Thêm một lý giải về sự diệt vong của loài khủng long

  •  
  • 3.524

Sáng qua (06/09), tạp chí khoa học Nature công bố kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy có thể sự va chạm bất ngờ giữa hai khối đá khổng lồ ở vành đai tiểu hành tinh 160 triệu năm trước là nguyên nhân diệt vong của loài khủng long (cách đây khoảng 65 triệu năm).

Va chạm như thế nào?

Từ khi biết có sự tồn tại của khủng long, các nhà khoa học luôn trăn trở với câu hỏi vì sao chúng biến mất hoàn toàn khỏi trái đất? Kể từ đó là các cuộc nghiên cứu, nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng hình như chưa ai thực sự hài lòng. Theo giả thuyết mới nhất của các nhà khoa học thuộc Học viện Nghiên cứu Tây - Nam bang Colorado (Mỹ) và Đại học Charles ở Prague (CH Czech) vừa đăng trên Nature, sự va chạm giữa hai khối đá có đường kính hàng chục km đã tạo ra nhiều mảnh vỡ. Có thể một trong số đó đã rơi xuống trái đất cách đây 65 triệu năm, tạo ra sự thay đổi khí hậu đột ngột và khiến khủng long bị tuyệt chủng.

Sự kiện này được giải thích khá rõ khi một mẩu sao chổi (hoặc thiên thạch) rơi xuống tạo hố va chạm có tên Chicxulub - đường kính 180km - ở Mexico. Những mẩu khác xuất hiện từ vụ va chạm này có thể rơi xuống mặt trăng, sao Kim và sao Hỏa.

Hai thiên thạch đâm vào nhau, một trong những mảnh văng ra bắn thẳng vào trái đất (Ảnh: Sciam.com)

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã mô phỏng trên máy tính vụ va chạm bằng cách tìm hiểu tiểu hành tinh số 298 tên gọi Baptistina. Tiểu hành tinh này cùng chung quỹ đạo với nhóm các khối đá nhỏ hơn. Theo nhóm nghiên cứu, tiểu hành tinh khổng lồ đường kính 170km có nhiều yếu tố đáng chú ý.

Cách đây khoảng 160 triệu năm, tiểu hành tinh này đã bị khối đá đường kính 60km húc phải, chia hành tinh ra thành khoảng 300 mảnh có đường kính khoảng 10km.

Các nhà khoa học nhận thấy trong số các mẩu trầm tích tìm thấy ở miệng núi lửa có cả dấu vết của hạt carbon, loại khoáng duy nhất có trong một vài loại thiên thạch. Theo họ, vụ va chạm cũng đã tạo ra một tiểu hành tinh và có tới 90% khả năng nó thuộc gia đình tiểu hành tinh Baptistina. Và rất nhiều lý do để kết luận một tiểu hành tinh khác có đường kính 4km thuộc gia đình này cách đây 108 triệu năm đã va vào mặt trăng, tạo ra hố va chạm đường kính 85km tên gọi Tycho.

Hậu quả diệt vong

Sau khi va chạm, một trong những mảnh vỡ rơi xuống đã tạo ra các đám mây bụi khổng lồ che lấp mặt trời, khiến mặt đất chìm trong mùa đông buốt giá kéo dài nên các loài vật dần tuyệt chủng, trong đó có khủng long.

Căn cứ theo những gì tìm thấy trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhà khoa học nhận định mặc dù sự kiện các tiểu hành tinh va chạm, hình thành và rơi vãi diễn ra từ cách đây 100 triệu năm nhưng đến giờ vẫn chưa kết thúc. Khoảng 20% các tiểu hành tinh hiện đang ở rất gần trái đất và đều thuộc gia đình Baptistina.

Nhà khoa học Philippe Claeys ở Bỉ, tuy không tham gia vào cuộc nghiên cứu nhưng có gửi e mail viết: “Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và CH Czech là minh chứng rõ ràng nhất cho khẳng định Thái dương hệ là một môi trường tàn nhẫn mà những sự thay đổi, va chạm giữa các hành tinh trong nó có thể gây ra những hậu quả tai hại đối với sự tiến hóa của các loài trên trái đất”.

Hình vẽ mô phỏng lúc thiên thạch đâm vào trái đất (Ảnh: Sciam.com)

Việt Khuê

Theo Reuters, AFP, Sài Gòn giải phóng
  • 3.524