Thứ tự ra đời ảnh hưởng như thế nào đến mỗi người?

  •  
  • 4.395

Một số bậc cha mẹ cho rằng anh em trong gia đình thường có tính cách, khả năng, sở thích khác nhau phụ thuộc vào thứ tự ra đời của nó. Hơn nữa, một số người còn cho rằng thứ bậc anh em còn có ảnh hưởng tới sức khỏe, trí tuệ và đặc điểm tính cách của đứa trẻ. Vậy thật ra, thứ hạng trong gia đình ảnh hưởng như thế nào tới mỗi con người? Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm lý giải bí ẩn này và các nhà khoa học đã phát hiện ra được một số mối tương quan thú vị nhưng cũng đầy tranh cãi.

Các nhà nghiên cứu nhìn nhận rằng, thứ bậc anh em là một lĩnh vực cực kỳ khó nghiên cứu và cũng vì thế, các kết luận vẫn còn gây nhiều tranh cãi cho đến ngày nay. Có rất nhiều yếu tố bên ngoài xoay quanh chủ đề này như tuổi của mỗi người trong gia đình, họ cách nhau bao nhiêu tuổi, gia đình đó có tổng cộng bao nhiêu đứa con, giới tính của mỗi đứa con, hoàn cảnh môi trường nuôi dưỡng và nhiều điều kiện kinh tế - xã hội khác. Thật sự, các nhân tố trên không dễ phân lập nhằm xác định ảnh hưởng của mỗi yếu tố tới thứ bậc anh em và từ đó, biết được tác động tới mỗi thành viên trong nhà.

Hồi năm 1983, 2 nhà nghiên cứu Cécile Ernst và Jules Angst đã thực hiện một nghiên cứu lớn, kéo dài từ năm 1946 đến năm 1980 nhằm tìm câu trả lời cho thắc mắc trên. Từ đó đến nay, nhiều nhà tâm lý học đã tối thiểu hóa vai trò và ảnh hưởng của thứ bậc anh em đối với mỗi cá nhân. Và một số ý kiến còn cho rằng nó không thật sự có ảnh hưởng đến mỗi người. Nhưng trong suốt 4 thập kỷ qua, nhiều nhà tâm lý học vẫn tiếp tục nghiên cứu chủ đề này và cho đến hiện tại, họ đã thu được một số phát hiện.

Thứ tự ra đời và tính cách


Alfred Adler (1870 - 1937)​

Alfred Adler (1870 - 1937), bác sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân, là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên sử dụng thứ tự anh em trong gia đình để đánh giá tâm lý khách hàng của ông. Và Frank Sulloway, giáo sư tâm lý học hiện đại thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã nghiêm túc kiểm chứng các tiếp cận của tiền bối Alfred Adler.

Trong cuốn sách "Born to Rebel" xuất bản năm 1996, Sulloway đã đề xuất 5 đặc điểm tính cách của mỗi cá nhân là sự cởi mở (openness), sự tận tâm (conscientiousness), sự dễ chịu (agreeableness), tính hướng ngoại (extraversion) và tâm lý bất ổn (neuroticism). Ông cho rằng, thứ tự ra đời có ảnh hưởng nhất định tới tất cả các đặc điểm này. Theo Sulloway, đứa con đầu lòng sẽ có sự vâng lời nhiều hơn, trong khi những đứa con tiếp theo trong gia đình thể hiện sáng tạo cao hơn và có xu hướng từ chối sự áp đặt. Ông còn phát hiện rằng, những người có cùng thứ hạng trong gia đình sẽ có nhiều điểm chung hơn so với anh em của họ.


Frank Sulloway, giáo sư tâm lý học hiện đại, người đã đề xuất 5 đặc điểm tính cách của con người và sức ảnh hưởng của thứ bậc ra đời với 5 đặc điểm này​

Và những quan điểm trong cuốn sách của Sulloway đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, tạo nên các cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Giáo sư xã hội học Jeremy Freese đến từ Đại học Northwestern là 1 trong những người phản bác hướng tiếp cận của Sulloway và thậm chí ông còn cho rằng Sulloway đã làm giả dữ liệu. Tuy nhiên, cuốn sách của Sulloway đã khơi mào cho sự ra đời của hàng trăm nghiên cứu khác dựa trên quan điểm của Sulloway.

Hồi năm 2010, tiến sĩ xã hội học người Đức Daniel Eckstein cùng các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích một cách đầy đủ nhằm kiểm chứng và hoàn thiện ý tưởng của Ernst và Angst. Dựa trên kết quả của hơn 200 nghiên cứu sẵn có, nhóm có thể thống kê được ảnh hưởng của thứ bậc anh em đến đặc điểm tính cách và phong cách sống của mỗi cá nhân. Họ phát hiện ra rằng một số đặc điểm tính cách có mối liên hệ chặt chẽ với thứ hạng ra đời.


Thống kê 200 nghiên cứu về mối tương quan giữa tính cách cá nhân và thứ tự ra đời (Cột bên trái là đặc điểm tính cách với n là tần số xuất hiện trong 200 nghiên cứu và cột bên phải là vị trí xuất hiện trong nghiên cứu)​.

Cụ thể, những đứa trẻ đầu lòng có xu hướng đạt được những đạt được những kết quả và thành công cao hơn. Những người là con một trong già đình luôn khao khát đạt được thành tựu. Những đứa con giữa thường dễ gần gũi. Và cuối cùng là những đứa con út, thường hướng tới các giao tiếp trong cuộc sống xã hội. Bên dưới đây là bảng thống kê 200 nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu của nhóm.

Dựa theo bảng thống kê trên, rõ ràng là có sự liên kết giữa thứ tự trong gia đình và đặc điểm cá nhân cũng như sở thích nghề nghiệp. Một nghiên cứu hồi năm 2001 cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ sinh sau thường đi theo khuynh hướng nghệ thuật và các nghề có liên quan đến tính hướng ngoại. Trong khi đó, những đứa con một và con đầu lòng thường theo đuổi những gì thuộc về trí tuệ. Đồng thời, các nhà nghiên cứu không nói rằng đây là một vấn đề bẩm sinh hay di truyền. Họ cho rằng đây là kết quả bởi sự định hướng của cha mẹ.

Mặt khác, thứ tự sinh trong gia đình cũng ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của con người. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa con đầu lòng thường theo đuổi "mục tiêu làm chủ" (Mastery Goals). Nhà tâm lý Bernd Carette tại Đại học Gent cho rằng, có thể nguyên nhân của điều này là do những đứa con đầu lòng đã nhận được sự đối xử khác biệt của cha mẹ từ thời thơ ấu, do đó, chúng sẽ dùng chính các tiêu chuẩn do cha mẹ đặt ra để tự đánh giá năng lực của mình.

Thú vị hơn, thứ tự sinh còn ảnh hưởng tới cách mỗi cá nhân hướng ngoại. Một nghiên cứu hồi năm 2013 cho thấy con đầu lòng biểu hiện sự làm chủ nhiều hơn, trong khi những đứa con thứ có xu hướng chan hòa hơn khi hướng ngoại. Mặt khác, những đứa con đầu lòng sẽ ít bị chi phối và quyết đoán hơn so với con thứ. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng có thể chế độ nuôi day nghiêm ngặt và khắt khe đối với con đầu lòng khiến những đứa trẻ này vâng lời hơn, và sẽ tham chiếu mối quan hệ đó vào cuộc sống xã hội khi lớn.

Những mâu thuẫn trong nghiên cứu vẫn tiếp diễn

Hồi năm 1998, các nhà khoa học Canada đã khảo sát 1022 hộ gia đình và phát hiện ra rằng những đứa con đầu lòng bảo thủ hơn, đạt được thành công nhiều hơn và cũng tận tâm hơn so với con thứ. Những đứa con thứ lại được đánh giá là phá cách hơn, phóng khoáng và dễ chịu hơn. Tuy nhiên, kết luận này vẫn chưa thật sự phổ quát do dựa trên các đánh giá từ chính những thành viên trong gia đình. Một nghiên cứu khác dựa trên đánh giá từ những người không thuộc gia đình như bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng lại cho biết là không có sự khác biệt trong thứ bậc anh em.

Thật ra, sự mâu thuẫn trên không quá đáng ngạc nhiên. Một vấn đề tồn tại trong cả 2 nghiên cứu trên chính là việc đánh giá nhân cách 1 anh A nào đó sẽ khác nhau khi người đánh giá là cha mẹ, anh chị em, bạn bè,… Nguyên nhân là do trong quá trình sinh sống, mối quan hệ giữa anh A với những người này là khác nhau. Đồng thời, những người sống chung gia đình anh A sẽ kết luận về anh khác với những người khác. Do đó, các nhà khoa học lập luận rằng có thể thứ bậc anh em chỉ ảnh hưởng đến với cá nhân đó trong phạm vi gia đình, và tác động này không thể tham chiếu vượt khỏi phạm vi này.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu còn kết luận rằng, mối quan hệ anh em sẽ liên tục phát triển trong suốt đời người. Mối quan hệ này luôn được tiến triển một cách chủ động song song với những hoàn cảnh xã hội. Đây là những nhu cầu thay đổi do tác động của cạnh tranh xã hội lẫn nhu cầu sinh học trong cá nhân mỗi người.

Một số mối liên hệ tiêu biểu

Trí tuệ là khía cạnh đặc biệt gây tranh cãi nhiều nhất. Những người ủng hộ cho rằng những đứa con đầu lòng sẽ có điểm kiểm tra trí thông minh cao hơn. Một nguyên nhân được đưa ra là con đầu lòng nhận được sự chú ý và nguồn lực từ cha mẹ nhiều hơn. Nhà tâm lý học nổi tiếng Robert Zajonc (1923-2008) cho biết thêm rằng con đầu lòng còn thể hiện khả năng giao tiếp bằng lời nói tốt hơn so với con thứ. Nguyên nhân ông đưa ra là do con đầu tích lũy được ngôn ngữ người lớn từ sớm và nhiều hơn so với con thứ.

Một nguyên nhân khác là tình trạng kinh tế xã hội của gia đình. Gia đình càng nhỏ thì thời gian và nguồn lực từ cha mẹ càng được mang đến cho con cái nhiều hơn. Đồng thời, tuổi sinh con của người mẹ cũng có thể là một nhân tố. Những bà mẹ trẻ có xu hướng trình độ thấp, thu nhập thấp nhưng lại tạo ra gia đình đông con, từ đó dẫn tới nguồn lực dành cho con cái kém hơn.

Hồi năm 2009, một nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà tâm lý học Timothy Hartshorne đã củng cố kết luận trước đó của Sulloway rằng người ta thường có nhiều điểm chung với ai đó cùng thứ bậc gia đình. Hơn nữa, mối quan hệ giữa 2 người nam - nữ có cùng thứ bậc sẽ lâu dài và lãng mạn hơn.

Về mặt sức khỏe, người ta cũng nhận thấy rằng con đầu lòng có khả năng hấp thụ đường kém hơn và có huyết áp vào ban ngày cao hơn con thứ. Đồng thời, con đầu lòng có nguy cơ mắc các bệnh về trao đổi chất và tim mạch cao hơn khi trưởng thành. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể do sự thay đổi vật lý trong cổ tử cung người mẹ trong lần mang thai đầu tiên.

Trên đây là những yếu tổ tiêu biểu thể hiện mối tương quan giữa thứ tự anh em và khía cạnh sinh học, cá nhân mỗi người. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rất nhiều mối tương quan khác xoay quanh chủ đề này. Đồng thời, các nghiên cứu khi công bố đều nhận được cả 2 luồng ý kiến trái chiều nhau và tranh cãi vẫn cứ thế tiếp tục. Hy vọng rằng các nhà nghiên cứu sẽ sớm cùng nhau giải quyết được vấn đề được xem như bí ẩn khoa học còn tồn đọng đến ngày nay. Hy vọng bài viết cung cấp được một số thông tin thú vị cho các bạn. 

Theo Tinh Tế
  • 4.395