Thầy trò chế tạo robot phục vụ người cách ly vì dịch covid-19

  •  
  • 176

Chỉ chưa đầy một tuần, nhóm thầy trò khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã chế tạo thành công robot thay con người phục vụ trong khu cách ly vì dịch covid-19.

Sau khi xác định nhu cầu của bệnh viện, nhóm 5 thầy trò, cựu sinh viên khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã lên ý tưởng và thiết kế, chế tạo robot vận chuyển thức ăn phục vụ trong các khu vực cách ly. Robot vừa chạy thử thành công chiều 22-3.

Robot vận hành tốt trong buổi chạy thử chiều 22/3
Robot vận hành tốt trong buổi chạy thử chiều 22/3 - (Ảnh: ĐOÀN NHẠN).

Thức ăn, thuốc và các vật dụng cần thiết sau khi đặt lên robot sẽ được đưa vào tận các phòng cách ly. Robot sẽ phát loa thông báo cho người trong phòng bệnh. Bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Con robot đầu tiên do trường này chế tạo sẽ được đưa vào vận hành ngày mai 23-3 tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng.

Robot được điều khiển đơn giản bằng một nút điều chỉnh đa hướng. Thân robot này được làm bằng thép không gỉ, cấu tạo đơn giản không có nhiều góc cạnh nên dễ phun khử trùng.

Nhóm chế tạo cùng các giảng viên khoa Cơ khí chạy thử robot
Nhóm chế tạo cùng các giảng viên khoa Cơ khí chạy thử robot - (Ảnh: ĐOÀN NHẠN).

Trên robot có camera để quan sát người trong phòng cách ly, có hệ thống loa để bác sĩ theo dõi tình trạng người cách ly.

Ưu điểm của robot là tốc độ có thể được điều chỉnh linh hoạt, có thể mở rộng để vận chuyển những đồ vật phức tạp, chuyển người trong trường hợp cần thiết với tải trọng lên đến cả trăm cân.

Bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp
Bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp - (Ảnh: ĐOÀN NHẠN).

Theo TS Võ Như Thành - trưởng bộ môn cơ điện tử, khoa cơ khí, người tham gia chế tạo robot - khó nhất là tất cả các công đoạn chỉ thực hiện trong vòng 1 tuần. Thầy trò phải thuyết phục các đơn vị gia công gác hết các việc khác để tập trung hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng.

Chi phí làm gấp rút gia công và linh kiện khoảng 50 triệu đồng, nếu làm số lượng trên 10 robot thì giá thành sẽ giảm nhiều.

Robot được điều khiển đơn giản bằng một nút điều chỉnh đa hướng
Robot được điều khiển đơn giản bằng một nút điều chỉnh đa hướng - (Ảnh: ĐOÀN NHẠN).

Thân robot đơn giản với thép chống gỉ tiện cho việc khử trùng và chịu được tải trọng lớn
Thân robot đơn giản với thép chống gỉ tiện cho việc khử trùng và chịu được tải trọng lớn - (Ảnh: ĐOÀN NHẠN).

PGS Lưu Đức Bình, trưởng khoa cơ khí trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho biết hiện robot đầu tiên được trường bàn giao miễn phí cho Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng. Chi phí chế tạo robot từ khoa, nhà trường cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Khoa học công nghệ ĐH Đà Nẵng.

"Robot sẽ có chức năng tiếp phẩm phục vụ cho các bệnh nhân trong thời gian cách ly điều trị để giảm bớt khối lượng công việc cho các nhân viên y tế, hơn hết nhằm ngăn ngừa, giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế trong công tác phòng chống dịch" - thầy Bình nói.

Cập nhật: 23/03/2020 Theo Tuổi Trẻ
  • 176