Thực hư chuyện điều khiển bộ não

  •  
  • 3.136

Khánh An

Những tài liệu mới giải mật cho thấy, trong những thập niên 70, nhiều quốc gia tăng tốc trong cuộc đua công nghệ “điều khiển bộ não con người” hay còn được gọi với tên khác như “tẩy não”, “tình báo ngoại cảm” hay “phân loại con người”.

Tình báo đặc biệt

Nhiều tài liệu của Chính phủ Mỹ được giải mật gần đây cho thấy vào những năm 70, có ít nhất 3 cơ quan tình báo của họ trong đó có CIA đã tiến hành nhiều nghiên cứu thí nghiệm “phân loại con người” trong chương trình có tên là “Grill Flame” và “Stargate”.

Thực ra, từ những năm 30 đã xuất hiện những nghiên cứu về khả năng liên lạc của con người với nhau bằng sóng điện não, trong đó nổi tiếng nhất là thí nghiệm của Upton Sinclair. Các kết quả thí nghiệm đầy ấn tượng đó được ghi lại và công bố trong hơn 100 tài liệu minh họa của các thí nghiệm việc “truyền” những bức ảnh bằng sóng ngoại cảm giữa ông và bà vợ.

Những chương trình này được thổi bùng lên nhờ sức nóng sau cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến tranh lạnh. Các kỹ thuật điều khiển con người được chia thành 2 dạng chính được gọi là Remote Viewing (RV-gián điệp thấu thị) và Micro-PK (PK-can thiệp hệ thống bằng ngoại cảm).

Hệ thống RV tập hợp những người có khả năng đặc biệt để theo dõi các nhân vật, địa điểm, sự kiện ở những khoảng cách xa về không gian và thời gian.

Các thí nghiệm của CIA vào những năm 70 được thực hiện như xác định nội dung của các bức ảnh dán kín trong phong bì hoặc xác định chuyển động của một đối tượng đang di chuyển trong thành phố. Đặc điểm của các phương pháp thu thập thông tin tình báo của CIA là trải rộng, thiếu tập trung vào chi tiết do đó hạn chế khả năng phân tích. CIA muốn sử dụng hệ thống RV nhằm phân loại và tập trung vào một số chi tiết cụ thể để khẳng định sự tin cậy và hữu dụng của các thông tin đã thu thập được.

Hệ thống PK nghiên cứu sử dụng năng lượng sinh học để tác động đến các hệ thống máy tính, thiết bị điện tử như can thiệp vào hệ thống vũ khí quân sự, hệ thống điều khiển tên lửa, ra đa... Các thí nghiệm cho thấy việc sử dụng thành công các nhà ngoại cảm để can thiệp vào hệ thống thiết bị lượng tử, những máy phát sóng kỹ thuật số... Theo báo cáo, với hệ thống thiết bị càng tối tân, sự can thiệp của PK càng hiệu quả.

CIA đã sử dụng các công cụ như thôi miên thấu thị, phẫu thuật ngoại cảm để tiến hành nghiên cứu trên người. Thậm chí, để tăng hiệu quả chi phối con người, CIA còn sử dụng các loại thuốc phối hợp rất phức tạp mà sau này trở thành nguồn gốc của các loại ma túy tổng hợp như LSD, ketamine... Hơn nữa, CIA còn sử dụng phẫu thuật thùy não, cấy điện cực nhằm điều khiển con người một cách trực tiếp.

Trong cuốn sách nổi tiếng “The control of Candy John” liên quan đến người mẫu nổi tiếng Candy John, tác giả đã xem một cuốn băng hàng giờ đồng hồ của 2 vợ chồng người mẫu này có liên quan đến một chương trình có tính chất hệ thống nhằm tạo ra và thay thế nhân cách của con người.

Nếu như các nghiên cứu thành công, một kỷ nguyên mới của kỹ thuật quân sự sẽ ra đời. Nhưng trên thực tế, các kết quả thu được chưa đạt được như ý muốn của CIA. Ngược lại, các phương pháp tiến hành của CIA đã khiến nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới lên tiếng chỉ trích. Hơn nữa, sau những năm 70 học thuyết quân sự của Mỹ đã thay đổi, vì thế những chương trình tốn kém của CIA đã phải ngừng lại.

Tuy vậy, gần đây trên tờ U.S News&world Report đã đưa tin CIA vẫn tiếp tục sử dụng một số nhà ngoại cảm và các thiết bị hỗ trợ để nhằm khai thác lời khai của các đối tượng bị họ bắt giữ.

Những ứng dụng hòa bình

Điều khiển bộ não là ước mơ của con người. (Ảnh: SK & ĐS)

Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang tìm hiểu công nghệ “tẩy não” nhưng với mục đích hòa bình hơn. Mới đây nhất, các nhà khoa học Đức đã trình làng một sản phẩm rất gần với khả năng đọc các ý nghĩ của con người. Thiết bị có tên máy điện não-vi tính (BBCI) hay còn gọi là “máy chữ ngoại cảm” có thể thực hiện các “đàm thoại trực tiếp” với con người. Nó sử dụng các bộ cảm biến để “đoán” xem con người nghĩ gì. Người sử dụng chỉ cần đội chiếc mũ có gắn những bộ cảm biến giống như máy đo điện não đồ (EEG) và được nối với máy tính. Các bộ cảm biến sẽ ghi nhận và phóng đại sóng não của người sử dụng chuyển dịch sang con trỏ, điều khiển nó dịch chuyển trên loạt ký tự trên màn hình và cho biết người sử dụng đang mong muốn điều gì.

Theo giới chuyên môn, BBCI sẽ mang lại cơ hội lớn cho các bệnh nhân bị liệt. Họ có thể biến suy nghĩ của mình thành các văn bản, hoặc các mệnh lệnh để điều khiển máy tính mà không cần đến sự hoạt động của chân tay. Công nghệ này cũng mang nhiều tiềm năng đưa vào sử dụng trong công nghệ giải trí, sáng tạo nhiều loại trò chơi video mới...

Các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo ra loại cánh tay robot có khả năng đọc được ý nghĩ của con người và làm theo mệnh lệnh. Cánh tay robot này bắt chước sự chuyển động của cánh tay người dựa vào sự nhận dạng cộng hưởng từ trường trong tính năng thời gian thực (fMRI) của hoạt động não người. Sau một khoảng thời gian ngắn huấn luyện, máy tính có khả năng nhận dạng các hoạt động của não tương thích với từng dấu hiệu khác nhau và các lệnh này sẽ được đưa qua bộ phận điều khiển cánh tay robot. Một máy fMRI sẽ thăm dò các hoạt động trong não bằng cách kiểm tra lưu lượng máu tại các vùng khác nhau. Nó sử dụng từ trường kết hợp với xung tần số vô tuyến để thăm dò trạng thái từ của nguyên tử hydro trong phân tử nước của các mô thần kinh.

Ngoài ra còn nhiều ứng dụng khác đang được phát triển như tivi điều khiển bằng ý nghĩ (Nhật Bản), xe lăn điều khiển bằng ý nghĩ (Hoa Kỳ), máy vi tính điều khiển bằng ý nghĩ... Và mới đây nhất là bộ sản phẩm Trò chơi điều khiển bằng ý nghĩ được Công ty Emotiv Systems đưa ra. Thiết bị điều khiển trò chơi bằng ý nghĩ mang tên Project Epoc, được thiết kế dựa trên hệ thống các cảm biến thu nhận các tín hiệu từ vỏ não. Sản phẩm này có sự đóng góp của 2 tác giả là người Việt Nam.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 3.136