'Thóc 3.000 năm' được bảo vệ đặc biệt vì nắng nóng

  •  
  • 1.303

Sau hơn 10 ngày, những hạt thóc phát lộ từ tầng đất có niên đại 3.000 đã phát triển thành những cây mạ. Cây lớn nhất có chiều cao 15 cm và chưa có dấu hiệu gì bất thường.

Chiều 20/5, trong cái nắng gay gắt của Hà Nội, 10 hạt thóc nảy mầm được tiếp nhận từ đoàn khảo cổ tại di chỉ Thành Dền buộc phải đem đi "trốn nắng". Thay vì được các chuyên gia Viện Di truyền nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nuôi cấy và để ngoài trời như trước đó, các hạt thóc (nay đã thành cây mạ) phải đưa vào trong phòng thí nghiệm.

"Nhiệt độ ngoài trời hôm nay có lúc lên tới 42 độ, chúng tôi phải đem những cây mạ này đi tránh nắng từ lúc 11h, sau 16h mới mang trở ra ngoài lồng", tiến sĩ Phạm Xuân Hội, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử, người trực tiếp chăm sóc những cây mạ cho biết. 

Chiều 20/5, các cây mạ mọc lên từ "thóc 3.000 năm' phải đưa vào phòng thí nghiệm tránh nắng. Khay nhựa trắng bên phải có 8 cây, tiếp nhận từ ngày 12/5; hai cây tiếp nhận ngày 16/5 ở phía trên, khay trái. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Theo tiến sĩ Hội, Viện tiếp nhận 10 hạt thóc theo trong hai đợt. Lần thứ nhất ngày 12/5 với 8 hạt, lần thứ hai có 2 hạt vào ngày 16/5. Khi tiếp nhận, các hạt thóc đều đã nảy mầm thành mạ. Số mạ này được trồng vào khay nhựa ngoài trời, bảo vệ trong 2 lớp nhà lưới nhằm tránh chim, chuột, bọ... Đất để trồng mạ được lấy từ ruộng lúa ở khu An Khánh, không bón phân.

Theo số liệu đo đạc ngày 20/5, trong số 8 cây tiếp nhận từ đợt đầu, có hai cây cao 15 cm, cây thấp nhất 3 cm. Hai cây tiếp nhận vào đợt sau phát triển ngang nhau. Ngoài ra, để đối chứng, ông Hội gieo thêm mạ bằng 3 giống lúa của Việt Nam và Ấn Độ. Sau mỗi 5 ngày, các chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp sẽ đo đạc, ghi chép lại sự phát triển của các cây lúa này.

Nhận định về hình thái, tiến sĩ Hội cho biết, tuy tiếp nhận cùng đợt nhưng các cây mạ phát triển không đều do thời điểm nảy mầm khác nhau. "Ngoài việc các lá hơi mảnh, hẹp, các cây mạ sinh trưởng bình thường và tương đương với các giống lúa bây giờ", ông Hội nói.

Cũng theo vị tiến sĩ này, nếu chính xác là giống lúa cổ, vòng sinh trưởng của chúng sẽ dài hơn các giống hiện nay. Quá trình sinh trưởng của lúa hiện tại thường là hơn 3 tháng, còn các giống lúa ngày xưa kéo dài 4-6 tháng. "Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng để cây sinh trưởng, cho ra hạt. Có hạt sẽ có điều kiện để làm được rất nhiều thí nghiệm", ông Hội cho biết. 

Có 2 cây mạ đã cao 15 cm. Theo tiến sĩ Phạm Xuân Hội, ngoài hình thái lá hơi mảnh, hẹp, các cây mạ từ 'thóc 3.000 năm" sinh trưởng không khác là bao so với giống lúa hiện đại. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Tuy nhiên, vị tiến sĩ này tỏ ra khá lo ngại do các cây sinh trưởng vào thời điểm trái vụ. Trong trường hợp thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt, Viện Di truyền nông nghiệp sẽ dùng phương pháp tách chồi trong phòng thí nghiệm để bảo quản giống và trồng vào vụ tới.

Tiến sĩ Phạm Xuân Hội cũng đề xuất hướng xử lý khá đơn giản để xác định niên đại các hạt thóc cổ bằng việc lên hiện trường di chỉ Thành Dền tìm thêm mẫu hạt lúa trong các tầng đất có niên đại nhiều ngàn năm trước. Sau đó, chọn lọc các hạt, đem về ngâm nước, gieo cho nẩy mầm, nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận...

"Nói tóm lại là làm từ đầu đến cuối theo một quy trình khép kín để loại trừ các khả năng hạt thóc ngoại lai rơi vào", tiến sĩ Hội nói.

Trao đổi với VnExpressnet, tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, đề xuất của tiến sĩ Hội cũng được đoàn khảo cổ nhìn nhận từ trước. Thậm chí, đoàn còn đề nghị các chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp cùng xuống khai quật để trực tiếp lấy các hạt thóc. Di chỉ Thành Dền vẫn trong quá trình khai quật, tiềm năng tìm thấy các hạt thóc mẩy (có khả năng nảy mầm) là rất lớn.

"Sáng nay chúng tôi tìm thấy thêm 4 hạt thóc, trong đó có 2 hạt có khả năng nảy mầm và đã ngay lập tức bảo quản trong môi trường hộp nhựa ẩm", tiến sĩ Dung cho biết.

Cũng theo nữ tiến sĩ này, giáo sư Phan Huy Lê cũng có mặt và chứng kiến việc đoàn khảo cổ tìm thấy các hạt thóc mới.

"Sau mấy lần tìm thấy các hạt thóc cổ nảy mầm, chúng tôi càng có thêm kinh nghiệm xử lý để loại trừ tất cả khả năng như gió, nước mưa... khiến di vật khai quật được bị nhiễm mẫu", bà Dung nói.

Tuy nhiên, về mặt nghề nghiệp, tiến sĩ Dung khẳng định, kể cả trước khi phát hiện ra "thóc 3.000 năm nảy mầm", đoàn khai quật của bà cũng đã làm việc rất có nguyên tắc. Vì thế, bà khẳng định các hạt thóc nảy mầm có niên đại đúng bằng niên đại của tầng văn hóa Đồng Đậu, tương đương 3.000-3.500 năm trước.

Theo VnExpress
  • 1.303