nghiên cứu muối ở các hồ trong thung lũng Natron.

Đá vôi trong các hồ được bao phủ bởi natron, loại muối tự nhiên mà người Ai Cập sử dụng để bảo quản xác ướp vì nó hấp thụ hơi ẩm và hòa tan chất béo. Berthollet nhận thấy, đá vôi chứa canxi cacbonat phản ứng hóa học với muối, hay natri clorua, để tạo ra natron. Trong khi các nhà hóa học trước đó đã biết, trong điều kiện phòng thí nghiệm, phản ứng ngược lại hoàn toàn có thể xảy ra.

Góp phần chính thức hóa ngành khảo cổ học

Vào thời Napoleon, khảo cổ chưa phải là một ngành khoa học chính thức. Đa số nhà khoa học chưa có nhiều kinh nghiệm với các đồ tạo tác. Đất cát vẫn vùi lấp nhiều ngồi đền chưa được khai quật.

Nghệ sĩ kiêm nhà văn Dominique-Vivant Denon đã rất kinh ngạc trước những di tích cổ xưa mình nhìn thấy. Ông trở về Pháp với Napoleon và nhanh chóng xuất bản một cuốn sách với những mô tả và hình vẽ mang tên Travels in Upper and Lower Egypt (Những chuyến đi ở Thượng và Hạ Ai Cập). Những hình vẽ và mô tả của ông về các ngôi đền và tàn tích ở Thebes, Esna, Edfu, và Karnak trở nên nổi tiếng và rất được ưa chuộng.

Phương pháp mới để phân loại côn trùng

Khi trở về Pháp, nhà thực vật học Jules-César Savigny cần sắp xếp lại 1.500 loài côn trùng mà ông đã mang về. Thời đó chưa tồn tại phương pháp có hệ thống nào để phân biệt loài bướm này với loài bướm khác. Vì vậy Savigny đã nghĩ ra một phương pháp mới.

Ông nhận thấy, các phần phụ miệng của chúng đủ khác biệt để chia thành những loài khác nhau. Ông nghiên cứu cẩn thận những chiếc hàm nhỏ xíu của côn trùng và vẽ hơn 1.000 hình ảnh về các mẫu vật, trong đó một số chỉ dài một cm. Savigny áp dụng sự chính xác tương tự với các loài nhện, giun và động vật không xương sống khác. Một số phương pháp phân loại của ông vẫn được sử dụng đến nay.

Những bức vẽ tinh xảo về lớp Hình nhện của Savigny trong cuốn Description de l'Egypte.
Những bức vẽ tinh xảo về lớp Hình nhện của Savigny trong cuốn Description de l'Egypte. (Ảnh: De Agostini Editorial)

Phát hiện loài cá sấu mới

Etienne Geoffroy Saint-Hilaire tin rằng có hai loài cá sấu ở sông Nile. Ông cũng là một nhà sưu tầm xuất sắc như Savigny. Khi ở Ai Cập, ông đã nghiên cứu dơi, ngỗng, rùa và nhiều sinh vật khác. Các giả thuyết của Geoffroy thường khiến những nhà tự nhiên học khác khó chịu, kể cả việc ông cố gắng chứng minh một con cá sấu ướp xác mà mình thu thập từ Ai Cập thuộc một loài riêng biệt.

Geoffroy cho biết, hàm của nó hoàn toàn khác với cá sấu sông Nile. Thêm vào đó, nó cũng ít hung dữ hơn. Các đồng nghiệp cho rằng ông đã sai khi nói có một loài cá sấu khác tồn tại. Tuy nhiên, hơn 200 năm sau, nhà sinh vật học Evon Hekkala cùng nhóm nghiên cứu đã phân tích ADN của cá sấu hiện đại và một số xác ướp cá sấu của Geoffroy. Họ xác nhận, có hai loài riêng biệt bơi dưới sông Nile: cá sấu sông Nile (Crocodylus niloticus) và cá sấu sa mạc (Crocodylus suchus).

Sự ra đời của nhãn khoa

Các bác sĩ Pháp đi cùng Napoleon gặp phải những căn bệnh lạ ở Ai Cập. Một căn bệnh mà họ mang theo khi trở về châu Âu là "bệnh viêm mắt Ai Cập", ngày nay gọi là đau mắt hột, có thể gây ngứa, sưng mắt và dẫn đến mù. Căn bệnh trở nên phổ biến đến mức các bác sĩ khắp châu Âu bắt đầu nghiên cứu nó.

Thời đó, nhãn khoa chưa phải một nhánh nghiên cứu chính thức, nhưng cuộc chạy đua tìm ra nguồn gốc bệnh đau mắt hột đã đặt nền móng cho sự ra đời của ngành này. Cuối cùng, bác sĩ người Anh John Vetch nhận ra mủ từ mắt bị viêm có thể làm lây lan bệnh. Khi biết căn bệnh có tính lây nhiễm, Vetch đã phát triển những biện pháp phòng chống và điều trị được coi là cột mốc quan trọng trong lịch sử nhãn khoa.

Đá Rosetta giúp giải mã chữ tượng hình

Suốt hàng thế kỷ, không ai có thể đọc những chữ tượng hình xuất hiện trên các di tích của Ai Cập. Khi tìm thấy Đá Rosetta trong cuộc xâm lược, người Pháp biết rằng có thể dùng nó làm chìa khóa dịch thuật.

Ba văn bản được khắc trên đá bằng chữ tượng hình Ai Cập, chữ viết nhanh bắt nguồn từ chữ tượng hình Ai Cập và tiếng Hy Lạp cổ đại. Ba văn bản giống hệt nhau nên phần chữ Hy Lạp có thể giúp các nhà nghiên cứu giải mã chữ tượng hình. Học giả người Pháp Jean-Francois Champollion đã dịch được chúng trong hai thập kỷ.

Ngành Ai Cập học ra đời

Nhiều người giàu trong thế kỷ 18 sưu tầm cổ vật như một thú vui mà không thực sự hiểu công dụng hay ý nghĩa của chúng. Các nhà khoa học của Napoleon khám phá Ai Cập với góc độ khoa học hơn.

Thời đó, nhiều người châu Âu đã nghe nói đến kim tự tháp hay tượng nhân sư, nhưng những ngôi đền và di tích cổ xưa ở Thượng Ai Cập vẫn chưa được biết đến. Dominique-Vivant Denon, một nghệ sĩ kiêm nhà văn, đã cùng binh lính của Napoleon đi dọc theo sông Nile. Ông trình bày lại việc đi vòng qua một khúc sông và bất ngờ nhìn thấy những ngôi đền cổ Karnak và Luxor vươn lên từ tàn tích của Thebes. "Toàn bộ đội quân, đột ngột và đồng lòng, đều sửng sốt và vỗ tay phấn khích", ông viết.

Bản vẽ đền Edfu của Dominique-Vivant Denon.
Bản vẽ đền Edfu của Dominique-Vivant Denon. (Ảnh: Art Media/Print Collector)

Denon trở về Pháp cùng Napoleon và nhanh chóng xuất bản cuốn sách Travels in Upper and Lower Egypt (Những chuyến đi ở Thượng và Hạ Ai Cập) kèm theo mô tả và hình vẽ. Ông cũng khuyến nghị cử thêm nhiều nhà khoa học đến sông Nile để ghi chép về các di tích chi tiết hơn. Napoleon chấp thuận và hai nhóm nghiên cứu mới đã đến Ai Cập để thực hiện nhiệm vụ khảo cổ vào tháng 9/1799.

Nhóm kiến trúc sư và kỹ sư trẻ đã vẽ và đo đạc rất nhiều công trình kiến trúc cổ. Tất cả những khảo sát này được xuất bản trong La Description de l'Egypte, một bộ sách nhiều tập gồm bản đồ, hàng trăm bức khắc bằng đồng cùng nhiều bài mô tả những gì họ tìm hiểu được về Ai Cập. Bộ sách chia Ai Cập thành thời cổ đại và hiện đại, đồng thời đưa ra góc nhìn hiện đại về Ai Cập cổ đại như giới khoa học biết ngày nay.

La Description de l'Egypte cực kỳ nổi tiếng. Các kiến trúc, biểu tượng và hình ảnh của Ai Cập cổ đại thậm chí trở thành điểm nhấn thời thượng trong nghệ thuật và kiến trúc châu Âu.

Nhờ những chuyến khám phá của nhóm nhà khoa học thời Napoleon, niềm đam mê của người châu Âu với Ai Cập cổ đại tăng lên, dẫn đến sự xuất hiện của các bảo tàng khảo cổ tại châu lục này, khởi đầu với việc Louvre mở cửa bảo tàng Ai Cập đầu tiên vào năm 1827.

Cuối cùng, niềm đam mê này giúp ngành Ai Cập học (Egyptology), ngành có sức ảnh hưởng lớn đến khảo cổ học hiện đại, ra đời. "Các học giả và kỹ sư của Napoleon được nhớ đến nhiều nhất như những người giúp khảo cổ trở thành một ngành khoa học", tác giả Nina Burleigh viết trong cuốn sách Mirage.

Phát minh máy khắc giúp tăng tốc in ấn

Khi trở lại Pháp, nhiều nhà khoa học tham gia biên soạn bộ sách nhiều tập Description de l'Égypte dày tới 7.000 trang gồm những gì họ quan sát và nghiên cứu ở Ai Cập. Để rút ngắn quá trình khắc tốn nhiều công sức, kỹ sư Nicolas-Jacques Conté chế tạo cỗ máy tự động hóa một phần quy trình.

Để in hàng trăm bức tranh minh họa, trước tiên những người thợ khắc phải chuyển chúng sang các tấm đồng. Với những tấm có hình vẽ di tích, máy của Conté có thể khắc bầu trời ở hậu cảnh. Thợ khắc cũng có thể thiết lập máy để tạo ra các đám mây. Những thứ vốn mất 6 - 8 tháng giờ có thể hoàn thành trong vài ngày.

Tuy nhiên, bộ sách vẫn rất kỳ công và được coi là tác phẩm tham vọng nhất của Pháp đầu thế kỷ 19. Tập đầu tiên được in vào năm 1809, tập cuối cùng ra mắt cuối những năm 1820, gần một thập kỷ sau cái chết của Napoleon.

Cập nhật: 05/02/2024 VnExpress
  • 396